Thứ 6, 26/04/2024 04:21:20 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

Giáo dục 14:23, 14/09/2017 GMT+7

Thành công trong vận động học sinh ra lớp ở vùng khó

Thứ 5, 14/09/2017 | 14:23:00 314 lượt xem
BP - Là ngôi trường ở vùng khó khăn, có đến 72% học sinh dân tộc thiểu số (DTTS) nhờ thực hiện nhiều biện pháp đồng bộ trên cơ sở nắm bắt đặc thù địa bàn nên vài năm trở lại đây, Trường tiểu học An Khương (Hớn Quản) không còn tình trạng học sinh bỏ học.

Trái ngược với hình ảnh ở trung tâm thị xã Đồng Xoài, vào ngày nhận hồ sơ, phụ huynh tập trung trước cổng trường từ sáng sớm, chen lấn nhau để đăng ký cho con em vào học mầm non, lớp 1, thì ở xã vùng sâu An Khương các thầy cô giáo, chính quyền, đoàn thể phải đến tận nhà để vận động học sinh đến lớp.

Việc phải canh chừng, bám sát thời gian lao động của phụ huynh để sắp xếp đi vận động vào thứ bảy, chủ nhật hay vào giờ ăn cơm tối diễn ra thường xuyên với cán bộ, giáo viên Trường tiểu học An Khương. “Hễ 8 giờ sáng có xe đưa rước đậu ở bãi thường ngày thì hôm đó công nhân là cha mẹ học sinh không đi làm, trường lập tức tổ chức đi vận động” - thầy Nguyễn Thanh Hum, Hiệu trưởng nói.

Học sinh Trường tiểu học An Khương trong giờ ra chơi

Cái khó khi đi vận động là các bậc phụ huynh thường đưa ra lý do con mình không thích học nữa nên cho nghỉ. Thầy Hum cho biết, thực chất không phải vậy mà nguyên nhân chính do các bậc phụ huynh mải lo cái ăn hằng ngày nên thiếu quan tâm, uốn nắn các em tập trung học tập. Bên cạnh đó, một số em người DTTS vướng phải rào cản về ngôn ngữ, ham chơi, không muốn đến lớp. Thế nhưng sau nhiều lần thầy cô giáo đến vận động, các bậc phụ huynh đã hiểu ra và khuyên con em đến trường. Đội ngũ cán bộ, giáo viên của trường luôn gần gũi, nắm tâm tư, nguyện vọng để động viên các em đến lớp đều đặn.

Năm học 2017-2018, Trường tiểu học An Khương có 705 học sinh, trong đó 506 em DTTS. Đến nay, học sinh 6 tuổi vào lớp 1 là 146/146 em. Hiện trường còn 2 em khối 3, 4 chậm ra lớp. Trả lời câu hỏi: Liệu 2 em này có vận động đến lớp được không? Thầy Hum tự tin khẳng định: “Được chứ! Cũng như mọi năm, số học sinh chậm ra lớp trường đều vận động được hết”. Thế nhưng hành trình “gieo con chữ” ở xã vùng sâu này không hề đơn giản. “Năn nỉ mỏi mòn” là cụm từ dí dỏm thầy Hum nói về việc vận động các em đến trường. Có những trường hợp Ban giám hiệu, thầy cô giáo, các thành viên ban chỉ đạo và ban điều hành ấp cùng các đoàn thể phải đến nhà thuyết phục 3-4 lần các em mới ra lớp. Chị Thị Liên, phụ huynh em Điểu Tài, học sinh lớp 2 của trường cho biết: “Thấy mấy thầy cô yêu nghề, yêu trẻ, không ngại đường xa đến nhà vận động cho con đi học, mình cũng không đành cho con nghỉ học”.

Phong trào xây dựng “Trường học thân thiện - học sinh tích cực” là giải pháp tối ưu được trường áp dụng. Trường thực hiện một số biện pháp theo mô hình trường học mới như phương pháp dạy học tích cực, làm việc nhóm, “khăn trải bàn”, “bàn tay nặn bột”. Theo đó, các em sẽ trao đổi, thảo luận nhóm và đặt vấn đề, còn giáo viên  hướng dẫn, gợi mở tư duy sáng tạo để các em giải quyết vấn đề. Cùng với đó, trường lớp được chỉnh trang sạch đẹp, cơ sở vật chất cơ bản đảm bảo cho việc dạy và học. đội ngũ giáo viên trẻ, tận tâm với nghề, gần gũi, nắm bắt tâm tư nguyện vọng để cùng chia sẻ với các em.

Các thầy, cô cho rằng, yếu tố rào cản về ngôn ngữ, chậm tiếp thu dẫn đến không hiểu bài, thua kém bạn bè nên nhiều em bỏ học. Vì thế, dịp hè hằng năm trường tổ chức lớp tăng cường tiếng Việt với 144 tiết cho học sinh DTTS lớp 1. Ngoài ra trong năm học, trường dành 3 buổi chiều/tuần để hỗ trợ kỹ năng đọc, viết tiếng Việt, giúp các em DTTS lớp 1 bắt kịp chương trình với học sinh người Kinh. Nhờ đó mà tỷ lệ học sinh lớp 1 chưa hoàn thành chương trình lớp học ngày càng giảm với 5/118 em năm học 2016-2017, trong khi các năm học trước 15 em. Với nhiều cách làm nhằm đẩy mạnh các phong trào khuyến học - khuyến tài, “Tiếp bước cho em đến trường” cùng sự quan tâm của các cấp ủy đảng, chính quyền xã, ban điều hành ấp đã đem lại hiệu quả tích cực trong vận động học sinh đến lớp. 

Nhiều năm qua, Trường tiểu học An Khương không còn tình trạng học sinh bỏ học. Sự nỗ lực bền bỉ của các thầy, cô giáo không những giúp trường đảm bảo sĩ số học sinh mà còn góp phần duy trì kết quả phổ cập giáo dục tiểu học, củng cố và nâng cao chất lượng phổ cập giáo dục THCS của xã An Khương.

Thanh Mai

  • Từ khóa
87143

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu