Thứ 6, 19/04/2024 01:55:27 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

Tòa soạn và Bạn đọc 14:27, 21/12/2016 GMT+7

Thanh Lương và nỗi lo cầu tạm

Thứ 4, 21/12/2016 | 14:27:00 327 lượt xem
BP - Con suối Ngôi uốn lượn và chia cắt nhiều ấp trong lòng xã Thanh Lương, thị xã Bình Long. Hàng chục năm trước, để thuận lợi trong việc đi lại, người dân các ấp hai bên suối đã tự làm những cây cầu tạm để đi lại. Hiện những cây cầu này đã xuống cấp, thậm chí trở thành “cái bẫy” gây tai nạn đối với người tham gia lưu thông.

Dừng xe khoảng 5 phút, đứng canh vị trí đậu xe sao cho thật an toàn rồi lấy đà nhấn ga cho xe vượt qua chiếc cầu. Đó là cách anh Nguyễn Văn Thám ở tổ 3, ấp Thanh Hưng làm mỗi khi điều khiển xe 3 bánh qua cầu Ông Tặng, nối 2 ấp Thanh Hưng và Thanh Tuấn. Nỗi lo không an toàn mỗi khi đi qua cầu tạm ở xã Thanh Lương luôn thường trực trong tâm trí anh Thám cũng như nhiều người dân nơi đây.

CẦU TẠM - NHỮNG CÁI BẪY

Cầu Ông Tặng ở tổ 3, ấp Thanh Hưng nối với ấp Thanh Tuấn hiện đang phục vụ nhu cầu đi lại, sản xuất, sinh hoạt của 422 hộ dân của 2 ấp và người dân ở khu vực lân cận. Nhiều năm qua, việc giao thương mua bán nông sản, lương thực, thực phẩm ở đây bị kìm hãm, gián đoạn vì cây cầu dài khoảng 5m, nhưng chỉ rộng hơn 1m, vừa đủ cho một chiếc xe 3 bánh đi qua.

Lan can bảo vệ hai bên bị gãy, người dân qua cầu Ông Tặng với cảm giác bất anLan can bảo vệ hai bên bị gãy, người dân qua cầu Ông Tặng với cảm giác bất an

“Cây cầu này người dân tự góp tiền xây dựng cách đây 14 năm, có bề mặt hẹp, lan can bảo vệ là những thanh sắt mỏng manh. Với kết cấu này, chỉ có xe đạp, xe máy lưu thông được còn xe 3 bánh muốn đi phải nhích từng tý. Người tay lái yếu qua cầu rất dễ bị té. Để đáp ứng nhu cầu đi lại, trao đổi hàng hóa của người dân trong ấp, cần phải nâng cấp cây cầu, đảm bảo cho xe tải từ 1,5-2 tấn lưu thông được” - ông Trần Văn Hoàn, Trưởng ấp Thanh Hưng cho biết.

Quan trọng không kém là cầu Bà Tình ở ấp Thanh Tuấn. Cây cầu này trên tuyến giao thông huyết mạnh của xã, phục vụ nhu cầu đi lại của gần 800 hộ dân ở 3 ấp Thanh Tuấn, Thanh Trung và Thanh Tân. Cầu dài 3m, rộng 1m và không có thành bảo vệ hai bên. Trong khi con đường bê tông mới hoàn thành theo chương trình nông thôn mới chạy đến sát mép cầu rộng hơn 3m. Vì vậy, cây cầu trở thành cái bẫy đối với người dân qua lại nếu không quan sát kỹ.

Chị Nguyễn Thị Thê ở ấp Thanh Hòa, xã Thanh Lương cho biết: “Cây cầu chỉ đủ cho một chiếc xe máy đi qua. Mỗi lần có hai xe đi ngược chiều phải dừng lại đợi chiếc kia qua mới đi được. Nếu xe chở nhiều đồ phải cẩn thận vì cầu không có lan can bảo vệ”.

MONG ĐƯỢC XÂY DỰNG CẦU THEO CƠ CHẾ ĐẶC THÙ

Thanh Lương phát triển kinh tế theo hướng sản xuất hàng hóa, nông sản để cung cấp cho TP. Hồ Chí Minh và các khu vực lân cận. Với 2 tổ hợp tác, 4 câu lạc bộ và 1 hội sinh vật cảnh hoạt động trong lĩnh vực chăn nuôi gà, heo, sinh vật cảnh, những năm qua xã đã tạo được thương hiệu đối với các loại trái cây có múi và gà Thanh Lương... Với hình thức tổ chức sản xuất đa dạng, Thanh Lương đã và đang hỗ trợ tích cực cho việc tái cơ cấu ngành nông nghiệp gắn với xây dựng nông thôn mới.

 

Với bề rộng 1m, cầu Bà Tình chỉ đủ cho 1 chiếc xe máy đi qua, người đi ngược chiều phải đứng chờ​Với bề rộng 1m, cầu Bà Tình chỉ đủ cho 1 chiếc xe máy đi qua, người đi ngược chiều phải đứng chờ

Tuy nhiên, việc thiếu những cây cầu kiên cố đã hạn chế tốc độ phát triển kinh tế ở đây. Ông Nguyễn Văn Thăng, Phó trưởng ấp Thanh Hưng cho biết: “Diện tích nông sản của người dân trong ấp rất lớn. Mỗi mùa thu nông sản, nông dân rất chật vật do xe tải không qua được cầu Ông Tặng nên thương lái không vào thu mua. Nông dân muốn bán phải vận chuyển đường vòng xa hơn khoảng 7km so với đi đường tắt hoặc dùng xe 3 bánh chia làm nhiều chuyến nhỏ, rất tốn kém nên lợi nhuận kinh tế của người dân giảm nhiều”.

 

Không chỉ khó khăn trong giao thương mà sinh hoạt thường nhật của người dân các ấp cũng rất khó khăn, nhất là khi có đám cưới, đám tang. Ông Trần Văn Hoàn nói: “Ấp không có nghĩa trang. Gia đình nào có người qua đời phải đi đường vòng xa hơn 7km. Nếu có cầu thì đoạn đường rút ngắn chỉ còn khoảng 2km. Về mùa mưa những cây cầu tạm bị ngập, lại không có lan can bảo vệ nên người dân qua lại rất nguy hiểm, nhất là học sinh và phụ nữ. Những năm trước, trong ấp đã có người chết vì bị té ở cây cầu này.

Ông Võ Văn Quốc, Chủ tịch UBND xã Thanh Lương cho biết: “Thanh Lương hiện còn 4 cây cầu tạm cần được nâng cấp, sửa chữa mới bảo đảm an toàn cho người và phương tiện khi tham gia lưu thông. Nếu được đầu tư, những cây cầu này sẽ tác động rất lớn trong việc thay đổi bộ mặt kinh tế - xã hội của xã. Để giao thông thông suốt, tạo điều kiện cho các mặt hàng nông sản chủ lực của xã vươn xa, rất mong thị xã xem xét đầu tư, nâng cấp, sửa chữa những cây cầu này theo cơ chế đặc thù của chương trình xây dựng nông thôn mới”.              

Nguyệt Cát

  • Từ khóa
93180

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu