Thứ 6, 29/03/2024 09:38:01 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

Giáo dục 07:39, 18/05/2016 GMT+7

Thanh niên vẫn khó tiếp cận vốn chính sách

Thứ 4, 18/05/2016 | 07:39:00 193 lượt xem
BP - Những năm gần đây, từ vốn vay ưu đãi của Ngân hàng chính sách xã hội, Quỹ quốc gia hỗ trợ việc làm đã giúp không ít thanh niên đầu tư phát triển sản xuất - kinh doanh mang lại hiệu quả kinh tế cao. Tuy nhiên, nhiều thanh niên có tay nghề, ý chí làm giàu lại đang gặp khó trong việc tiếp cận nguồn vốn này.

Khó tiếp cận nguồn vốn

Hiện lực lượng thanh niên nông thôn ở Bình Phước chiếm tỷ lệ khá cao, trên 70% thanh niên toàn tỉnh. Để giúp thanh niên phát triển kinh tế, vươn lên làm giàu, hằng năm, Tỉnh đoàn tranh thủ vốn vay từ nhiều kênh để hỗ trợ thanh niên lập thân, lập nghiệp. Chị Lường Thị Xuyến, Trưởng ban Thanh niên nông thôn, công nhân viên chức và đô thị Tỉnh đoàn, cho biết: Tỉnh đoàn đang quản lý 780 triệu đồng thuộc nguồn Quỹ quốc gia hỗ trợ việc làm từ Trung ương Đoàn. Để số nguồn vốn vay này được sử dụng đúng mục đích và hiệu quả, Ban Thường vụ Tỉnh đoàn đã tổ chức hướng dẫn thanh niên, nhóm thanh niên có nhu cầu làm thủ tục vay vốn. Tuy nhiên, hiện nay thanh niên vẫn khó tiếp cận nguồn vốn vay ưu đãi này.

Anh Triều giới thiệu mô hình xây dựng trang trại nuôi heo và trồng rau sạch nếu được vay vốnAnh Triều giới thiệu mô hình xây dựng trang trại nuôi heo và trồng rau sạch nếu được vay vốn

Qua tìm hiểu, chúng tôi được biết ở Bù Đăng hiện có 28 ngàn đoàn viên thanh niên, trong đó khoảng 60-70% có nhu cầu vay vốn phát triển kinh tế. Thế nhưng, để tiếp cận vốn vay từ các kênh Trung ương Đoàn, họ lại gặp không ít khó khăn về thủ tục và các quy định ràng buộc. Anh Hoàng Văn Triều ở thôn Phước Quang, xã Phước Sơn (Bù Đăng) muốn xây dựng trang trại nuôi heo và trồng rau sạch trên đất của gia đình. Để biến ước mơ thành hiện thực, anh cần số vốn khoảng 300 triệu đồng. Năm 2012, anh làm thủ tục để được vay vốn từ Quỹ quốc gia hỗ trợ việc làm. Sau nhiều lần làm thủ tục nhưng anh Triều vẫn không thể tiếp cận được nguồn vốn. Anh cho biết: Đa số thanh niên đều muốn làm giàu và cần vốn, nhưng lâu nay các nguồn vốn ủy thác từ Ngân hàng chính sách chủ yếu dành cho đối tượng là hộ nghèo, cận nghèo, còn hỗ trợ thanh niên rất hạn chế. Hơn nữa, từ nguồn vốn này nếu vay cũng chỉ được vài chục triệu đồng nên không thể phát triển kinh tế có quy mô lớn.

Do thiếu vốn nên anh Hoàng Văn Triều (bìa phải) ở xã Phước Sơn, huyện Bù Đăng nuôi dê quy mô nhỏ để có thêm thu nhậpDo thiếu vốn nên anh Hoàng Văn Triều (bìa phải) ở xã Phước Sơn, huyện Bù Đăng nuôi dê quy mô nhỏ để có thêm thu nhập

Anh Bùi Xuân Linh ở phường Tân Bình (Đồng Xoài) có nhu cầu vay vốn để mở rộng quy mô Hợp tác xã in ấn, quảng cáo mà anh cùng 6 thanh niên khác đang quản lý. Năm 2015, anh Linh làm thủ tục vay 100 triệu đồng từ nguồn Quỹ quốc gia hỗ trợ việc làm. Do thủ tục rườm rà, thời gian làm hồ sơ, thẩm định quá lâu, áp giá tài sản thế chấp lại quá thấp nên anh Linh không còn tha thiết với nguồn vốn này. Anh cho biết: Để được vay vốn, tôi mất hơn 1 tháng làm thủ tục và phải thế chấp hai giấy chứng nhận quyền sử dụng đất khoảng 400m2 nhưng cũng chỉ được vay 100 triệu đồng. Trong khi các ngân hàng khác cũng từng đó tài sản thế chấp tôi có thể vay được nhiều hơn mà thủ tục lại nhanh, gọn.

Khó đáp ứng điều kiện vay

Theo quy định Quỹ quốc gia hỗ trợ việc làm để được vay vốn, đoàn viên thanh niên phải xây dựng phương án kinh doanh, có giấy phép kinh doanh, giấy chứng nhận trang trại và tài sản đảm bảo thế chấp. Tuy nhiên, hiện nay các mô hình phát triển kinh tế của thanh niên đều có quy mô nhỏ, lẻ. Bên cạnh đó, việc xác định áp giá tài sản của Ngân hàng chính sách xã hội thấp hơn rất nhiều so với các Ngân hàng thương mại khác. Ngoài ra, phần đông thanh niên đều sống chung với cha mẹ nên không có tài sản riêng để thế chấp vay vốn. Vì vậy, nhiều thanh niên dù “khát vốn” nhưng không thể vay vì không thể đáp ứng các tiêu chí trên.

Anh Hồ Bá Toàn, Bí thư Huyện đoàn Bù Đốp cho biết: Năm 2015, Huyện đoàn được phân bổ 100 triệu đồng từ Trung ương Đoàn để giúp thanh niên vay vốn phát triển kinh tế. Tuy nhiên, khi triển khai đa số thanh niên đều không đáp ứng được điều kiện, thủ tục vay vốn nên chúng tôi đành trả lại tiền cho Tỉnh đoàn. Chị Lường Thị Xuyến cho biết thêm: Chúng tôi rất muốn tạo điều kiện tối đa cho thanh niên được tiếp cận nguồn vốn để đồng vốn được xoay vòng hiệu quả. Tuy nhiên, phần lớn thanh niên không thể đáp ứng được các yêu cầu, quy định vay vốn nên không thể giải ngân được. Hiện chúng tôi kiến nghị với các cơ quan quản lý có thẩm quyền điều chỉnh, giảm thủ tục vay, tạo điều kiện thoáng hơn để thanh niên tiếp cận nhanh với đồng vốn. Ngoài ra, cần mở rộng diện cho vay đối với người lao động theo hình thức tín chấp để nguồn vốn đến với thanh niên nhanh và dễ dàng hơn.

Thùy Hương

  • Từ khóa
81685

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu