Thứ 3, 16/04/2024 14:46:02 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

Xã hội 00:00, 03/08/2011 GMT+7

Tiêu chuẩn, điều kiện bổ nhiệm người quản lý doanh nghiệp Nhà nước

Thứ 4, 03/08/2011 | 00:00:00 228 lượt xem

Chính phủ ban hành Nghị định 66/2011/NĐ-CP quy định việc áp dụng Luật cán bộ, công chức đối với các chức danh lãnh đạo, quản lý công ty TNHH một thành viên do Nhà nước làm chủ sở hữu và người được cử làm đại diện chủ sở hữu phần vốn của Nhà nước tại doanh nghiệp có vốn góp của Nhà nước. Nghị định này có hiệu lực từ ngày 25-9-2011.

Theo đó, đối tượng áp dụng nghị định là các chức danh lãnh đạo, quản lý công ty TNHH một thành viên do Nhà nước làm chủ sở hữu (gọi là người quản lý doanh nghiệp) bao gồm: Chủ tịch Hội đồng thành viên, Chủ tịch công ty; thành viên Hội đồng thành viên; kiểm soát viên; Tổng giám đốc, Phó tổng giám đốc, Giám đốc, Phó giám đốc và Kế toán trưởng; người được cử làm đại diện chủ sở hữu phần vốn của Nhà nước tại doanh nghiệp có vốn góp của Nhà nước (gọi là người đại diện). Nghị định cũng áp dụng đối với các chức danh lãnh đạo, quản lý của Ngân hàng Chính sách Xã hội, Ngân hàng Phát triển Việt Nam và Bảo hiểm tiền gửi Việt Nam.

Điều động, luân chuyển (Điều 5)

1. Việc điều động, luân chuyển người quản lý doanh nghiệp và người đại diện phải căn cứ:
a) Yêu cầu nhiệm vụ của doanh nghiệp;
b) Phẩm chất chính trị, đạo đức, năng lực, trình độ chuyên môn, nghiệp vụ phù hợp với yêu cầu của vị trí chức vụ, chức danh mới;
c) Kế hoạch, quy hoạch sử dụng nguồn nhân lực tại doanh nghiệp.
2. Việc điều động, luân chuyển người quản lý doanh nghiệp và người đại diện do cấp có thẩm quyền bổ nhiệm và cấp có thẩm quyền cử làm đại diện quyết định. Người quản lý doanh nghiệp và người đại diện được điều động, luân chuyển thì đương nhiên thôi giữ chức vụ, chức danh đang đảm nhiệm, trừ trường hợp kiêm nhiệm do cấp có thẩm quyền quyết định; được hưởng chế độ, chính sách phù hợp với vị trí mới theo quy định.

Về tiêu chuẩn, điều kiện bổ nhiệm người quản lý doanh nghiệp Nhà nước, nội dung nghị định nêu rõ: Người được bổ nhiệm phải đạt tiêu chuẩn, điều kiện của chức vụ, chức danh được bổ nhiệm theo quy định của Luật Doanh nghiệp và của cơ quan có thẩm quyền; có đầy đủ hồ sơ cá nhân được cơ quan có thẩm quyền xác minh rõ ràng, có bản kê khai tài sản theo quy định; trong độ tuổi bổ nhiệm; có đủ sức khỏe để hoàn thành nhiệm vụ được giao; không thuộc các trường hợp bị cấm đảm nhiệm chức vụ, chức danh theo quy định của pháp luật. Ngoài các điều kiện nêu trên, việc bổ nhiệm kiểm soát viên còn phải tuân theo quy định tại Điều 122 Luật Doanh nghiệp và các quy định khác của pháp luật.

Về thời hạn, người được bổ nhiệm lần đầu giữ các chức vụ quản lý doanh nghiệp Nhà nước trong thời gian không quá 5 năm; đối với chức danh kiểm soát viên, thời hạn bổ nhiệm không quá 3 năm. Về bổ nhiệm lại, người quản lý doanh nghiệp khi hết thời hạn giữ chức vụ, chức danh phải được cấp có thẩm quyền xem xét bổ nhiệm lại hoặc không bổ nhiệm lại. Thời hạn bổ nhiệm lại được thực hiện như quy định thời hạn bổ nhiệm lần đầu. Trường hợp tính đến thời điểm nghỉ hưu, người quản lý doanh nghiệp còn dưới 5 năm công tác, kiểm soát viên còn dưới 3 năm công tác thì thời hạn bổ nhiệm lại được tính đến thời điểm nghỉ hưu theo quy định. Trường hợp tính đến thời điểm nghỉ hưu, người quản lý doanh nghiệp còn dưới 2 năm công tác, nếu đủ tiêu chuẩn, điều kiện bổ nhiệm lại thì cấp có thẩm quyền xem xét, quyết định kéo dài thời gian giữ chức vụ lãnh đạo cho đến thời điểm nghỉ hưu theo quy định.

N.V

  • Từ khóa
43284

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu