Thứ 6, 19/04/2024 04:42:50 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

Giáo dục 09:04, 27/03/2019 GMT+7

Thanh niên khởi nghiệp cần cú hích thật sự

Thứ 4, 27/03/2019 | 09:04:00 101 lượt xem
BP - Sáng 26-3, UBND tỉnh tổ chức chương trình gặp gỡ, đối thoại giữa lãnh đạo tỉnh với thanh niên năm 2019, chủ đề “Thanh niên Bình Phước với hoạt động khởi nghiệp, lập nghiệp”. Phó chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Tiến Dũng dự buổi đối thoại. Chương trình có sự tham gia của hơn 300 doanh nhân trẻ, thanh niên tiêu biểu trong phát triển sản xuất, kinh doanh và thanh niên quan tâm đến khởi nghiệp.

Tại chương trình, Phó giám đốc Sở Kế hoạch - Đầu tư Huỳnh Văn Minh đã thông tin đến các đại biểu về tình hình kinh tế, xã hội của tỉnh năm 2018, phương hướng, nhiệm vụ năm 2019 và cơ chế chính sách của Trung ương, tỉnh liên quan đến hoạt động khởi nghiệp, lập nghiệp.

CHỌN SẢN PHẨM KHỞI NGHIỆP

Với chủ đề “Thanh niên Bình Phước với hoạt động khởi nghiệp, lập nghiệp”, các doanh nhân trẻ, thanh niên đã trao đổi với những khách mời khởi nghiệp thành công về khó khăn khi bắt đầu khởi nghiệp, kinh nghiệm để vượt qua khó khăn, thử thách, lựa chọn sản phẩm khởi nghiệp.

Các chuyên gia trong lĩnh vực khởi nghiệp chia sẻ kinh nghiệm với thanh niên về khởi nghiệp, lập nghiệp

Bà Nguyễn Ngọc Hương, Giám đốc Công ty Bột rau má Quảng Thanh đã chia sẻ về nhân duyên khi chọn rau má là sản phẩm khởi nghiệp: “Trong một lần đi lấy nguyên liệu cho công ty chế biến bột rau tôi thấy rau má mọc rất nhiều. Sau đó lại thấy công đoạn làm ra ly nước uống rau má lâu nên tôi nghĩ đến chế biến bột rau má. Chế biến xong tôi cho bạn bè, người thân, đồng nghiệp dùng thử. Sau đó nhiều người biết đến và ủng hộ”. Kinh nghiệm của bà Hương: Khởi nghiệp hãy tin rằng mình làm sẽ thành công vì giải quyết nhu cầu xã hội. Sản phẩm làm ra đáp ứng mong muốn của người tiêu dùng.

Là người có nhiều kinh nghiệm xây dựng và tổ chức các hoạt động hỗ trợ hệ sinh thái khởi nghiệp tại các địa phương, bà Vũ Kim Anh, Phó giám đốc Trung tâm Nghiên cứu kinh doanh và hỗ trợ doanh nghiệp cho rằng, khởi nghiệp trước tiên hãy lắng nghe sở thích của mình, “cái gì mình thích, cái gì xã hội cần để được thị trường chấp nhận”, từ đó hãy khởi nghiệp.

Sản phẩm đưa ra thị trường được chấp nhận, đừng để một thời gian sau phải giải cứu. Tìm thị trường phù hợp với năng lực, đồng tiền của mình. Các bạn ở thị đoàn, huyện đoàn nên có cửa hàng tập trung nông sản từ đoàn viên thanh niên. Phải tạo ra sự khác biệt trong tìm sản phẩm đưa ra thị trường.

Vũ Kim Anh, Phó giám đốc Trung tâm Nghiên cứu kinh doanh và hỗ trợ doanh  nghiệp nói

Trong quá trình khởi nghiệp, ngoài có ý tưởng tốt, sản phẩm chất lượng thì việc giới thiệu và đưa sản phẩm đến người tiêu dùng là khâu then chốt. Ông Ngô Đình Dũng, Giám đốc Công ty tư vấn phát triển thị trường, chuyên gia huấn luyện khởi nghiệp đổi mới sáng tạo của Trung tâm Nghiên cứu kinh doanh và hỗ trợ doanh nghiệp BSA cho biết, câu hỏi đầu tiên thường gặp là anh bán gì, làm gì để thành công. Khi trả lời được câu hỏi này nghĩa là bản thân xác định được giỏi gì và làm gì tốt nhất cộng với đam mê thì đó là cách tìm ra sản phẩm đưa ra thị trường.

CÂU HỎI CỦA NGƯỜI TRẺ MUỐN KHỞI NGHIỆP

Đây là vấn đề được thanh niên quan tâm trong buổi đối thoại. Bà Võ Thị Anh Đào, Giám đốc Quỹ khởi nghiệp Bình Phước cho biết: Quỹ khởi nghiệp không hoạt động vì lợi nhuận mà mục đích hỗ trợ khởi nghiệp. Đối tượng là các cá nhân, tổ chức, doanh nghiệp thành lập không quá 1 năm có ý tưởng kinh doanh. Từ ý tưởng hãy chuyển thành dự án để được tư vấn hỗ trợ các hồ sơ liên quan. Hiện trụ sở của quỹ đặt tại Quỹ Đầu tư phát triển.

Ông Võ Trọng Hoàng, Phó giám đốc Ngân hàng Chính sách xã hội Chi nhánh Bình Phước cũng thông tin thêm về nguồn vốn vay: Ngoài Quỹ khởi nghiệp, nguồn vốn vay chính sách xã hội thì có một nguồn vốn khác dành cho hộ gia đình vay sản xuất, kinh doanh. Thanh niên có thể tiếp cận nguồn vốn này.

Thanh niên khởi nghiệp tại địa phương chủ yếu sử dụng nguồn tài nguyên bản địa. Điều này rất cần “cú hích” chính là sự quan tâm của lãnh đạo các cấp, chính sách dành cho khởi nghiệp của địa phương.

Vũ Kim Anh, Phó giám đốc Trung tâm Nghiên cứu kinh doanh và hỗ trợ doanh nghiệp.

Trả lời câu hỏi của bạn Ngô Thị Như Bình, Thành đoàn Đồng Xoài về việc thanh niên khởi nghiệp còn có nhu cầu hỗ trợ kiến thức quản trị doanh nghiệp, thủ tục pháp lý liên quan đến doanh nghiệp, ông Huỳnh Văn Minh, Phó giám đốc Sở Kế hoạch - Đầu tư cho biết, hằng năm sở khảo sát và mở các lớp về quản trị doanh nghiệp, tiền lương, thuế cho các doanh nghiệp. Bên cạnh đó, sở có cán bộ làm việc tại Trung tâm Phục vụ hành chính công tỉnh, nếu có nhu cầu liên quan đến các lĩnh vực này, cá nhân, tổ chức đến liên hệ sẽ được tư vấn hỗ trợ.

“Thanh niên trong tỉnh đang sản xuất, kinh doanh những mặt hàng nông nghiệp, vì vậy họ quan tâm đến việc ngành chức năng định hướng trồng cây gì, nuôi con gì để thành công” là câu hỏi của bạn Nguyễn Thanh Cẩn, Thị đoàn Bình Long.

Trả lời câu hỏi này, bà Lê Thị Ánh Tuyết, Phó giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã khuyến cáo: Trước tiên cần dựa vào điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng, có thể phát triển cây ăn trái như xoài, mít, sầu riêng, bưởi. Hiện nay, muốn nông sản tiêu thụ tại thị trường trong nước thì cần sản xuất đạt tiêu chuẩn VietGap, để xuất khẩu ra thế giới phải đạt tiêu chuẩn GlobalGap. Sản phẩm nông nghiệp của tỉnh hiện chủ yếu phục vụ xuất khẩu nên phải sản xuất đạt tiêu chuẩn quốc tế. Sở đã và đang hỗ trợ nông dân về việc này. Bên cạnh đó, muốn thành công nên sản xuất theo hướng hợp tác xã để sản phẩm đạt tiêu chuẩn và có đầu ra.

Kỹ thuật và công nghệ áp dụng vào mô hình kinh tế nông nghiệp được bạn Ngô Đức Kim, Phó trưởng Công an xã Phú Sơn (Bù Đăng) quan tâm, bởi Kim đang có mô hình điều trồng xen cà phê. Trả lời vấn đề này, Giám đốc Sở Khoa học - Công nghệ Hà Anh Dũng cho biết: Cú hích thật sự trong phát triển kinh tế, đặc biệt trong phát triển nông nghiệp là khoa học, công nghệ. Sở đã phối hợp một số sở, ngành hỗ trợ các hoạt động sở hữu trí tuệ, nghiên cứu khoa học trong nông nghiệp, ứng dụng khoa học, kỹ thuật vào sản xuất, chăn nuôi, trồng trọt...

Bạn Trương Văn Nga, Huyện đoàn Hớn Quản nêu lên thực tế sản phẩm nông nghiệp đang phụ thuộc vào thương lái, có con đường nào cho nông sản tiếp cận người tiêu dùng không qua thương lái không? Ông Nguyễn Minh Bình, Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông cho biết, thương mại điện tử chính là con đường gắn kết để nông dân không qua thương lái. Và sàn giao dịch điện tử là chợ đầu mối gắn kết nông dân với người tiêu dùng. Tỉnh đã có kế hoạch thực hiện sàn giao dịch điện tử vào năm 2020.

Để phong trào khởi nghiệp trong thanh niên lan rộng và thành công hơn, Phó chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Tiến Dũng yêu cầu các sở, ban, ngành tiếp tục hỗ trợ hoạt động khởi nghiệp của thanh niên. Thanh niên hãy phát huy sức trẻ, sáng tạo, hoài bão lớn để hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ của mình, đóng góp vào sự phát triển chung của tỉnh.                   

Hồng Cúc

  • Từ khóa
84050

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu