Thứ 5, 25/04/2024 21:38:52 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

Giáo dục 15:08, 03/07/2015 GMT+7

Thành tựu đáng tự hào của ngành giáo dục Hớn Quản

Thứ 6, 03/07/2015 | 15:08:00 391 lượt xem
BP - Nhiệm kỳ qua, nhờ sự quan tâm đầu tư toàn diện cho giáo dục, đến nay, huyện Hớn Quản đã có 11 trường đạt chuẩn quốc gia; công tác phổ cập THCS, giáo dục tiểu học đúng độ tuổi và phổ cập mầm non cho trẻ 5 tuổi đạt mức cao. 3 năm liền (2011-2014), Phòng Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT) được UBND tỉnh tặng bằng khen và nhất cụm thi đua trong 5 huyện khó khăn của tỉnh.

NỖ LỰC VƯỢT KHÓ

Ngày đầu thành lập, ngành giáo dục huyện Hớn Quản chưa có trường chuẩn quốc gia, không xã nào đạt phổ cập giáo dục tiểu học đúng độ tuổi, tỷ lệ huy động trẻ mầm non 5 tuổi chỉ đạt 70%. Năm học 2010-2011, toàn huyện thiếu 32 phòng học, 45 giáo viên, trong khi chỉ tiêu huy động trẻ 5 tuổi đến lớp phải đạt 90%...

“Phòng GD-ĐT đã tập trung toàn lực nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện; tổ chức các lớp bồi dưỡng chuyên môn, nghiệp vụ; nâng cao chất lượng giảng dạy, phát động phong trào thi đua, tăng cường vận động xã hội hóa giáo dục, tham mưu UBND huyện đầu tư xây dựng cơ sở vật chất” - thầy Nguyễn Trung, Trưởng phòng GD-ĐT huyện cho biết.

Nhờ có nhiều sáng tạo trong giảng dạy mà chất lượng dạy và học của Trường mầm non Tân Khai luôn dẫn đầu khối mầm non

Đến nay, toàn huyện xây dựng thêm 6 trường, gồm 1 trường mầm non tư thục và 5 trường công lập, nâng tổng số trường trong toàn huyện lên 48. Cả 13 xã có đủ hệ thống trường từ mầm non đến THCS. 13/13 xã đạt chuẩn phổ cập giáo dục mầm non trẻ 5 tuổi và phổ cập giáo dục tiểu học đúng độ tuổi. Ngành giáo dục huyện đã bứt phá với 11 trường đạt chuẩn quốc gia gồm: 5 trường mầm non, 5 trường tiểu học và 1 trường THCS. 100% giáo viên đạt chuẩn về trình độ, trong đó 56% trên chuẩn. Hớn Quản cũng duy trì đạt chuẩn xóa mù chữ, phổ cập giáo dục tiểu học đúng độ tuổi, 4 xã đạt chuẩn mức độ 2. Trong 5 năm, ngân sách huyện đầu tư 60 tỷ đồng cho xây dựng cơ bản và mua thiết bị phục vụ giảng dạy; vận động từ nguồn xã hội hóa được 6 tỷ đồng xây dựng 25 phòng học, ưu tiên cho xã và vùng đặc biệt khó khăn.

ĐỘT PHÁ TRONG DẠY VÀ HỌC

Thanh An là xã xa nhất của huyện nhưng dẫn đầu khối tiểu học với 2 trường đạt chuẩn, 2 trường đạt phổ cập giáo dục tiểu học đúng độ tuổi mức độ 2. Trong đó, Trường tiểu học Trà Thanh có tỷ lệ học sinh học 2 buổi/ngày đạt 100%. Trường tiểu học Thanh An có 8 lớp học 1 buổi/ngày, 11 lớp học 2 buổi/ngày, 5 lớp học 7 buổi/tuần. Nhờ tăng cường dạy 2 buổi/ngày đã nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện. Bên cạnh quản lý chặt chẽ việc học tập, ăn nghỉ, vui chơi của học sinh, trường tập trung xây dựng cơ sở vật chất, trang thiết bị phục vụ học tập, sinh hoạt, tạo cho học sinh tâm lý thoải mái để mỗi ngày đến lớp với các em là niềm vui. Mặc dù có nhiều học sinh đồng bào dân tộc thiểu số nhưng những năm qua, trường không có học sinh bỏ học.

Từ năm học 2010-2011 đến nay, Trường tiểu học Thanh An đã 2 lần đạt danh hiệu tập thể lao động xuất sắc. Năm học 2013-2014, trường đoạt giải nhất toàn đoàn hội thi giáo viên dạy giỏi cấp huyện, nhất toàn đoàn thi giải Toán qua internet tiểu học cấp huyện. Năm học 2014-2015, trường có 11 giáo viên được công nhận chiến sĩ thi đua cấp cơ sở, 5 giáo viên dạy giỏi cấp tỉnh, 1 giáo viên đạt chiến sĩ thi đua cấp toàn quốc, 6 học sinh thi học sinh giỏi cấp tỉnh, 4 sáng kiến kinh nghiệm cấp tỉnh. Tập thể nhà trường đang phấn đấu đạt chuẩn quốc gia mức độ 2 vào năm 2017.

Luôn dẫn đầu trong khối mầm non, Trường mầm non Tân Khai, xã Tân Khai được công nhận đạt chuẩn quốc gia mức độ 1 vào năm học 2012-2013. Năm học 2014-2015, trường có 13 nhóm lớp với 380 trẻ, 11/13 lớp bán trú, tỷ lệ huy động trẻ 5 tuổi ra lớp đạt 98,68%. Trường có 22 giáo viên đạt chuẩn, 15 trên chuẩn; 11 giáo viên dạy giỏi cấp trường, 6 giáo viên dạy giỏi cấp huyện.

Đầu mỗi năm học, trường phát động phong trào “Mỗi thầy cô giáo là tấm gương tự học và sáng tạo” với những hoạt động thiết thực, gắn với học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh. Theo đó, phong trào thi đua dạy và học diễn ra sôi nổi, giáo viên có nhiều sáng kiến giảng dạy hiệu quả (6 sáng kiến đoạt giải cấp huyện). Điển hình như sáng kiến “Biện pháp gây hứng thú cho trẻ 5 tuổi qua hoạt động khám phá môi trường xung quanh” của cô Đoàn Thị Thùy Thương, giáo viên lớp lá. Sáng kiến này đã được áp dụng trong toàn trường, giúp trẻ thích thú khi được trải nghiệm, khám phá thế giới xung quanh, kích thích trí tưởng tượng, óc sáng tạo, mạnh dạn trong hoạt động nhóm... Sáng kiến của cô Hiệu trưởng Lê Thị Trang với đề tài “Hiệu trưởng với công tác xã hội hóa giáo dục” được thay đổi trong từng giai đoạn cụ thể, luôn nhận được sự đồng tình của phụ huynh.

Từ năm 2011 đến nay, Trường mầm non Tân Khai đã vận động xã hội hóa được 372 triệu đồng để làm đường bê tông từ cổng trường vào sân, xây dựng hệ thống thoát nước, nâng cấp khu bếp ăn, mái che phòng học lầu khu vui chơi và trồng cây xanh.

Từ những kết quả đạt được, Phòng GD-ĐT huyện Hớn Quản đã xây dựng nền tảng vững chắc trong sự nghiệp trồng người. Đây là một trong những thành tựu đáng tự hào của huyện sau 5 năm xây dựng và phát triển.

N.Hà - T.Nga

  • Từ khóa
85207

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu