Thứ 6, 29/03/2024 08:35:55 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

Xã hội 16:10, 09/06/2016 GMT+7

Thanh Phú chạy nước rút để cán đích nông thôn mới

Thứ 5, 09/06/2016 | 16:10:00 237 lượt xem
BP - Ngoài quyết tâm giữ vững 15/19 tiêu chí đã đạt được, xã Thanh Phú (Bình Long) còn chạy nước rút để bảo đảm các tiêu chí giao thông, trường học, cơ sở vật chất văn hóa đạt chuẩn nông thôn mới (NTM) trong năm 2016. Đây là những tiêu chí đòi hỏi vốn đầu tư lớn nên muốn cán đích đúng tiến độ phải phát huy tốt nội lực cùng sự vào cuộc mạnh mẽ, quyết liệt của các cấp, ngành.

CẦN QUAN TÂM GIỮ VỮNG TIÊU CHÍ TIỀM NĂNG

Những năm qua, xã Thanh Phú luôn coi trọng phát huy nguồn lực tại chỗ và sự hỗ trợ của các cấp, ngành để hoàn thiện và giữ vững các tiêu chí đã đạt. Trong đó đặc biệt coi trọng tiêu chí hình thức tổ chức sản xuất. Ông Lê Xuân Thăng, Tổ trưởng Tổ trồng rau ở tổ 3, ấp Phú Long, xã Thanh Phú nói: Được thành lập từ năm 1997 với 7 thành viên và canh tác trên diện tích 12.000m2, hiện tổ chủ yếu trồng rau ăn lá trong nhà lưới, có hệ thống tưới tự động. Mỗi hộ thu nhập bình quân khoảng 350 ngàn đồng/ngày sau khi trừ chi phí.

Anh Nguyễn Văn Duyệt, thành viên Tổ trồng rau ở ấp Phú Long điều khiển hệ thống tưới rau bằng remoteAnh Nguyễn Văn Duyệt, thành viên Tổ trồng rau ở ấp Phú Long điều khiển hệ thống tưới rau bằng remote

Theo tính toán của tổ, chi phí đầu tư cho 1 sào rau khoảng 200 triệu đồng, gồm nhà lưới, hệ thống tưới tự động và nhà ủ phân hữu cơ. Hình thức này giúp cây rau ít bị sâu bệnh thâm nhập, phá hoại; cản nắng nóng và mưa to làm giập rau; giảm 2 công lao động tưới rau mỗi ngày. Tuy nhiên, chi phí đầu tư, tái đầu tư cao vì khoảng 2 năm là nhà lưới hư hỏng phải trang bị lại.

“Tổ hợp tác luôn hướng tới sản phẩm an toàn cho người tiêu dùng, rau chúng tôi bán cũng là rau gia đình ăn. Mong cơ quan chức năng đến khảo sát, đánh giá và hướng dẫn tổ làm thủ tục công nhận sản xuất rau an toàn. Có như vậy, các nông hộ mới tự tin mở rộng sản xuất; tìm được đầu ra đúng giá trị của sản phẩm. Để tạo địa chỉ quen thuộc, đảm bảo chất lượng cho người tiêu dùng cũng như công bằng cho người trồng rau chân chính nên có một gian hàng bán rau sạch cố định ở chợ, được ngành chức năng kiểm tra, test nhanh thường xuyên, định kỳ” - ông Nguyễn Văn Duyệt, thành viên Tổ trồng rau ở tổ 3 chia sẻ.

Ngoài các tổ hợp tác trồng trọt, hiện xã Thanh Phú còn thành lập nhiều tổ hợp tác chăn nuôi tại các ấp Phú Thành, Sóc Bế, Phú Long, Thanh Xuân. Ông Trần Huy Đông, thành viên Tổ hợp tác chăn nuôi heo ở ấp Phú Long cho biết: Tổ hiện có 35 thành viên, mỗi hộ nuôi trên 200 con. Mỗi thành viên khi tham gia góp 500 ngàn đồng gây quỹ để hỗ trợ những hộ bị giảm đàn. Định kỳ 2 tháng tổ sinh hoạt một lần để chia sẻ kinh nghiệm chăm sóc và nghe kỹ sư chuyên ngành ở các công ty chăn nuôi hướng dẫn kỹ thuật chăm sóc. Do chăm sóc đúng kỹ thuật và không sử dụng chất cấm trong chăn nuôi nên đàn heo của tổ có nguồn tiêu thụ ổn định.

Ông Nguyễn Văn Lễ, Chủ tịch UBND xã Thanh Phú cho biết: Muốn duy trì và phát huy hiệu quả tiêu chí hình thức tổ chức sản xuất, người dân rất mong ngành chức năng hỗ trợ khoa học - kỹ thuật, chuyển giao công nghệ sản xuất mới để áp dụng vào thực tế sản xuất chứ không nên “lý thuyết suông”. Đồng thời, kết nối doanh nghiệp với nhà nông để có đầu ra cho sản phẩm với giá ổn định.

KHÔNG TẠO GÁNH NẶNG ĐÓNG GÓP CHO NGƯỜI DÂN

Thanh Phú hiện còn 7 tuyến đường liên xã, trục chính của xã có tổng chiều dài 13.276m với mặt nền đường sỏi đỏ; 27 tuyến đường giao thông trong khu dân cư, đường liên ấp, tổng chiều dài 27.203m với mặt nền đường đất; 7.600m đường trong khu dân cư có mặt đường đất, cần đầu tư xây dựng bằng nhựa thâm nhập hoặc bê tông hay cứng hóa trong thời gian tới. Với tiêu chí trường học, hiện Trường tiểu học Thanh Phú B có tổng diện tích 3.764m2 gồm 7 phòng học và 5 phòng hành chính, theo quy định của bộ tiêu chí thì diện tích trường chưa đạt. Với tiêu chí cơ sở vật chất văn hóa, xã hiện có 11/11 ấp có nhà văn hóa nhưng 3 nhà văn hóa ở các ấp 17, Thanh Xuân và Vườn Rau phải mượn cơ sở vật chất của trường học và Nông trường cao su Xa Cam (Công ty TNHH MTV cao su Bình Long). Trong đó, nhà văn hóa ấp Thanh Xuân và Vườn Rau cần xây dựng mới. Các nhà văn hóa còn lại cũng phải chỉnh trang, sửa chữa và trang bị lại. Riêng chợ NTM, xã xin không thực hiện trong giai đoạn 2016-2020 do chưa có nhu cầu mà sẽ bố trí nguồn vốn cho các tiêu chí khác cần thiết hơn.

Theo dự toán, tổng vốn để hoàn thiện các tiêu chí NTM còn lại của xã trong năm 2016 là 49 tỷ 861 triệu đồng. Nhưng từ đầu năm đến nay, Thanh Phú chỉ nhận được 658 triệu đồng, còn nhu cầu xi măng cho năm 2016 là 3.939 tấn đến nay vẫn chưa đưa về. Ông Vũ Hồng Dương, Chủ tịch UBND thị xã Bình Long cho biết: Hiện vốn bố trí cho xã Thanh Phú khoảng 5 tỷ 670 triệu đồng, từ ba nguồn là vốn trái phiếu chính phủ, vốn đầu tư xây dựng cơ bản và vốn hỗ trợ phát triển sản xuất. Thực tế này cho thấy, Thanh Phú sẽ khó hoàn thành mục tiêu đề ra nếu không được cấp vốn kịp thời.

Ông Nguyễn Văn Lễ cho biết thêm: Để hoàn thành các tiêu chí, giải pháp chính vẫn là huy động nhân dân đóng góp. Tuy nhiên, để tránh gánh nặng về kinh tế cho người dân, xã hướng đến giải pháp Nhà nước lo vật tư, giao cho nhân dân trực tiếp thi công, nếu gia đình nào có hoàn cảnh khó khăn không có tiền thì đóng góp ngày công. Xã cũng sẽ ưu tiên xây dựng đường giao thông ở các sóc đồng bào dân tộc thiểu số. Những tuyến đường chính, liên xã đầu tư bằng nhựa thâm nhập, đảm bảo cho việc lưu thông...   

Ngọc Bích - Đông Kiểm

  • Từ khóa
53951

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu