Thứ 7, 20/04/2024 19:42:41 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

Chính trị 10:30, 18/05/2017 GMT+7

Thanh - kiểm tra doanh nghiệp không quá một lần một năm

Thứ 5, 18/05/2017 | 10:30:00 975 lượt xem

BP - Đó là kết luận của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tại hội nghị trực tuyến Thủ tướng Chính phủ với doanh nghiệp lần thứ 2, tổ chức sáng 17-5, với chủ đề “Đồng hành cùng doanh nghiệp” diễn ra tại Trung tâm hội nghị quốc gia Hà Nội. Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chủ trì hội nghị; 4 Phó thủ tướng: Trương Hòa Bình, Trịnh Đình Dũng, Vương Đình Huệ, Vũ Đức Đam và nhiều bộ trưởng trực tiếp tham gia hội nghị để lắng nghe, phản hồi ý kiến của cộng đồng doanh nghiệp. Tại đầu cầu Bình Phước, Phó bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Trần Tuệ Hiền chủ trì hội nghị. Hội nghị có sự tham gia của 2.000 đại biểu là doanh nghiệp, bộ, ngành, địa phương cùng hơn 10.000 đại biểu tại 63 đầu cầu trực tuyến của cả nước.

25% doanh nghiệp chưa nhận thấy tác động của 5 nhóm nhiệm vụ giải pháp

Sau 1 năm triển khai Nghị quyết số 35-NQ/CP, ngày 16-5-2016 của Chính phủ về hỗ trợ và phát triển doanh nghiệp đến năm 2020, hội nghị Thủ tướng với doanh nghiệp lần thứ 2 đã đánh giá tác động của 5 nhóm nhiệm vụ giải pháp. Trong đó, nhóm giải pháp cải cách hành chính, tạo thuận lợi cho doanh nghiệp đã nỗ lực cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh, tập trung cắt giảm nhiều thủ tục, giấy phép, tạo thuận lợi cho doanh nghiệp. Thủ tục về thuế và hải quan được hiện đại hóa, giảm thủ tục, thời gian và chi phí cho doanh nghiệp. Đăng ký doanh nghiệp qua mạng điện tử đáp ứng yêu cầu dịch vụ công trực tuyến mức độ 4, giúp giảm thời gian, chi phí thành lập doanh nghiệp và xây dựng hệ thống đăng ký kinh doanh minh bạch, hạn chế tiêu cực.

Tại điểm cầu Bình Phước, Phó bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Trần Tuệ Hiền chủ trì hội nghị trực tuyến Thủ tướng với doanh nghiệp lần thứ 2

Các giải pháp cải cách thủ tục hành chính đã được đơn giản hóa; tiếp nhận hồ sơ, trả kết quả, giải quyết thủ tục hành chính qua dịch vụ bưu chính công ích, góp phần tiết kiệm chi phí và phòng chống tiêu cực, tham nhũng. Các địa phương thành lập, công khai đường dây nóng hỏi đáp trực tuyến trên cổng thông tin điện tử của tỉnh, thành phố để tiếp nhận và giải đáp khó khăn của doanh nghiệp. 63/63 tỉnh, thành phố ký cam kết với Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam về tạo môi trường kinh doanh thuận lợi cho doanh nghiệp.

Qua các nhóm giải pháp tạo dựng môi trường thuận lợi hỗ trợ doanh nghiệp khởi nghiệp, doanh nghiệp đổi mới sáng tạo; nhóm giải pháp đảm bảo quyền kinh doanh, quyền bình đẳng tiếp cận nguồn lực và cơ hội kinh doanh của doanh nghiệp; nhóm giải pháp giảm chi phí kinh doanh cho doanh nghiệp; nhóm bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của doanh nghiệp, 75% doanh nghiệp đã đánh giá tác động của 5 nhóm nhiệm vụ giải pháp đưa ra sau hội nghị Thủ tướng với doanh nghiệp một năm trước là tích cực, tuy nhiên vẫn còn 25% số doanh nghiệp đánh giá chưa có chuyển biến.

Cộng đồng doanh nghiệp cho rằng, vẫn tồn tại khoảng cách giữa chính sách và thực thi, dẫn đến doanh nghiệp gặp không ít khó khăn, vướng mắc trong các thủ tục hành chính, đầu tư kinh doanh, gây phiền hà, tốn thời gian và chi phí. Cụ thể: Những quy định về điều kiện kinh doanh, quản lý chuyên ngành còn nhiều mâu thuẫn, chưa thống nhất; sự phối hợp giữa các đơn vị liên quan trên phạm vi địa phương trong giải quyết thủ tục đầu tư, thủ tục đăng ký doanh nghiệp chưa thực hiện hiệu quả, nhất là với các nhà đầu tư nước ngoài và tổ chức kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài; vẫn tồn tại tình trạng nhiều cơ quan cùng quản lý một vấn đề, gây khó khăn và gia tăng gánh nặng chi phí tuân thủ của doanh nghiệp...

1 tháng bị thanh - kiểm tra đến... 3 lần

Trong buổi sáng, đã có 16 lượt ý kiến đến từ nhiều thành phần doanh nghiệp khác nhau phát biểu, trong đó có nhiều ý kiến cụ thể về lĩnh vực mà các doanh nghiệp đang kinh doanh. Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng phát biểu: Những quy định pháp luật, cơ chế chính sách chưa thực sự tạo thuận lợi cho sản xuất - kinh doanh, cũng như việc phát sinh những thủ tục hành chính mới không cần thiết; nhiều quy định còn can thiệp sâu vào hoạt động sản xuất - kinh doanh, vi phạm quyền tự do kinh doanh của doanh nghiệp. Điển hình như sự việc của doanh nghiệp tại Đồng Nai phản ánh 1 tháng bị thanh - kiểm tra đến 3 lần, có doanh nghiệp ở địa phương khác bị thanh tra tới 12 lần trong năm. Một số bộ, ngành Trung ương không gửi kế hoạch thanh - kiểm tra cho địa phương, gây khó khăn khi triển khai thực hiện.

Năm 2016, cả nước có 110.100 doanh nghiệp đăng ký thành lập mới, đạt kỷ lục cao nhất về số lượng từ trước tới nay, với tổng vốn đăng ký 891,1 ngàn tỷ đồng, tăng 16,2% về số doanh nghiệp, tăng 48,1% về số vốn đăng ký so với năm 2015. Trong 4 tháng đầu năm 2017, số doanh nghiệp đăng ký thành lập mới là 39.580, với số vốn đăng ký 369.635 tỷ đồng, tăng 14% số doanh nghiệp và tăng 48,9% số vốn so với cùng kỳ. Tính đến ngày 20-4-2017, cả nước có khoảng 612.000 doanh nghiệp đang hoạt động. Về đầu tư nước ngoài tính đến ngày 31-12-2016, cả nước có 2.613 dự án mới, với tổng vốn đăng ký 15,81 tỷ USD, tăng 23,3% số dự án và bằng 96,8% vốn đăng ký so với cùng kỳ năm 2015. Riêng 4 tháng đầu năm 2017, cả nước có 734 dự án, với tổng vốn đăng ký 4,88 tỷ USD, bằng 96% so với cùng kỳ năm 2016…

Ông Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam cho rằng: Việt Nam đang là một nền kinh tế có chi phí kinh doanh lớn nhất trong khu vực cả về chính thức và không chính thức. Ông Lộc kiến nghị các cơ quan, bộ, ngành giải quyết các vấn đề cho doanh nghiệp trên tinh thần đồng hành, tránh tình trạng giải thích nhưng không giải quyết. Nhiều địa phương vẫn lạm dụng thanh - kiểm tra với nội dung trùng lặp; nhiều điều kiện sản xuất - kinh doanh không phù hợp; tình trạng “trên bảo dưới không nghe” còn phổ biến.

Đại diện cộng đồng doanh nghiệp vừa và nhỏ, ông Nguyễn Văn Thân, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp vừa và nhỏ Việt Nam nêu lên tình trạng doanh nghiệp đang chịu gánh nặng những chi phí chính thức và không chính thức. Tình trạng “của công chia ba, của nhà chia đôi” vẫn còn xuất hiện nhiều trong việc xử lý các thủ tục hành chính. Điều này sẽ bóp méo, làm giảm sút năng lực cạnh tranh doanh nghiệp cũng như quốc gia, khiến niềm tin của giới kinh doanh giảm sút. Ông Thân cho rằng, có nhiều nguyên nhân khiến tình trạng chi phí không chính thức vẫn hoành hành. Về phía công chức, dù có quy định rõ ràng nhưng do khâu thực thi kém, có trường hợp cán bộ “lộng hành”, thờ ơ, chưa coi doanh nghiệp là đối tượng phục vụ, đạo đức công vụ thấp dẫn đến tình trạng nhũng nhiễu. Theo ông Thân, để khắc phục tình trạng này phải có sự chung tay từ hai phía là cơ quan nhà nước và doanh nghiệp. Chỉ như vậy mới tạo nên một môi trường kinh doanh bình đẳng, an toàn và bền vững...

Hội nghị cũng nghe nhiều lượt ý kiến góp ý của lãnh đạo các tỉnh, thành,  bộ, ngành Trung ương.

Phát biểu bế mạc hội nghị, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh: “Hôm nay, người ta nói rất nhiều về thanh tra, kiểm tra chồng chéo. Tôi đã yêu cầu các cơ quan xây dựng ngay một chỉ thị là không được thanh tra, kiểm tra 1 năm quá 1 lần, thanh tra đột xuất khi vi phạm thì không được mở rộng. Chỉ thị này đã được ký ngay lúc 13 giờ chiều nay (17-5), mang số 20 và sẽ được công bố ngay sau đây”. Với các cuộc thanh tra vi phạm, thanh tra đột xuất... nội dung cũng không được phép mở rộng. Thủ tướng khẳng định, Chính phủ kiến tạo không chỉ có tự do kinh doanh sáng tạo mà còn cả an toàn tài sản vốn đầu tư, không chỉ có chi phí thấp mà rủi ro thấp, đảm bảo kiểm tra lành mạnh, công bằng. Thủ tướng cũng công bố hàng loạt giải pháp nhằm hỗ trợ doanh nghiệp, trong đó tập trung vào việc cải cách thể chế, giảm chi phí cho doanh nghiệp...     

N.

  • Từ khóa
17962

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu