Thứ 3, 19/03/2024 09:36:42 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

Giáo dục 15:31, 22/11/2014 GMT+7

Kỳ thi quốc gia: Vì sao thầy băn khoăn, trò lo lắng?

Thứ 7, 22/11/2014 | 15:31:00 160 lượt xem

BP - Ngày 9-9-2014, tại Hà Nội, Bộ Giáo dục - Đào tạo (GD-ĐT) đã tổ chức họp báo và chính thức công bố phương án kỳ thi THPT quốc gia. Theo đó học sinh sẽ thi 4 môn tối thiểu. Trong đó, Toán, Văn, Ngoại ngữ là 3 trong 4 môn bắt buộc và 1 môn tự chọn trong số các môn: Vật lý, Hóa học, Sinh học, Lịch sử, Địa lý. Kết quả của 4 môn thi tối thiểu được sử dụng để xét công nhận tốt nghiệp và cũng được sử dụng để đăng ký xét tuyển vào các trường đại học, cao đẳng (ĐH, CĐ) có các môn thi phù hợp với ngành đào tạo.

Như vậy, một kỳ thi chung quốc gia được toàn xã hội kỳ vọng giảm bớt gánh nặng thi cử cho học sinh, giảm bớt sự lãng phí cho người dân và cả xã hội sẽ được thực hiện. Và chỉ còn chưa đầy 7 tháng là thí sinh cả nước sẽ bước vào một trong những cột mốc quan trọng nhất của đời người. Thế nhưng dường như Bộ GD-ĐT vẫn còn đang rất lúng túng trong việc “tiếp thu” và “điều chỉnh” những quyết sách liên quan đến kỳ thi này. Chính vì vậy mà thời gian gần đây, trong xã hội đã có không ít ý kiến cho rằng một kỳ thi THPT chung quốc gia năm 2015 hình như đang giống câu chuyện “đẽo cày giữa chợ”. Và điều này khiến cho không chỉ dư luận hết sức lo ngại, mà cả thầy giáo và học sinh vô cùng băn khoăn, lo lắng. Nguyên nhân là vì đến thời điểm này, Bộ GD-ĐT vẫn chưa có quy chế cụ thể, rõ ràng cho kỳ thi này. Bằng chứng là trong thời gian vừa qua, Bộ GD-ĐT đã liên tục có văn bản thay đổi hướng dẫn về kỳ thi... Chưa hết, ngay trong các văn bản hướng dẫn cũng có nhiều nội dung không thống nhất và thậm chí còn “đá” nhau về nội dung, làm cả thầy, trò lẫn phụ huynh bất an.

Đến thời điểm này, Bộ GD-ĐT vẫn chưa có quy chế cụ thể, rõ ràng cho kỳ thi quốc gia khiến giáo viên và học sinh băn khoăn, lo lắng.

Trong ảnh: Học sinh trường THPT Đồng Xoài trước giờ vào phòng thi tốt nghiệp - Ảnh: SỸ HÒA

Một giáo viên ở trường THPT Đồng Xoài đã than phiền: Gần đây, các trường THPT phải “vã mồ hôi” chạy theo hướng dẫn thi cử của bộ và của các trường đại học. Cụ thể là từ đầu năm nay, Bộ GD-ĐT yêu cầu các trường đại học xây dựng đề án tuyển sinh riêng để áp dụng vào năm 2017. Ngay sau đó, hàng loạt trường đại học đã bắt tay vào việc xây dựng phương án tuyển sinh riêng theo khuyến cáo của bộ. Sau đó, bộ lại ra văn bản yêu cầu các trường phải hoàn thành và công bố đề án tuyển sinh riêng trong tháng 9-2014. Tiếp đó, ngày 9-9-2014, Bộ GD-ĐT chính thức công bố Quyết định số 3538/QĐ-BGDĐT về việc phê duyệt đề án tổ chức một kỳ thi chung quốc gia. Trong quyết định ghi rõ: Trước ngày 1-1 hàng năm, các học viện, trường đại học, cao đẳng công bố mức độ và cách thức sử dụng kết quả của kỳ thi để tuyển sinh.

Với nội dung này, các trường vẫn ung dung hạ quyết tâm thực hiện đề án tuyển sinh riêng và trong đó nhiều trường không còn sử dụng tuyển sinh theo các khối thi cũ như trước đây. Thế nhưng 10 ngày sau, tức là ngày 19-9, bộ lại ban hành Công văn số 5151/BGDĐT-KTKĐCLGĐ gửi các cơ sở giáo dục đại học và đưa ra quy định mới: Trên cơ sở các môn thi đã được xác định để tuyển sinh vào từng ngành đào tạo, các trường gửi báo cáo (mẫu kèm theo) về Bộ GD-ĐT trước ngày 15-10-2014. Ngoài ra, trong nội dung công văn này bộ cũng yêu cầu các trường xác định tổ hợp kết quả các môn thi tương ứng với khối thi đã thực hiện như những năm qua để xét tuyển. Như vậy, giữa hai công văn ngày 9-9 và 19-9 không chỉ lệch nhau về khung thời gian mà còn “đá” nhau về nội dung sử dụng kết quả kỳ thi chung quốc gia để xét tuyển vào các trường ĐH, CĐ. Sự tréo ngoe này đã khiến cho đề án tuyển sinh riêng của các trường đã xây dựng và công bố trên website để thí sinh tìm hiểu lập tức bị hủy bỏ và phải điều chỉnh lại theo hướng dẫn của Bộ GD-ĐT.

Không chỉ khiến các trường đại học chạy ma ra thon theo hướng dẫn, mà cách ban hành văn bản của Bộ GD-ĐT cũng đang theo kiểu “gọt chân cho vừa giày”. Bằng chứng là ngày 17-10-2014, Bộ GD-ĐT đã công bố Công văn số 5633/BGDĐT-KTKĐCLGD công bố quy định miễn thi môn Ngoại ngữ trong xét tốt nghiệp THPT năm 2015. Tiếp đó, ngày 23-10, bộ lại ra quyết định miễn thi ngoại ngữ cho học sinh trong năm 2015, nhưng ngay sau đó lại phải “sửa sai” bằng quyết định khác cùng với việc nâng chuẩn cho các chứng chỉ ngoại ngữ. Thế nhưng việc miễn thi ngoại ngữ xem ra không hiệu quả, vì hầu hết các trường ĐH, CĐ không công nhận khi xét tuyển vì không thể quy đổi chứng chỉ ngoại ngữ thành điểm để các trường tính điểm xét tuyển.

Ngày 18-10-2014, trên Cổng thông tin điện tử Chính phủ, học sinh Nguyễn Quốc Trị (Bắc Ninh) có câu hỏi như sau: Theo phương án xét tuyển đại học, cao đẳng năm 2015, mỗi học sinh được lựa chọn bao nhiêu trường để xét tuyển? Bộ GD-ĐT trả lời như sau: Việc đăng ký xét tuyển vào đại học, cao đẳng năm 2015 dự kiến mỗi thí sinh sẽ có một phiếu đăng ký xét tuyển, được đăng ký tối đa 6 nguyện vọng, xếp thứ tự ưu tiên từ 1 đến 6. Trong thời hạn 20 ngày kể từ khi công bố kết quả thi và kết quả xét tốt nghiệp THPT, thí sinh sẽ nộp hồ sơ đăng ký xét tuyển cho trường thí sinh đăng ký nguyện vọng có thứ tự ưu tiên cao nhất. Sau khi có kết quả xét tuyển vòng đầu tiên, các trường đại học được Bộ GD-ĐT giao chủ trì tổ chức thi in phiếu chứng nhận kết quả cho các thí sinh chưa trúng tuyển ở vòng xét tuyển đầu tiên. Mỗi thí sinh sẽ có 3 phiếu chứng nhận kết quả thi có đóng dấu đỏ của trường tổ chức thi để xét tuyển nguyện vọng bổ sung.

Từ phân tích trên cho thấy, cho đến nay, Bộ GD-ĐT vẫn chưa có quyết định chính thức về số nguyện vọng tối đa mà thí sinh có thể đăng ký xét tuyển. Tuy nhiên, với 2 phương án mà bộ đưa ra thì chắc chắn thí sinh sẽ không ngại rải hồ sơ đi khắp nơi gây nên một lượng hồ sơ “ảo” vô cùng lớn. Và như vậy, đề án về một kỳ thi chung quốc gia năm 2015 xem ra có nguy cơ cũng giống như chuyện “đẽo cày giữa chợ”.                        

Gia Bảo

  • Từ khóa
84734

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu