Thứ 5, 28/03/2024 21:04:31 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

Văn hóa 15:19, 03/05/2018 GMT+7

Tháng tư, thăm nơi “địa ngục trần gian”

Thứ 5, 03/05/2018 | 15:19:00 224 lượt xem
BP - Buổi chiều đầu tiên trong hành trình tham quan đảo ngọc Phú Quốc của đoàn cán bộ, phóng viên Báo Bình Phước, cũng là chặng để lại dấu ấn mạnh mẽ nhất đối với các thành viên trong đoàn, bởi nơi chúng tôi dừng chân là một địa danh lịch sử đặc biệt: Nhà tù Phú Quốc.

Anh Huỳnh Minh Thái, hướng dẫn viên du lịch của Công ty cổ phần HIT Phú Quốc đã có hơn 7 năm trong nghề và hàng trăm lần dẫn các đoàn khách đến tham quan Nhà tù Phú Quốc. Nhưng khi giới thiệu về những mô hình tái hiện cảnh tù nhân bị tra tấn man rợ, giọng anh vẫn lạc đi. Ngoài sự cảm nhận sâu sắc về cuộc sống ngục tù khủng khiếp của tù nhân ở nơi được mệnh danh là “địa ngục trần gian” này, cảm xúc của anh còn lắng đọng hơn bởi ngay trong gia đình anh cũng đã mất đi những người thân trong cuộc chiến giữ nước. Đó là ông nội chết không toàn thây ngay trên miệng hầm; là bà nội của anh buộc lòng phải hy sinh đứa con gái chưa đầy tuổi để quân địch không nghe thấy tiếng trẻ con khóc và đã cứu sống hàng chục con người đang trốn dưới hầm. Giọng anh run run khi nói rằng chính hôm nay, lúc 15 giờ 30 phút ngày 24-4 là ngày giỗ ông nội và cô út của anh, khiến ai nấy càng thêm xúc động. 

Tháng tư biển lặng, nhưng đi kèm với đó là không khí oi nồng ngột ngạt. Bầu trời Phú Quốc trong xanh không một gợn mây. Xuống xe lúc hơn 3 giờ chiều, ai nấy đã mồ hôi nhễ nhại. Khu di tích Nhà tù Phú Quốc trơ trọi không một bóng cây nên càng ngột ngạt hơn. Theo lời giới thiệu, Nhà tù Phú Quốc có tất cả 14 khu. Riêng khu 13, 14 được xây dựng vào cuối năm 1972. Mỗi khu trại giam có thể chứa khoảng 3.000 tù nhân. Năm 1972, nơi đây có khoảng 36.000 tù nhân.

Đoàn cán bộ, phóng viên Báo Bình Phước nghe hướng dẫn viên giới thiệu về “chuồng cọp” ở Nhà tù Phú Quốc - Ảnh: Sỹ Hòa

Hướng dẫn viên đưa chúng tôi tới phân khu B2, nơi lưu giữ những mô hình tra tấn tù nhân không khác gì thời trung cổ. Nhìn từ xa, những căn nhà lợp mái tôn lúp xúp ở phân khu B2 giống như một cơ sở sản xuất nhỏ lẻ nào đó ở thị trấn Dương Đông của huyện đảo Phú Quốc. Nhưng khi bước chân vào từng lán, nhìn những mô hình mô phỏng cuộc sống của tù nhân và nghe hướng dẫn viên thuyết minh về từng mô hình thì ai nấy mồ hôi đầm đìa trên mặt, trên lưng. Những kiểu tra tấn bằng đủ nhục hình như đóng đinh vào đầu, khớp tay, đầu gối; đốt dây kẽm cháy đỏ rồi đâm vào da thịt; đục răng; gõ thùng; trùm bao bố bỏ vào chảo nước rồi đun sôi; phơi chuồng cọp; thiêu sống; chôn sống... khiến nhiều người không thể tin đó là những trò con người đối xử với con người ở nơi đây. Nhìn gương mặt thất thần của các thành viên trong đoàn, anh Huỳnh Minh Thái cho biết, có lần đang thuyết minh cho một đoàn khách đến từ Hà Nội, một cậu bé hét lên và ngất xỉu. Lúc tỉnh dậy, em nói ông nội mình đã chết tại nhà tù này bởi nhục hình vít hai tấm ván trước ngực và sau lưng rồi xiết các con ốc dần dần cho đến khi nạn nhân vỡ lồng ngực mà chết!

Nhưng điều khiến các thành viên trong đoàn cán bộ, phóng viên Báo Bình Phước phải thổn thức là khi hướng dẫn viên giới thiệu về những cuộc vượt ngục ngoạn mục của tù nhân nơi đây. Chính nơi địa ngục trần gian, nơi sống không bằng chết ấy, những người tù Phú Quốc không còn sự lựa chọn nào khác đã tổ chức những cuộc vượt ngục khó tin. Và trong các hình thức vượt ngục ở đây thì đào hầm mang lại hiệu quả cao nhất. Anh Thái đưa chúng tôi tới phòng giam số 13 ở phân khu B2 - nơi đường hầm đầu tiên ở Nhà tù Phú Quốc được thực hiện vào cuối năm 1969. Tại phòng giam này, một đường hầm được phục dựng, mô tả lại đường hầm đầu tiên các chiến sĩ bị giam cầm nơi đây đào để tẩu thoát. Đường hầm có chiều dài khoảng 120m, miệng hầm rộng 45cm và được đào ngay dưới tấm phản gỗ, cách mặt đất chừng 30cm. Dụng cụ đào hầm được tù nhân làm từ nắp cặp lồng, muỗng ăn cơm, cọng kẽm gai. Họ thay phiên nhau đào theo kiểu sâu đo, cứ 7-10m thì đào thêm một hàm ếch và lỗ thông hơi. Những ngày mưa, đất moi lên được đổ ra vách lán và nước mưa xối sạch. Còn ngày nắng, anh em tù nhân cho đất vào túi quần và mỗi lần được ra ngoài thì mang theo đổ. Chỉ bằng cách ấy mà sau 4 tháng, đường hầm đã hoàn thành. Anh Thái chỉ vào vị trí miệng hầm trổ lên mặt đất và nói với chúng tôi, điều kỳ lạ là không có la bàn, chỉ đào bằng muỗng ăn cơm và nắp cặp lồng, cọng kẽm gai và đào vào ban đêm khi bọn địch không còn giám sát mà đường hầm vẫn xuyên qua con đường ôtô thường chạy, xuyên qua hàng rào dây thép gai và vị trí miệng hầm ở sát bìa rừng. Vào lúc 3 giờ sáng 21-1-1969, 21 chiến sĩ ở phòng giam số 13, phân khu B2 lần lượt thoát ra bên ngoài bằng đường hầm này. Có lẽ chỉ có nỗi khát khao tự do cháy bỏng, niềm tin mãnh liệt vào cách mạng mới có thể dẫn lối để những người tù Phú Quốc làm được điều phi thường ấy. Mãi đến đầu giờ sáng hôm sau, khi điểm danh thấy thiếu 21 người, quân địch mới tổ chức lùng tìm và phát hiện cửa hầm mà các chiến sĩ cách mạng đã trốn thoát. Cuộc vượt ngục đầu tiên bằng đường hầm thành công đã khích lệ các chiến sĩ tù cách mạng ở Phú Quốc và trở thành nỗi khiếp sợ của quân địch. Về sau, chúng tìm mọi cách đề phòng tù nhân đào hầm bằng cách đóng cọc sắt hàng rào sâu 2m rồi làm sân nền xi măng phía ngoài, hoặc cứ 3-4 tháng đảo trại 1 lần để chống đào hầm vượt ngục. Anh Thái cho biết, từ năm 1967-1972, ở Nhà tù Phú Quốc đã có tất cả 41 cuộc vượt ngục với khoảng 300 tù nhân trốn thoát.

Việc hàng trăm tù nhân trốn thoát có sự hỗ trợ rất lớn của những người ở lại. Bằng sự dâng hiến tuyệt đối cho Đảng, cho cách mạng, họ không tranh giành, chen lấn để được trốn đi mà còn tổ chức các hoạt động nghi binh thu hút sự chú ý của kẻ thù để đồng đội trốn thoát, trở về với cách mạng. Chỉ có những con người nguyện hy sinh tất cả cho đất nước, cho dân tộc mới có thể làm được điều cao cả ấy. Nhưng trong số 300 người trốn thoát khỏi nhà tù, không ít người đã phải làm mồi cho cá sấu hoặc thú rừng, hay chết trong rừng vì đói, khát, vì sốt rét. Và dưới từng tấc đất nơi di tích Nhà tù Phú Quốc hiện hữu, vẫn còn rất nhiều chiến sĩ cách mạng đang nằm lại nơi đây.

Người thuyết minh đã dừng lời nhưng cả đoàn không một ai cất tiếng. Chỉ thấy những khóe mắt rưng rưng và những bờ vai rung lên. Chỉ nghe tiếng sóng biển vỗ bờ rất nhẹ như thì thầm ru các anh vào giấc ngủ ngàn năm. Trời vẫn nắng rất gắt nhưng chợt thấy trên da lành lạnh. Bầu trời Phú Quốc vẫn xanh một màu xanh hiền hòa. Nhưng dưới lòng đất này, bao nhiêu anh hùng liệt sĩ đã bị vùi lấp, máu của các anh thấm đẫm từng tấc đất. Bao nhiêu danh phận đã được trả lại tên và còn bao nhiêu người nữa vẫn nằm yên dưới lòng đất mẹ!? Chúng tôi rời di tích Nhà tù Phú Quốc với một tâm trạng trĩu nặng, với những bước chân thật nhẹ để không đánh thức các anh.

30-4-2018  

L.T

  • Từ khóa
93618

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu