Thứ 3, 23/04/2024 14:41:14 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

Kinh tế 15:33, 10/10/2018 GMT+7

Thay đổi tư duy sản xuất từ một chương trình

Thứ 4, 10/10/2018 | 15:33:00 175 lượt xem

BP - “Nhằm đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp, chuyển đổi cây trồng, vật nuôi có hiệu quả hướng đến xây dựng một nền nông nghiệp hiện đại, bền vững, từ năm 2013 đến nay, ngành nông nghiệp phối hợp Hội Nông dân (HND) tỉnh triển khai nhiều hoạt động phát triển nông nghiệp, nông dân, nông thôn. Từ đó, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của hội viên, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, xây dựng nông thôn mới và thực hiện các mục tiêu giảm nghèo bền vững trên địa bàn tỉnh” - bà Lê Thị Ánh Tuyết, Phó giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho biết.

Đẩy mạnh tư vấn,  định hướng sản xuất

Bà Lê Thị Ánh Tuyết cho biết, thực hiện chương trình phối hợp giữa 2 đơn vị, các hoạt động của ngành nông nghiệp và HND tập trung chủ yếu vào tuyên truyền, hướng dẫn nhằm nâng cao nhận thức cho nông dân về phát triển kinh tế nông nghiệp với hình thức đa dạng, phong phú. Cụ thể, tư vấn kỹ thuật khuyến nông miễn phí qua tổng đài 1800545493 và trực tiếp tại cơ sở; tổ chức hội thi nhà nông đua tài; xây dựng, chuyển giao các mô hình ứng dụng tiến bộ khoa học - kỹ thuật... Hằng năm tổ chức hơn 20 lớp tập huấn kỹ thuật với trên 500 lượt người tham dự. Nội dung tập huấn sát thực, phong phú về kỹ thuật trồng và thâm canh điều bền vững; canh tác hồ tiêu, cà phê; chăn nuôi an toàn sinh học; trồng rau VietGAP... giúp nông dân cập nhật, ứng dụng vào thực tiễn sản xuất.

Nhà nông xã Long Giang, thị xã Phước Long chia sẻ kinh nghiệm trồng cây ăn trái cho năng suất cao

5 năm qua, 2 đơn vị còn tuyển sinh, mở hàng trăm lớp đào tạo nghề về kỹ thuật nuôi, trồng các loại cây - con chủ lực, góp phần nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, tạo việc làm, tăng thu nhập, giảm nghèo và xây dựng nông thôn mới.

Ngành nông nghiệp phối hợp HND các huyện, thị xã tổ chức hội thảo chuyên đề, diễn đàn tư vấn nông dân về ứng dụng tiến bộ kỹ thuật trong sản xuất để nâng cao hiệu quả kinh tế, định hướng sản xuất bền vững, đáp ứng yêu cầu của thị trường. Tham gia cùng HND cấp xã thực hiện thành công khoảng 50 mô hình ứng dụng giải pháp kỹ thuật mới trong trồng trọt, chăn nuôi và nuôi trồng thủy sản cho hội viên tham quan, học tập kinh nghiệm. Vận động nông dân tham gia các tổ, nhóm sản xuất, câu lạc bộ, chuỗi liên kết sản xuất và đã hình thành 60 câu lạc bộ hồ tiêu bền vững với trên 1.000 nông hộ tham gia... Qua đó, hội viên được định hướng sản xuất nông sản bền vững theo tiêu chuẩn quốc tế, giúp tăng thu nhập, ổn định sản xuất nên ngày càng thu hút nhiều nông dân tham gia.

Chương trình phối hợp còn thể hiện rõ nét qua hoạt động ra quân cứu hộ vườn điều niên vụ 2017-2018 (với 20.414,2 ha điều bị sâu, bệnh hại) tại các huyện trồng điều tập trung như Bù Gia Mập, Bù Đăng, Đồng Phú và Phú Riềng. Ngành nông nghiệp và HND các cấp đã tích cực vào cuộc hỗ trợ tập huấn, giới thiệu các giải pháp khắc phục thiệt hại do sâu bệnh gây ra; tuyên truyền nâng cao nhận thức, thay đổi tư duy của nông dân trong áp dụng kỹ thuật vào sản xuất, từng bước khôi phục, khắc phục thiệt hại do thiên tai gây ra; phổ biến tiến bộ khoa học - công nghệ, mô hình sản xuất tốt cho nông dân áp dụng vào thực tế sản xuất. Đồng thời tích cực tham gia và đẩy mạnh thực hiện các chương trình, dự án phát triển kinh tế - xã hội trong lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn; xây dựng và thực hiện các chính sách khuyến khích phát triển doanh nghiệp, hợp tác xã, trang trại trong lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn...

Những tác động tích cực

Sau 5 năm thực hiện, chương trình phối hợp giữa ngành nông nghiệp và HND không chỉ làm thay đổi tư duy sản xuất của nông dân mà còn góp phần hình thành các vùng sản xuất chuyên canh để liên kết, thực hiện đồng bộ từ sản xuất, chế biến đến tiêu thụ, từng bước xây dựng thương hiệu nông sản hàng hóa đặc trưng. Nhiều mô hình sản xuất mới được áp dụng tiến bộ kỹ thuật tiên tiến một cách đồng bộ, hiệu quả, làm gia tăng chất lượng sản phẩm và tạo nền tảng cho sản xuất nông nghiệp theo hướng hữu cơ, tiêu chuẩn VietGAP, GlobalGAP...

Quý 3/2018, HND phối hợp các ngành chức năng tổ chức tập huấn, hội thảo chuyển giao khoa học - kỹ thuật cho gần 7.500 lượt hội viên; triển khai 3 mô hình “Trồng bưởi da xanh đạt tiêu chuẩn VietGAP sử dụng phân vi sinh tự ủ” tại Đồng Xoài, Bình Long và Bù Đăng, cùng 2 mô hình “So sánh hiệu quả bảo vệ giữa hầm biogas và đệm lót sinh học trong chăn nuôi heo” tại Phước Long; trao giấy chứng nhận VietGAP 3 mô hình trồng bưởi da xanh cho 2 hợp tác xã và 1 cá nhân ở Bình Long, Đồng Xoài, Lộc Ninh...

Ông Phạm Quốc Cường, Chủ tịch HND xã Long Giang, thị xã Phước Long cho biết: Phát triển kinh tế của địa phương chủ yếu dựa vào sản xuất nông nghiệp nên công tác phối hợp giữa HND và ngành nông nghiệp trong tập huấn, chuyển giao khoa học - kỹ thuật về chăm sóc, phòng trừ sâu, bệnh trên cây trồng, vật nuôi được quan tâm. 9 tháng năm 2018, ngành nông nghiệp phối hợp HND xã tập huấn cho 493 lượt hội viên nhiều nội dung sát thực nhu cầu của nông dân, như phương pháp tỉa cành tạo tán, phòng trừ sâu, bệnh hại cây điều; ứng dụng khoa học vào sản xuất phân bón hữu cơ vi sinh; xây dựng chuỗi liên kết chăn nuôi khép kín, an toàn... Hiện nay, hội đang duy trì và phát huy hiệu quả 12 mô hình sản xuất nông nghiệp hướng sạch. Điển hình như hơn 1 ha trồng bưởi, quýt đường, ổi Đài Loan của ông Nguyễn Văn Hồng ở thôn An Lương cho thu vài chục triệu đồng mỗi tháng; tổ hợp tác chăn nuôi heo an toàn với 21 hội viên trong xã tham gia, mỗi tháng xuất bán hàng trăm con heo thịt, cho thu hàng trăm triệu đồng; tổ hợp tác nuôi bò vỗ béo với 18 hội viên ở thôn Nhơn Hòa 2 và thôn 7 phát triển đàn bò trên 200 con...

Bà Lê Thị Ánh Tuyết cho biết thêm: Thời gian tới, ngành sẽ cùng HND các cấp tăng cường tư vấn, tập huấn, định hướng sản xuất, chuyển giao khoa học - kỹ thuật; hỗ trợ nông dân phát huy tinh thần sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, mạnh dạn ứng dụng khoa học - kỹ thuật, công nghệ sinh học tiên tiến vào sản xuất... Từng bước hình thành các mô hình kinh tế hộ, kinh tế trang trại tổng hợp, hợp tác xã, tổ hợp tác liên kết trong sản xuất, chế biến, tiêu thụ nông sản theo chuỗi giá trị mang lại hiệu quả kinh tế cao.

L.Phương

  • Từ khóa
43348

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu