Thứ 6, 29/03/2024 07:49:32 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

Thời luận 09:22, 12/10/2017 GMT+7

Thêm một chìa khóa để hạn chế lãng phí ngân sách

Thứ 5, 12/10/2017 | 09:22:00 103 lượt xem

BP - Một trong số các đề án được đặt lên bàn nghị sự của Hội nghị Trung ương 6 khóa XII đang diễn ra là “Đổi mới cơ chế quản lý, cơ chế tài chính và tổ chức lại hệ thống các đơn vị sự nghiệp công lập”. Vấn đề này đang thu hút sự quan tâm của hàng triệu viên chức, người lao động trong cả nước. Bởi sự đổi mới ấy sẽ liên quan trực tiếp đến công việc, cuộc sống của họ. Nhiều người đang nóng lòng mong có sự đổi mới, song cũng có không ít người đang nhấp nhổm không yên.

Năm 2016, cả nước có 57.995 đơn vị sự nghiệp công lập, với gần 2,5 triệu lao động (chưa tính lực lượng trong quân đội và công an), trong đó nhiều nhất là sự nghiệp giáo dục - đào tạo, với 41.801 đơn vị, 1.527.049 người; tiếp đến là y tế với 6.160 đơn vị, 402.553 người...

Qua thống kê của cơ quan chức năng cho thấy, trong số gần 2,5 triệu người làm việc ở các đơn vị sự nghiệp công lập, một bộ phận trí thức, nhà khoa học, chuyên gia, công chức, viên chức có lòng tự trọng nghề nghiệp, năng lực tốt, tâm huyết, trách nhiệm cao với công việc, có nhiều đóng góp cho sự phát triển đất nước. Song bên cạnh đó, cũng có một bộ phận không nhỏ mặc trên mình chiếc áo viên chức nhưng lại đang “tầm gửi”, “ký sinh” trong các đơn vị sự nghiệp công lập. Đa số họ vốn là “cán bộ” khi luật chưa phân định rõ công chức với viên chức, “thâm niên công tác” thuộc hàng có “số má” nhưng chưa đến tuổi nghỉ hưu, hoặc thuộc trường hợp vì nhiều lý do khác nhau, đơn vị chủ quản tuyển vào bị “hớ”. Nay không có lý do đủ mạnh nào để cắt hợp đồng đối với những trường hợp hợp đồng dài hạn hoặc đưa ra khỏi biên chế và cho thôi việc những đối tượng là biên chế nhà nước thuộc diện này, dù rõ mười mươi đó là những viên chức làm việc kém, trách nhiệm thấp, cần được thay thế. Đặc biệt đối với trường hợp có chức vụ, là đảng viên, lại càng khó hơn.

Người đứng đầu tất cả cơ quan, đơn vị chứ không riêng đơn vị sự nghiệp công lập, gồm cả người đứng đầu tổ chức đảng, đang được siết chặt nêu cao trách nhiệm, nhiệm vụ. Tuy nhiên, thực tiễn cho thấy, quyền hạn giao cho người đứng đầu lại đang bị ràng buộc bởi rất nhiều yếu tố và trong nhiều trường hợp không dễ giải quyết được. Ngược lại là trường hợp “cha chung không ai khóc”, như nhiều dự án thua lỗ hàng ngàn tỷ đồng nhưng không quy trách nhiệm được cho cán bộ quản lý cấp trên, hoặc như các chương trình đổi mới giáo dục không hiệu quả khiến hàng ngàn tỷ đồng “đổ sông đổ biển” nhưng không ai chịu trách nhiệm... Vì thế, việc xác định rõ ràng trách nhiệm, quyền hạn của người đứng đầu đặc biệt quan trọng, mà phải là trách nhiệm, quyền hạn thực, thể hiện bằng pháp luật, chứ không phải chỉ trên lý thuyết và bằng các ràng buộc của nội bộ, tổ chức...

Trong số các đơn vị sự nghiệp công lập, năm 2016, cả nước có 2.057 đơn vị tự chủ tài chính, 12.968 đơn vị tự bảo đảm một phần chi thường xuyên, nhưng có tới 42.146 đơn vị mà ngân sách nhà nước cấp toàn bộ kinh phí hoạt động. Vì thế, sự “tầm gửi” của viên chức, hay không rõ ràng về trách nhiệm, quyền hạn của người đứng đầu thì thiệt hại trước mắt chính là ngân sách nhà nước.

Từ những phân tích đã nêu cho thấy, đổi mới cơ chế quản lý, hoạt động trong các đơn vị sự nghiệp công lập, không chỉ đáp ứng được nguyện vọng của hàng triệu viên chức chân chính trong cả nước, mà tối thiểu còn là chìa khóa giải bài toán lãng phí ngân sách, nguồn lực quốc gia.

Trần Phương

  • Từ khóa

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu