Thứ 6, 29/03/2024 15:33:33 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

Xã hội 08:40, 04/03/2015 GMT+7

Thầy thuốc ưu tú Tô Đức Sinh: “Tôi đã đi gần hết cuộc đời với y tế dự phòng”

Thứ 4, 04/03/2015 | 08:40:00 486 lượt xem
BP - Đầu tháng 4-2015, bác sĩ Tô Đức Sinh, Giám đốc Trung tâm y tế dự phòng tỉnh sẽ nghỉ hưu theo chế độ. Gần 40 năm gắn bó với công tác dự phòng, phải xa gia đình để hoàn thành nhiệm vụ nhưng hiện tại, trăn trở lớn nhất của ông vẫn là công việc.

Ghi dấu ấn ở hệ dự phòng

Bác sĩ Tô Đức Sinh nhận nhiệm vụ Giám đốc Trung tâm y tế dự phòng tỉnh từ ngày Bình Phước tái lập tỉnh. Cũng ngần ấy thời gian, dưới sự chèo lái của ông mỗi năm trung tâm triển khai các chương trình mục tiêu y tế quốc gia đều đạt chỉ tiêu Bộ Y tế đề ra. Hằng năm, khi chấm theo bảng điểm của Bộ Y tế, trung tâm đều đạt loại giỏi và tốt. Năm 2010, trung tâm là một trong những đơn vị y tế đầu tiên trong tỉnh vinh dự được Chủ tịch nước tặng Huân chương Lao động hạng Ba. Trung tâm nhận được nhiều bằng khen của Bộ Y tế, UBND tỉnh và nhiều năm liền đạt danh hiệu tập thể lao động tiên tiến.

Đạt được những thành tích này, theo bác sĩ Sinh đó là sự nỗ lực của cả hệ thống dự phòng trong toàn tỉnh. Năm 2009, khi công bố dịch sốt xuất huyết toàn tỉnh, quá trình dập dịch ở Phước Long có những bác sĩ phải trực tiếp đeo bình xịt thuốc vì không tìm được người làm, kể cả thuê. Nhờ xây dựng được mạng lưới phòng chống dịch từ tỉnh đến cơ sở nên công tác dự phòng trên địa bàn tỉnh thời gian qua có nhiều bước tiến vượt bậc, triển khai có hiệu quả các chương trình mục tiêu y tế quốc gia. Sau nhiều năm thực hiện tiêm chủng, các bệnh truyền nhiễm có vắc-xin giảm nhanh, có bệnh được thanh toán, khống chế tiến dần đến loại trừ. Bên cạnh đó, công tác truyền thông được quan tâm nên nhiều người dân đã tự chăm sóc sức khỏe bản thân, biết cách phòng chống các bệnh mới. Bác sĩ Quách Ái Đức, Phó giám đốc Sở Y tế cho biết: “Bác sĩ Sinh là một trong những người đầu tiên xây dựng hệ thống dự phòng của tỉnh. Ở hệ dự phòng, anh là người có năng lực, kinh nghiệm trong công tác phòng chống dịch, đặc biệt các bệnh nguy hiểm. Bác sĩ Sinh có lối sống hòa đồng, cởi mở nên được nhiều người mến. Với vai trò là Ủy viên Ban chấp hành Đảng ủy Sở Y tế, anh Sinh còn là người có tiếng nói ảnh hưởng đến nhiều quyết sách, chiến lược phát triển của ngành”.

Gần gũi với truyền thông

Vào dịp kỷ niệm Ngày thầy thuốc Việt Nam (27-2), Bộ Y tế tổ chức các hoạt động như triển lãm thành tựu 60 năm ngành y tế; lễ dâng hương tưởng nhớ và báo công với Chủ tịch Hồ Chí Minh; khai trương phòng truyền thống của ngành và chương trình giao lưu “Thầy thuốc Việt Nam - 60 năm làm theo lời Bác dạy”... Tham gia chuỗi hoạt động này, đoàn Bình Phước gồm 8 người, trong đó bác sĩ Tô Đức Sinh vinh dự được ra Hà Nội báo công với Chủ tịch Hồ Chí Minh và gặp Chủ tịch nước Trương Tấn Sang.

Là người đứng đầu một đơn vị y tế của tỉnh nhưng bác sĩ Tô Đức Sinh lại rất thân thiện với báo chí. Tuy vậy, ông nói cũng có vài lần bị báo chí “chơi”! Như việc đưa thông tin không khách quan về vụ việc xuất hiện nhiều ổ dịch tại huyện Đồng Phú hay mới đây là một số trường hợp có phản ứng sau tiêm chủng tại Lộc Ninh. “Khi có thông tin tôi sẽ xác minh, sau đó báo cáo cấp trên và yêu cầu báo chí đính chính. Theo tôi, nếu không có truyền thông, hệ dự phòng khó lòng mà hoàn thành nhiệm vụ”. Vì truyền thông và hệ dự phòng có mối quan hệ mật thiết với nhau, nên theo bác sĩ Sinh, truyền thông của ngành y tế mà tuyên truyền về an toàn giao thông(!?) thì chưa hoàn thành nhiệm vụ của mình. Cách truyền thông cũng phải “dân dã” để mọi người dễ hiểu, dễ nhớ, dễ thực hiện. Bởi vậy, những lần xuất hiện của bác sĩ Sinh trên truyền hình hầu hết được người dân nhớ đến, công tác phòng chống dịch từ đó cũng được nhiều người dân vùng sâu, xa quan tâm thực hiện.

Sẽ chia tay công việc trong thời gian gần, nhưng bác sĩ Tô Đức Sinh vẫn còn trăn trở về công tác của ngành y tế thời gian tới. Theo ông, với đặc thù của tỉnh ta thì ngành y tế nên tăng cường truyền thông trực tiếp thông qua đội ngũ y tế thôn bản. Cách “cầm tay chỉ việc” này sẽ phát huy hiệu quả nếu được thực hiện thường xuyên, liên tục. Bên cạnh đó, ngành y tế cần chủ động phối hợp các ngành khác trong hệ thống chính trị làm tốt công tác chăm sóc sức khỏe ban đầu cho nhân dân.     

Phương Dung

  • Từ khóa
51056

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu