Thứ 6, 29/03/2024 16:50:24 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

Xã hội 08:36, 05/11/2013 GMT+7

Thay gần 100 sim ĐTDĐ để lẩn trốn

Thứ 3, 05/11/2013 | 08:36:00 84 lượt xem

>> Chờ minh oan sau 10 năm lãnh án chung thân

Sáng 4-11, ông Nguyễn Thanh Chấn (52 tuổi) được trả tự do bằng quyết định tạm đình chỉ thi hành bản án chung thân về tội danh “giết người”, chấm dứt 3.686 ngày thụ án.

Từ đơn tố giác của vợ ông Nguyễn Thanh Chấn (Bắc Giang) - người thụ án tù chung thân về tội giết người đã được 10 năm, cơ quan điều tra xác định nghi phạm là Lý Nguyễn Chung, không phải ông Chấn. Do Chung liên tục lẩn trốn, cơ quan điều tra phải kiên trì thuyết phục nghi phạm mới ra đầu thú.


Ông Nguyễn Thanh Chấn (thứ ba từ trái sang) trở về trong vòng tay của những người thân sau 10 năm xa cách


Sáng 4-11, ông Nguyễn Thanh Chấn (thứ ba từ phải sang) được trả tự do để chờ minh oan

Cơ quan điều tra của Viện KSND tối cao đã khởi tố vụ án “giết người, cướp tài sản”, khởi tố bị can và bắt tạm giam Lý Nguyễn Chung, nghi can gây ra vụ án giết người khiến ông Chấn lãnh án. Ngoài ra, cơ quan điều tra cũng bắt khẩn cấp Lý Văn Chúc (63 tuổi, bố của Lý Nguyễn Chung) về hành vi “đe dọa giết người”. Cơ quan điều tra xác định trước khi Lý Nguyễn Chung bị bắt, ông Chúc có đe dọa giết một số người thân nếu như thông tin hoặc khai báo với cơ quan điều tra về việc Chung gây án và bỏ trốn.

Không nhận tội nhưng bị ép cung!

Theo bản kháng nghị của Viện KSND tối cao, tại bản án hình sự sơ thẩm ngày 26-3-2004 của TAND tỉnh Bắc Giang, ông Nguyễn Thanh Chấn bị tuyên phạt tù chung thân về tội “giết người”; tại bản án hình sự phúc thẩm ngày 27-7-2004 của tòa phúc thẩm, TAND tối cao tại Hà Nội đã tuyên y án sơ thẩm. Trong hai bản án này, ông Chấn bị buộc tội đã sát hại chị Nguyễn Thị H., cùng trú tại thôn Me, xã Nghĩa Trung, huyện Việt Yên vào tối 15-8-2003.

Theo bản kháng nghị này thì hai phiên tòa quy kết ông Nguyễn Thanh Chấn có hành vi giết người là chưa đủ cơ sở. Tại các biên bản ghi lời khai ban đầu và các phiên tòa sơ thẩm, phúc thẩm, ông Chấn đều không nhận tội, kêu oan và khai rằng những lời khai nhận trước đây là do bị ép cung, được điều tra viên hướng dẫn khai báo sự việc, hướng dẫn vẽ sơ đồ hiện trường, được luyện tập nhiều lần để thực nghiệm điều tra. Đối với các tài sản của nạn nhân Nguyễn Thị H. được người thân trong gia đình nạn nhân và nhân chứng cung cấp thông tin, quá trình điều tra không làm rõ là có dấu hiệu bỏ lọt tội phạm. Do đó, Viện KSND tối cao thấy rằng các cấp kết án ông Nguyễn Thanh Chấn về tội giết người là chưa đủ căn cứ.

Bản kháng nghị cũng nêu rõ vụ án xuất hiện những tình tiết mới. Cụ thể ngày 9-7-2013, Cục điều tra của Viện KSND tối cao tiếp nhận đơn của bà Nguyễn Thị Chiến (vợ ông Chấn) tố giác các cơ quan tiến hành tố tụng tỉnh Bắc Giang đã điều tra, truy tố, xét xử oan sai đối với ông Chấn. Bà Chiến cho rằng người gây ra vụ án giết chị Nguyễn Thị H. là Lý Nguyễn Chung (25 tuổi, cùng trú tại thôn Me). Quá trình điều tra, Cục điều tra đã lấy lời khai của bà Nguyễn Thị Lành (mẹ kế của Lý Nguyễn Chung), Lý Văn Chúc, hai người này đều khai nhận Chung là người giết chị Nguyễn Thị H.. Ngoài ra, một số hàng xóm của gia đình ông Chúc đều khai có nghe ông Chúc nói về sự việc này.

Một người thân của Chung cũng khai nhận khoảng cuối năm 2003 Chung có về Lạng Sơn và nói chuyện với hai anh em Lý Văn Phúc, Lý Văn Nho về việc Chung gây án ở Bắc Giang. Sau đó Chung được anh trai là Lý Văn Phúc bố trí cho đi vào làm ăn ở miền Nam. Ngoài ra, Cục điều tra cũng lấy lời khai của chị Hoàng Thị Xướng (vợ Lý Văn Phúc) về việc tháng 8-2003, Lý Văn Phúc đưa cho người này hai chiếc nhẫn bằng kim loại màu vàng. Khi biết hai chiếc nhẫn này của nạn nhân bị giết ở Bắc Giang thì chị Xướng không nhận. Cho đến khi Lý Nguyễn Chung ra đầu thú đã khai nhận hành vi phạm tội của mình. Do đó, Viện KSND tối cao kháng nghị bản án nhằm minh oan cho ông Nguyễn Thanh Chấn.

Giết người để lấy 59.000 đồng và hai chiếc nhẫn

Ông Vũ Đăng Khoa, cục trưởng Cục điều tra, cho biết sau khi nhận được đơn tố giác của bà Chiến, cơ quan điều tra đã cử bốn tổ công tác đến Bắc Giang, Lạng Sơn, Đắk Lắk, Gia Lai. Quá trình xác minh có đủ cơ sở cho thấy Lý Nguyễn Chung là nghi phạm giết chị Nguyễn Thị H. vào đêm 15-8-2003 chứ không phải ông Nguyễn Thanh Chấn. Ngay sau đó, Cục điều tra cử một tổ công tác vào Đắk Lắk truy bắt Chung nhưng đến nơi thì phát hiện Chung đã bỏ trốn khỏi địa phương. Cũng tại đây, tổ công tác nắm được thông tin trước đó một tháng, Công an Bắc Giang đã tổ chức xác minh và vào nơi ở của Chung để tìm kiếm nhưng Chung thấy động đã bỏ trốn.

Xác minh nhiều nguồn, sử dụng các biện pháp nghiệp vụ, cơ quan điều tra phát hiện Chung đã thay đổi đến gần 100 sim điện thoại để liên lạc với người thân nhằm nắm tình hình vụ việc. Quá trình trốn chạy, Chung đã đi vào miền Nam, đi các tỉnh khác tại Tây nguyên, ra Lạng Sơn, thậm chí sang tận Trung Quốc.

Có những lúc cơ quan điều tra tưởng như đã bắt được Chung, nhưng khi tìm đến thì phát hiện sim điện thoại Chung sử dụng trước đó đã bỏ đi và người khác sử dụng. Do đó, các điều tra viên phải kiên trì vận động, thuyết phục người thân trong gia đình vận động Chung đầu thú để được hưởng lượng khoan hồng của pháp luật, nhất là khi Chung phạm tội mới có 14 năm 8 tháng tuổi, sẽ được hưởng hình phạt thấp cho người vị thành niên. Do đó đến ngày 25-10, Chung ra đầu thú tại Công an huyện Krông Năng, tỉnh Đắk Lắk. Sau khi nhận bàn giao, Cục điều tra đã di lý Lý Nguyễn Chung ra Hà Nội để điều tra làm rõ hành vi phạm tội của mình.

Tại cơ quan điều tra, Lý Nguyễn Chung khai nhận đã giết chị H. để lấy tiền và hai chiếc nhẫn vào tối 15-8-2003. Sau khi giết chị H., Chung về nhà thay quần áo dính máu ra ngâm ở chậu. Đến khoảng 4g sáng hôm sau, bà Nguyễn Thị Lành giặt quần áo thấy trong nước ngâm bộ quần áo của Chung có màu hồng nên gọi Chung dậy hỏi: “Có phải hôm qua mày làm chuyện đó không?”, Chung đã thừa nhận. Bà Lành và ông Chúc đã bảo Chung về quê ở Lạng Sơn. Chung về Lạng Sơn kể lại sự việc và đưa hai chiếc nhẫn cho Lý Văn Phúc. Số tiền lấy được của chị H. đếm được 59.000 đồng Chung sử dụng hết, sau đó trốn vào Đắk Lắk làm ăn.

“Tôi như được sinh ra lần thứ hai”

Mười năm xa cách, hôm qua ông Nguyễn Thanh Chấn trở về với gia đình trong vòng tay đón chào của người thân, làng xóm. Ông nói mười năm trong tù, ông mong mỏi có một ngày được minh oan cho mình.

Sớm ngày 4-11, những người thân trong gia đình ông Nguyễn Thanh Chấn bắt đầu một ngày mới với những công việc khác ngày thường. Cụ Phạm Thị Vì, mẹ đẻ ông Nguyễn Thanh Chấn, lặng lẽ thay cho mình một bộ đồ tươm tất. Bà Nguyễn Thị Chiến gắng gượng tự chải lại mái đầu sau cả năm ròng nằm trên giường bệnh. Người con gái thứ ba của ông, chị Nguyễn Thị Thu, khăn gói mang cho cha một bộ đồ mới.

6g. Xe của trại giam Vĩnh Quang tới đưa gia đình đi đón ông Chấn về. Anh Nguyễn Hữu Quyết, con trưởng, cho biết suốt đêm cả nhà gần như thức trắng. “2g sáng tôi đi mổ lợn thuê về đã thấy bà, mẹ và các em thức đợi. Mọi người thúc hôm nay đi đón bố thì mặc cho tươm tất vào. Tôi đi mà trong đầu cứ lởn vởn suy nghĩ, không biết bố mình có được về luôn không” - anh Quyết kể.

8g30, sau gần ba tiếng ngồi xe, vừa xuống sân trại, bà Nguyễn Thị Chiến lịm dần. Con, cháu dìu bà vào phòng đợi, còn những người thân trong họ liên tục khích lệ: “Cố lên Chiến ơi, sắp được gặp Chấn rồi”. Ngồi lặng lẽ bên mẹ, thi thoảng chị Nguyễn Thị Thu lại bật khóc như một đứa trẻ: “Bố Chấn ơi, lúc bố bị bắt, con mới là một đứa trẻ tung tăng đến trường. Ở đâu, gặp ai chúng con cũng thấy những ánh mắt trách móc và những câu nói xuyên thấu tim gan: bố mày mang tội hiếp dâm, giết người thì học làm gì. Ra tòa bố nói không phạm tội nhưng tòa đâu có tin. Mẹ con cơm nắm, áo đùm đi kêu oan cho bố nhưng bố vẫn không về”.

Đúng 9g, hội trường trại giam Vĩnh Quang như vỡ òa khi ông Nguyễn Thanh Chấn được đưa vào phòng. Sau các thủ tục, sau những giây phút cởi bỏ áo trại, những người thân ào tới ôm ghì lấy ông. Quỳ sụp dưới chân mẹ già, ông Chấn thổn thức: “Sinh ra con không biết mặt cha, còn mẹ già nhưng con không ở bên phụng dưỡng. Giờ con muốn báo hiếu có kịp không mẹ ơi”. Giữa vòng vây những người thân, ông Chấn nháo nhác tìm bóng dáng vợ mình. Khi người thân dìu bà Chiến tới, ông Chấn ôm chầm giọng rên xiết: “Em tôi, vì đâu mà nhà mình nên nỗi này. Anh nợ mẹ con em nhiều lắm”.

12g. Gia đình ông Chấn đoàn tụ chung vui bữa cơm đầu tiên sau 10 năm xa cách. Trước chén cơm đầu tiên với gia đình, ông Chấn ngậm ngùi: “Con cảm ơn mẹ. Em cảm ơn các anh chị đã bao năm ngược xuôi vì em”. Nói với vợ và các con, ông Chấn hứa sẽ bù đắp cho những năm tháng xa cách. Trò chuyện với Tuổi Trẻ sau bữa cơm trưa đầu tiên cùng gia đình, ông Chấn nói mười năm ở tù ông khát khao có ngày được minh oan cho gia đình: “Suốt mười năm tôi luôn nghĩ gia đình mình thiệt thòi, khổ cực vì tôi quá rồi. Hôm nay được về, tôi thấy mình chuộc được phần nào lỗi với gia đình. Với tôi, hôm nay mình như được sinh ra lần thứ hai”.

(Theo TTO)

  • Từ khóa
47420

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu