Thứ 3, 19/03/2024 12:36:12 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

Tòa soạn và Bạn đọc 07:30, 14/03/2019 GMT+7

Thêm xanh Vườn quốc gia Bù Gia Mập - Bài cuối

Thứ 5, 14/03/2019 | 07:30:00 534 lượt xem

>> Bài 1: Dự án hợp lòng dân

GẮN BÓ VỚI RỪNG

BP - Thực hiện mục tiêu bảo vệ và phát triển rừng, nâng cao thu nhập cho người dân, từ năm 2016 đến nay, Ban quản lý Vườn quốc gia Bù Gia Mập tiếp tục đẩy mạnh việc giao khoán bảo vệ 25.368,15 ha rừng tự nhiên cho 10 cộng đồng (6 cộng đồng thuộc các xã Bù Gia Mập, Đắk Ơ và 4 cộng đồng thuộc tỉnh Đắk Nông), 4 đồn biên phòng và Công đoàn Vườn quốc gia Bù Gia Mập. Nhận thức vai trò trách nhiệm của mình, đơn vị, cộng đồng nhận khoán đã xây dựng các phương án cụ thể trong việc bố trí thời gian, lực lượng, kế hoạch tuần tra, kiểm soát đảm bảo thường xuyên 24/24 giờ trong ngày; người dân ngày càng gắn bó với rừng.

Kiểm soát nghiêm ngặt

Năm 2018, Cộng đồng bảo vệ rừng thôn Bù Dốt, xã Bù Gia Mập là một trong 15 đơn vị, cộng đồng nhận khoán có nhiều thành tích được Chủ tịch UBND tỉnh tặng bằng khen. Mặc dù cách trụ sở Vườn quốc gia Bù Gia Mập không xa nhưng cộng đồng thôn Bù Dốt thường xuyên tăng cường tuần tra, kiểm soát để bảo vệ rừng hiệu quả. Ông Điểu Vi Rút (1964), dân tộc S’tiêng, Tổ trưởng cho biết: “Cộng đồng thôn có 73 hộ tham gia nhận khoán bảo vệ 2.067 ha rừng tại các tiểu khu 21 và 26. Mỗi ca trực, chúng tôi bố trí 12 thành viên tham gia (mỗi hộ 1 thành viên là nam giới trong độ tuổi lao động). Mỗi ca kéo dài 5 ngày liên tục, trong đó 8 thành viên thường trực và 4 thành viên cơ động. Tất cả cửa ngõ ra vào rừng đều được kiểm soát nghiêm ngặt, khi có vấn đề phát sinh các lực lượng thông báo và sẵn sàng tập trung xử lý, giải quyết”.

Cộng đồng đội 1, thôn 3, xã Đắk Ơ phát dọn, thổi lá, ngăn ranh giới phòng cháy trong mùa khô

Anh Điểu Viên (1988) tham gia nhận khoán bảo vệ rừng từ năm 2006 cho biết: “Ca này tôi được bố trí trực tại chốt chính, các thành viên khác đã đi tuần tra trong rừng. Đường tuần tra chủ yếu là đường mòn, đi bộ. Mỗi ngày chúng tôi đi khoảng 20km, từ 7 giờ sáng tới 5 giờ chiều mới về”. Từ chốt phụ cách vài kilômét chạy xe máy về chốt chính, anh Điểu Khoa (1989), là người có nhiều kinh nghiệm thêm vào câu chuyện: “Rừng còn rất nhiều lâm sản như giáng hương, gõ đỏ, cẩm lai... và động vật quý hiếm như bò tót, vượn, voọc ngũ sắc... do vậy công tác bảo vệ luôn được coi trọng. Quá trình tuần tra kiểm soát, chúng tôi xác định khu vực động vật hoang dã sinh sống, đánh dấu từng cây gỗ quý, qua đó xây dựng phương án bảo vệ cụ thể. Năm 2018, địa bàn chúng tôi quản lý không xảy ra tình trạng khai thác lâm sản trái phép và săn bắt động vật hoang dã”.

Ngày tuần tra, đêm mật phục

Để có những trải nghiệm thực tế, hiểu thêm khó khăn trong công tác quản lý, bảo vệ rừng của các đơn vị, cùng với thành viên của đội 1, thôn 3, xã Đắk Ơ, chúng tôi đi bộ xuyên qua những cánh rừng nguyên sinh. Lối mòn dẫn chúng tôi đi tận vào rừng sâu rậm rạp. Đường rất hẹp, cây cối, dây gai hai bên vươn ra lối đi khiến những người đi đầu phải liên tục dùng dao rựa phát dọn. Anh Điểu Chót (1976), Tổ trưởng cho biết: Cộng đồng có 45 hộ nhận khoán bảo vệ 1.343 ha. Địa bàn quản lý tương đối ổn định, tuy nhiên thi thoảng vẫn có người dân vào rừng hái nấm linh chi và măng. Hơn nữa, rừng còn nhiều gỗ và động vật quý hiếm nên công tác tuần tra, kiểm soát phải được triển khai cẩn trọng vì có thể đối mặt với lâm tặc, rủi ro, nguy hiểm... Mỗi tháng, chúng tôi tổ chức tuần tra dài ngày 4 lần, mỗi lần 3 ngày 2 đêm. Trước khi đi phải chuẩn bị thức ăn, đồ uống, phương tiện, dụng cụ và tư trang đầy đủ. Chúng tôi tổ chức tuần tra theo từng tiểu khu, ban ngày tuần tra, buổi tối mật phục và ngủ trong rừng bằng tăng võng”.

Ban quản lý Vườn quốc gia Bù Gia Mập thanh toán tiền công cho các cộng đồng nhận khoán từ 2 nguồn kinh phí, gồm: Thanh toán theo Nghị định số 99/2010/NĐ-CP ngày 24-9-2010 của Chính phủ về chính sách chi trả dịch vụ môi trường rừng với mức 484.791 đồng/ha/năm và Nghị định số 75/2015/NĐ-CP ngày 9-9-2015 của Chính phủ về cơ chế, chính sách bảo vệ và phát triển rừng, gắn với chính sách giảm nghèo nhanh, bền vững và hỗ trợ đồng bào dân tộc thiểu số giai đoạn 2015-2020 với mức chi trả 400.000 đồng/ha/năm. Tiền công nhận khoán được các cộng đồng chia đều theo ngày công của thành viên tham gia, bình quân khoảng 25-30 triệu đồng/hộ/năm. Ngoài chi trả đúng, đủ, kịp thời chế độ theo quy định, tháng 12-2017, Ban quản lý vườn còn hỗ trợ các cộng đồng xây dựng 7 chốt chính bằng nhà cấp bốn và 4 chốt phụ bằng nhà gỗ; trang bị đầy đủ bảo hộ lao động để từng gia đình và cộng đồng yên tâm nhận khoán khoanh nuôi bảo vệ, góp phần làm cho rừng ngày thêm xanh.

Ông Vương Đức Hòa, Phó giám đốc Ban quản lý Vườn quốc gia Bù Gia Mập cho biết.

Càng vào sâu trong rừng càng mát, cây cối dày đặc, ánh nắng xuyên qua những tán lá le lói. Những con sóc thấy động chuyền cành rất nhanh, thi thoảng cũng có con nai ăn lá thấy người liền chạy trốn. Trong rừng vắng, tiếng nói cười, trò chuyện của các thành viên tuy không lớn nhưng nghe rất rõ. Trong lần tuần tra này, anh Điểu Khươn (1985) được giao nhiệm vụ khoác máy thổi lá. Anh Điểu Khươn cho biết: “Nếu đi rừng mùa mưa thì muỗi, vắt rất nhiều, đường đi cũng khó khăn hơn do sình lầy, trơn trượt. Anh em đi tuần bị té, bị thương là chuyện bình thường. Mùa khô, ngoài nhiệm vụ tuần tra, kiểm soát ngăn chặn lâm tặc, giải cứu động vật hoang dã bị bẫy, mắc kẹt, chúng tôi còn phải phòng chống cháy rừng. Những chỗ có nhiều lá khô, nguy cơ cháy cao thì phải thổi lá, quét dọn sạch sẽ, ngăn ranh giới. Do vậy, ngoài công cụ hỗ trợ, chúng tôi còn mang theo chổi tự làm bằng thân cây lồ ô. Tất cả thành viên đều phải học và sử dụng máy thổi lá thành thạo”.

Phó giám đốc Ban quản lý Vườn quốc gia Bù Gia Mập Vương Đức Hòa cho biết: Những năm gần đây, công tác giao khoán bảo vệ rừng của vườn đạt kết quả tốt, không xảy ra sự cố nghiêm trọng. Để thực hiện nhiệm vụ tốt hơn nữa, từ năm 2016 đến nay, Ban quản lý vườn đề nghị các cộng đồng tăng lực lượng bảo vệ từ 300 hộ (năm 2016) lên 619 hộ (năm 2019). Số hộ nhận khoán tăng hơn gấp đôi, được tổ chức phân công ca trực chặt chẽ, hợp lý. Các cộng đồng nhận khoán còn phối hợp hạt kiểm lâm, các đồn biên phòng hỗ trợ lẫn nhau nên công tác quản lý, bảo vệ càng thuận lợi, những vấn đề phát sinh đều được kịp thời xử lý dứt điểm. Cuối mỗi quý, Ban quản lý vườn tổ chức kiểm tra và nghiệm thu kết quả bảo vệ. Bên cạnh đó, UBND 2 xã Đắk Ơ và Bù Gia Mập thường xuyên quan tâm, động viên, đồng thời có trách nhiệm trong việc bảo lãnh, đôn đốc các cộng đồng thực hiện tốt nhiệm vụ nhận khoán. 

Quang Minh

  • Từ khóa
94524

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu