Thứ 4, 17/04/2024 05:22:19 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

Xã hội 06:34, 18/08/2019 GMT+7

Thích “ăn chả”… có thể phải vào tù

Chủ nhật, 18/08/2019 | 06:34:00 233 lượt xem
BP - Tại Điều 3 Luật Hôn nhân và gia đình năm 1959 - Luật Hôn nhân và gia đình đầu tiên của nước ta, có quy định: Con trai và con gái đến tuổi, được hoàn toàn tự nguyện quyết định việc kết hôn của mình; không bên nào được ép buộc bên nào, không một ai được cưỡng ép hoặc cản trở. Và một trong những chế định tiến bộ của đạo luật này là quy định về hôn nhân một vợ, một chồng tại Điều 6 như sau: Cấm lấy vợ lẽ. Và cho đến nay, nước ta đã có 4 đạo luật về lĩnh vực này, đó là: Luật Hôn nhân và gia đình năm 1959, 1986, 2000, Luật Hôn nhân và gia đình hiện hành được ban hành năm 2014.

Ở cả 4 đạo luật này đều quy định về chế độ hôn nhân một vợ, một chồng. Tại Điểm c, Khoản 2, Điều 5 về bảo vệ chế độ hôn nhân và gia đình có quy định việc cấm các hành vi sau đây: Người đang có vợ, có chồng mà kết hôn hoặc chung sống như vợ chồng với người khác hoặc chưa có vợ, chưa có chồng mà kết hôn hoặc chung sống như vợ chồng với người đang có chồng, có vợ. Tại Khoản 7, Điều 3 Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014 giải thích: Chung sống như vợ chồng là việc nam, nữ tổ chức cuộc sống chung và coi nhau như là vợ chồng. Theo khái niệm nêu trên, những cặp nam nữ chung sống với nhau như vợ chồng một cách công khai hoặc không công khai nhưng cùng sinh hoạt chung như một gia đình. Được mọi người xung quanh nhìn thấy và công nhận. Trong suốt thời gian sinh sống họ xác lập các mối quan hệ như vợ chồng thật sự về đời sống tình cảm, con cái cũng như tài sản. 

Mặc dù pháp luật quy định là vậy, song trong thực tế cuộc sống vẫn còn không ít trường hợp “ông ăn chả, bà ăn nem” hoặc “chán cơm, thèm phở”. Lại có cả trường hợp vừa “cơm không bỏ mà phở cũng ăn” và với trường hợp này “dân gian” gọi là thích “cơi nới”. Tuy nhiên, theo quy định pháp luật hiện hành thì người nào có hành vi sống chung như vợ chồng và biết rõ tình trạng hôn nhân của hai bên (đang có vợ hoặc đang có chồng) sẽ bị xử phạt hành chính và nghiêm trọng hơn là sẽ bị xử lý hình sự. Cụ thể, về xử phạt hành chính, tại Điều 48 Nghị định số 67/2015/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung Nghị định số 110/2013/NĐ-CP có quy định như sau: Phạt tiền từ 1.000.000 đồng đến 3.000.000 đồng đối với một trong các hành vi vi phạm chế độ hôn nhân một vợ, một chồng, như sau: Đang có vợ hoặc đang có chồng mà kết hôn với người khác, chưa có vợ hoặc chưa có chồng mà kết hôn với người mà mình biết rõ là đang có chồng hoặc đang có vợ; Đang có vợ hoặc đang có chồng mà chung sống như vợ chồng với người khác; Chưa có vợ hoặc chưa có chồng mà chung sống như vợ chồng với người mà mình biết rõ là đang có chồng hoặc đang có vợ;...

Về xử lý hình sự, tại Điều 182 Bộ luật Hình sự năm 2015, được sửa đổi, bổ sung năm 2017 và có hiệu lực thi hành từ ngày 1-1-2018, quy định như sau: Người nào đang có vợ, có chồng mà kết hôn hoặc chung sống như vợ chồng với người khác hoặc người chưa có vợ, chưa có chồng mà kết hôn hoặc chung sống như vợ chồng với người mà mình biết rõ là đang có chồng, có vợ thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt cảnh cáo, phạt cải tạo không giam giữ đến 1 năm hoặc phạt tù từ 3 tháng đến 1 năm: Làm cho quan hệ hôn nhân của một hoặc hai bên dẫn đến ly hôn; Đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi này mà còn vi phạm. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 6 tháng đến 3 năm: Làm cho vợ, chồng hoặc con của một trong hai bên tự sát; Đã có quyết định của tòa án hủy việc kết hôn hoặc buộc phải chấm dứt việc chung sống như vợ chồng trái với chế độ một vợ, một chồng mà vẫn duy trì quan hệ đó.

Từ phân tích nêu trên mong rằng ai đã, đang “ông ăn chả, bà ăn nem”, hay “chán cơm, thèm phở” hoặc “nhà cũ không bỏ nhưng lại thích cơi nới” hãy mau tỉnh ngộ kẻo không những thân bại danh liệt, mà còn có nguy cơ phải ngồi tù.

Ninh Giang

  • Từ khóa
62686

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu