Thứ 6, 19/04/2024 16:41:14 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

ÔN CỐ TRI TÂN 10:40, 06/12/2018 GMT+7

Thầy tu dỏm

Thứ 5, 06/12/2018 | 10:40:00 512 lượt xem
BP - Truyện ngụ ngôn là truyện kể dân gian bằng văn xuôi hay thơ, mượn chuyện kể về loài vật, đồ vật, cây cỏ... làm ẩn dụ, hoặc chính chuyện con người để nói bóng gió, kín đáo chuyện đời, chuyện người, nhằm nêu lên bài học về luân lý, đạo đức làm người. Và mẩu chuyện sau đây là một ví dụ:

Xưa có một con sói rừng vừa hung ác vừa gian giảo. Một hôm nó nghe tin ở làng bên có một thằng bé bị ốm liền nghĩ ra kế độc để ăn thịt thằng bé cho bằng được. Sau đó, nó hóa trang thành một thầy tu: Đầu đội mũ thánh hồng, khoác bộ áo thánh trắng, đi đôi giày thánh vàng, đeo một chuỗi tràng hạt vào cổ, kẹp một quyển kinh ở nách trái, tay phải chống một cây gậy. Và cứ thế nó đến làng bên. Vừa vào làng, sói ta lớn tiếng hát các bài kinh, mọi người ùa cả ra vây lấy “thầy tu”. Cha mẹ đứa trẻ bị ốm rất đỗi vui mừng, hai người lập tức mời “thầy tu” về nhà rồi mổ gà, mổ dê thịnh tình đãi khách, cầu xin “thầy tu” cứu chữa con họ.

​​​​​​​Minh họa: S.H

Rượu thịt no nê xong, sói vờ vịt vừa đi vừa lần tràng hạt, giở quyển kinh ra đọc. Đọc được một lúc, sói đến gần bên thằng bé bị ốm nhìn từ đầu đến chân rồi nói: Bệnh cháu nặng lắm! Ngoài ta - một thầy tu giỏi nhất vùng này ra thì chẳng còn một ai có thể chữa nổi đâu! Chân chủ phù hộ các con gặp được ta (Chân chủ là vị thầy duy nhất đạo Islam thờ phụng). Giờ các con hãy mau đi giết 2 con bò làm đồ tế lễ để ta cầu khấn Chân chủ về giải nạn cho cháu!

Khi 2 con bò làm thịt xong được bày lên bàn thì trời đã tối. Sói nói với cha mẹ đứa bé bị ốm rằng: Các con cứ yên tâm về phòng ngủ đi, đêm nay ta sẽ trông cháu cho. Sáng sớm hôm sau, vừa thức dậy là cha mẹ đứa bé bị ốm liền chạy sang phòng con. Vừa đẩy cửa vào, họ sững người lại: “Ông thầy tu” đã biến mất, 2 con bò cũng biến mất. Trên giường thằng bé chỉ còn vệt máu và vài khúc xương.

Cha mẹ đứa bé biết mình bị lừa, khóc lóc thảm thiết. Tiếng khóc làm động lòng hàng xóm. Mọi người đến an ủi họ và cùng nghĩ cách trả thù cho đứa bé. Họ quyết định vời thỏ đến giúp sức. Ngay sau đó, thỏ được mời đến. Nghe xong lời cha mẹ đứa bé bị ốm kể lại đầu đuôi câu chuyện, thỏ nói: Đúng là các bác bị lừa rồi, nó chẳng phải thầy tu gì sất, mà nó là một con sói rừng hung ác. Nhưng không sao, các bác cứ đợi, tôi sẽ lôi cổ nó về đây cho.

Nói xong, thỏ cũng hóa trang thành thầy tu: Đầu đội mũ thánh hồng, khoác bộ áo thánh trắng, chân đi đôi giày thánh vàng, cổ đeo một chuỗi tràng hạt, nách trái cũng kẹp một quyển kinh thánh, tay chống một chiếc gậy rồi cưỡi một con gà trống lớn ra đi. Đến cổng nhà sói rừng, thỏ nói gà trốn trong bụi cây, còn mình lớn tiếng đọc kinh.

Sói nghe tiếng đọc kinh chạy ra xem và vội mời “thầy tu” vào nhà.

Một lát sau, mâm cơm thịnh soạn được bày ra. Sói rừng nịnh bợ: Được thầy hạ cố vào chơi thật là diễm phúc, tôi chẳng chuẩn bị gì mong thầy thông cảm. Thỏ gắp thức ăn vào mồm nhai một lúc rồi lắc đầu nói: Hơi nhạt thì phải. Để tôi đi lấy thêm muối. Thỏ vừa nói xong thì sói trả lời chân thành rồi đi vào bếp.

Ngay lúc đó, thỏ đi theo vào bếp. Khi sói thò đầu vào bao tải để lấy muối, thỏ nhảy vọt tới đẩy mạnh sói vào bao tải rồi túm nhanh miệng bao tải lại và kêu lớn: Gà trống đâu, nhanh lại đây, lại đây giúp ta! Gà trống nghe tiếng gọi chạy vào lấy dây thừng buộc chặt miệng bao tải lại.

“Thả ta ra, nếu không ta sẽ ăn thịt các ngươi!” - Sói ở trong bao tải vừa ra sức đạp vừa dọa. Thế nhưng, thỏ và gà trống vẫn coi như không nghe thấy, rồi sau đó vác sói chạy một mạch về làng và thông báo cho mọi người biết. Sau đó, tất cả người dân trong làng đều đến, người thì đấm, người thì đạp, người thì quật, người thì phang, ai ai cũng phải đánh sói rừng một cái. Chẳng mấy chốc sói đã đi đời nhà ma!

Lời bàn:

Ngụ ngôn là một kiểu truyện phúng dụ bằng thơ hoặc văn xuôi rất ngắn, nhưng lại mang nội dung giáo dục đạo đức rất cao và sâu sắc. Bài học về đạo đức trong mỗi tác phẩm ngụ ngôn toát ra từ việc chế giễu các tính cách và đặc điểm tiêu cực nào đó của con người, mà cụ thể là những thói hư, tật xấu, nhược điểm được thể hiện trong các hình tượng loài vật như chim, cá, thú, gia súc... Và câu chuyện ngụ ngôn trong bài nhắc nhở chúng ta một điều vô cùng đơn giản nhưng đừng bao giờ quên, đó là: Không thể đánh giá một con người tốt hay xấu bằng hình thức bên ngoài.

Thực tế cuộc đời của con người từ xa xưa đến ngày nay cũng vậy, trong cuộc sống đừng a dua, đừng nghe người ta xui dại, làm bậy mà thiệt hại đến mình. Con người không thể sống và tồn tại riêng biệt một mình trên thế gian này mà có được hạnh phúc. Mỗi người, mỗi bộ phận, mọi tổ chức đều gắn bó trực tiếp hoặc gián tiếp với nhau như các bộ phận trong cơ thể. Cũng đừng cho mình là quan trọng nhất, là “cái rốn của vũ trụ” mà coi thường người khác, hoặc suy bì, tị nạnh bon chen trong cuộc sống. Cùng sống, cùng hòa hợp và tồn tại để mưu cầu hạnh phúc là bài học sâu sắc nhất được rút ra từ truyện ngụ ngôn này.

ND

  • Từ khóa
110124

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu