Thứ 7, 20/04/2024 21:25:44 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

Chính trị 06:48, 13/06/2018 GMT+7

KỶ NIỆM 70 NĂM NGÀY CHỦ TỊCH HỒ CHÍ MINH RA LỜI KÊU GỌI THI ĐUA ÁI QUỐC (11-6-1948 - 11-6-2018)

“Thi đua ái quốc” - đôi điều suy ngẫm

Thứ 4, 13/06/2018 | 06:48:00 1,330 lượt xem

BP - Đặc thù nghề báo cho phép tôi đi nhiều, tiếp xúc với nhiều đối tượng trong xã hội, từ những người có chức vụ không nhỏ đến những người dân bình thường, những người khốn khó trong xã hội. Qua mỗi lần tiếp xúc, dấu ấn để lại trong tôi vẫn chỉ là tính cách, tâm tư tình cảm, việc làm cụ thể của những con người mà mình đã tiếp xúc. Và tôi nhận ra rằng: một người tốt, người có ích không nhất thiết phải là người có chức, có quyền, có nhiều tiền hoặc là người thông minh, giỏi giang. Lòng tốt của con người phát tiết trong mọi hoàn cảnh và rất dễ nhận ra, cho dù người tốt, người làm việc tốt thường ít khi quảng cáo về việc làm của mình!

Nghề báo cho phép tôi tham dự các buổi triển khai nội dung học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh từ cấp cơ sở đến cấp tỉnh; tham dự các cuộc thi tìm hiểu về Chủ tịch Hồ Chí Minh; nghe các báo cáo viên từ cấp Trung ương đến cấp cơ sở truyền đạt nội dung về học và làm theo Bác theo chuyên đề từng năm. Đã có lúc tôi nghĩ, Bác Hồ là một nhân cách lớn, một chiến sĩ cộng sản quốc tế lỗi lạc, danh nhân văn hóa thế giới. Một người phi thường thế, đương nhiên phải có những phẩm chất phi thường. Vậy thì những người bình thường làm sao có thể học tập, làm theo Người được. Cũng đã có lúc tôi trộm nghĩ, cuộc vận động “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh” trong chừng mực nào đó sẽ trở nên hình thức, hiệu quả không cao. 

Ủy viên Ban Thường vụ, Trưởng ban Dân vận Tỉnh ủy Lê Thị Xuân Trang và Tỉnh ủy viên, Phó chủ tịch UBND tỉnh Huỳnh Anh Minh trao giải các tác phẩm báo chí, văn học - nghệ thuật về học và làm theo gương Bác tại lễ kỷ niệm 70 năm Ngày Chủ tịch Hồ Chí Minh ra Lời kêu gọi thi đua ái quốc - Ảnh: K.B

Làm báo, tôi đã may mắn được gặp nhiều người tốt, người làm việc tốt trong cộng đồng. Đó là cặp vợ chồng cựu chiến binh đã ở tuổi “thất thập” tại ấp Hiếu Cảm, thị trấn Chơn Thành (Chơn Thành), cả hai đều mắc nhiều bệnh, cả bệnh nan y, đang ở trong một căn nhà cấp IV, hằng tháng vẫn nhận tiền hỗ trợ của các con và cháu. Vậy mà từ hàng chục năm trước, họ đã dành dụm, để dư ra hơn năm chục triệu đồng và dành toàn bộ số tiền đó ủng hộ Hội Cựu chiến binh huyện để xây nhà nghĩa tình đồng đội, tặng một cựu chiến binh là nạn nhân chất độc da cam và gia đình một phụ nữ nghèo. Khi được hỏi những người được tặng nhà có qua lại thăm hỏi các cụ không? Cả hai vợ chồng vô tư trả lời, chúng nó tối mắt kiếm ăn, thời gian đâu thăm với nom! Và chính hai cụ lại thường xuyên qua lại thăm hai gia đình được tặng nhà, đôi lúc hỗ trợ vốn làm ăn và coi họ như con cháu trong gia đình.

Tôi cũng vinh dự được gặp một nông dân ở ấp 2, xã Nghĩa Trung (Bù Đăng) đã bao năm âm thầm mỗi sáng, mỗi trưa chở đất đá để “vá” các “ổ gà” trên những con đường liên ấp trong xã. Dịp tết Nguyên đán Mậu Tuất vừa rồi, ông đã hoàn thành tâm nguyện mở rộng và bê tông hóa 4,8km đường liên ấp bằng những đồng tiền dành dụm được của bản thân và gia đình. Lại có người hằng năm đến mùa bão lũ là chuẩn bị khoảng 2 tấn gạo trong nhà, chờ hội chữ thập đỏ và các đoàn thể đến để giao gạo hỗ trợ người dân bị ảnh hưởng bởi thiên tai ở những nơi xa lắc! Có người được gặp Bác Hồ một lần, khi còn rất nhỏ tuổi, đã nằm lòng câu nói của Bác “dân mình còn nghèo, việc học còn khó khăn, sau này nếu cháu có điều kiện thì hãy quan tâm đến việc học hành”. Hơn 70 tuổi, ông mới thực hiện được tâm nguyện của mình đối với Bác, đó là dành toàn bộ 2,4 tỷ đồng tiền Nhà nước đền bù đất để xây dựng một ngôi trường mầm non nơi ông sinh sống.

Còn rất nhiều những con người có tấm lòng trong sáng, luôn muốn mở rộng vòng tay chia sẻ với cộng đồng mà tôi từng gặp và sẽ gặp. Họ làm những việc tốt một cách lặng thầm, tự nguyện, tự nhiên, không đợi ai đến vận động hay nêu gương. Và tôi dám chắc nhiều người trong số họ chưa từng dự một cuộc họp nào để triển khai Chỉ thị số 03 và nay là Chỉ thị số 05-CT/TW về “Đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh”. Từ những con người rất cụ thể mà tôi từng gặp, từ những lời nói, việc làm thể hiện tinh thần sẻ chia khó khăn với cộng đồng nơi họ, tôi đã cảm nhận họ chính là những tấm gương sáng mà bản thân tôi và nhiều người cần học tập.

Sinh thời, Bác Hồ đã mong muốn cán bộ, công chức nhà nước phải nâng cao ý thức trách nhiệm, hết lòng hết sức phụng sự Tổ quốc, phục vụ nhân dân. Những mệnh đề ấy thực ra chẳng có gì là to tát, xa vời mà là những vấn đề rất cụ thể, ai cũng có thể làm được. “Trách nhiệm” đối với cán bộ, công chức là phải luôn làm tròn phần việc được giao một cách tự nguyện, sáng tạo và hiệu quả. Việc nâng cao ý thức trách nhiệm không chỉ đối với bản thân mà phải đối với tất cả đồng nghiệp, với tổ chức, với người thân, với cộng đồng xã hội, có nghĩa là luôn phải tự vấn mình: Làm thế có lợi gì cho ai không, có ảnh hưởng xấu đến ai không? Nếu luôn nêu cao ý thức trách nhiệm trong mọi công việc thì đã có nghĩa là “phụng sự Tổ quốc, phục vụ nhân dân” rồi.

Trong giai đoạn hiện nay, khi các giá trị, chuẩn mực đạo đức xã hội bị ảnh hưởng bởi mặt trái của cơ chế thị trường, việc rèn luyện, tu dưỡng đạo đức của cán bộ, công chức có phần khó khăn, nhất là trong việc giám sát của tổ chức đối với cá nhân. Những biểu hiện của lối sống thực dụng, cục bộ địa phương, cá nhân chủ nghĩa, cho dù được biểu hiện dưới hình thức nào thì cũng rất dễ nhận thấy. Cái khó khăn là việc chỉ ra, gọi đúng tên sự việc và xử lý sự việc như thế nào để “hợp tình, hợp lý”!

Nhân kỷ niệm 70 năm Ngày Bác Hồ ra Lời kêu gọi thi đua ái quốc, tưởng nhớ đến Người, tôi chẳng đặt ra cho mình kế hoạch gì to tát. Chỉ tâm niệm rằng, hãy làm tốt chức trách, nhiệm vụ được giao, trước hết là trách nhiệm của một công dân, của một cán bộ nhà nước để xứng đáng với số tiền lương được hưởng hằng tháng, một người chủ gia đình. Tôi cũng luôn nhủ mình đừng làm việc gì có hại, ảnh hưởng xấu đến tổ chức hay ai đó và hãy phát hiện, chuyển tải đến bạn đọc nhiều hơn nữa những gương người tốt, những việc làm tốt hằng ngày. Bằng cách ấy, tôi thấy mình đang trực tiếp tham gia vào phong trào Thi đua ái quốc mà Bác Hồ đã kêu gọi và toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta đã và đang thực hiện suốt 70 năm qua.

Thảo Linh

  • Từ khóa
21038

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu