Thứ 6, 29/03/2024 12:34:29 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

NGHE - THẤY & SUY NGẪM 08:26, 01/03/2015 GMT+7

Tháng giêng không thể là tháng ăn chơi

Chủ nhật, 01/03/2015 | 08:26:00 279 lượt xem

BP - Một thực tế không thể phủ nhận là tết đã qua, công chức, viên chức đã đi làm từ ngày 24-2, nhưng những ngày qua (và có thể cả một số ngày sắp tới) tình trạng làm việc tại rất nhiều cơ quan, đơn vị vẫn còn chệch choạc, rời rạc và kém hiệu quả. Ngoài các trường học, bệnh viện, xí nghiệp... bắt buộc phải làm việc như bình thường, thì lịch làm việc của rất nhiều cơ quan, đơn vị vẫn còn “hương vị tết”. Nhiều cán bộ, công chức, viên chức đến cơ quan chủ yếu để “điểm danh”, đến trưa hoặc đến cuối giờ chiều là tiếp tục “ăn tết” tại từng gia đình bạn bè, đồng nghiệp, bởi 9 ngày nghỉ tết... chỉ “đủ dùng” cho người thân. Và dư âm của tết Nguyên đán còn kéo dài phải qua... tết Nguyên tiêu - rằm tháng giêng mới hết.

Có lẽ điều này chỉ xảy ra ở nước ta và một số nước công nghiệp chưa phát triển. Còn ở những nước phát triển, dịp được nghỉ chính thức như quốc khánh, noel, đầu năm mới, nghỉ hè, nghỉ đông... nếu không được nghỉ thêm, ngay sau đó, họ lập tức trở lại guồng máy làm việc công nghiệp rất gắt gao. Vì sao người Việt Nam chúng ta lại có thói quen như vậy và đó là thói quen xấu hay tốt? Không phân tích những “hiệu ứng” cụ thể của thói quen này, bài viết xin được nêu cụ thể một khía cạnh từ nguyên nhân dẫn tới thực trạng này: Phải chăng câu thành ngữ “Tháng giêng là tháng ăn chơi” đã ngấm sâu nghĩa tiêu cực của nó trong đời sống xã hội?

Trong xã hội phong kiến xưa, chủ yếu là thuần nông và đại đa số người dân gắn bó với việc nhà nông tang. Và việc nhà nông thì phụ thuộc vào nông lịch (lịch nhà nông). Nông lịch thì tính bằng con nước (thủy triều, phụ thuộc vào mặt trăng - âm lịch) và theo mùa... Tóm lại là nông lịch phụ thuộc cơ bản vào thời tiết. Và tháng Giêng là thời điểm người nông dân ít việc phải làm nhất trong năm. Đây cũng là tháng có nhiều lễ, hội nhất (theo thống kê của Cục Văn hóa - thông tin cơ sở, Bộ Văn hóa thông tin năm 2004, cả nước có 8.902 lễ hội, trong đó 7.005 lễ hội dân gian truyền thống). Với những yếu tố đó, không khó lý giải cho câu thành ngữ “Tháng giêng là tháng ăn chơi”.

Tuy nhiên, không phải đến bây giờ mà ngay từ thời phong kiến, nhiều nhà văn hóa tiến bộ và cả trong dân gian cũng có xu hướng phê phán “Tháng giêng là tháng ăn chơi”. Trong dân gian từng truyền nhau nhiều bài ca dao hàm ý mỉa mai và nhắc nhở điều này. “Tháng giêng ăn tết ở nhà/Tháng hai cờ bạc, tháng ba hội hè/Tháng tư đong đậu nấu chè/Ăn tết Đoan Ngọ trở về tháng năm/Tháng sáu buôn nhãn bán trâm/Tháng bảy ngày rằm xá tội vong nhân/Tháng tám chơi đèn kéo quân/Trở về tháng chín chung chân buôn hồng/ Tháng mười buôn thóc bán bông/Tháng (mười) một, tháng chạp nên công hoàn thành”.

Hoặc bài ca dao khác: “Tháng giêng là tháng ăn chơi/Tháng hai trồng đậu, trồng khoai, trồng cà/Tháng ba thì đậu đã già/Ta đi, ta hái về nhà phơi khô/Tháng tư đi tậu trâu bò/Để ta sắp sửa làm mùa tháng năm/Sớm ngày đem lúa ra ngâm/Bao giờ mọc mầm ta sẽ vớt ra/Gánh đi, ta ném ruộng ta/Đến khi nên mạ, thì ta nhổ về/Lấy tiền mượn kẻ cấy thuê/Cấy xong rồi mới trở về nghỉ ngơi...”. “Tháng giêng là tháng ăn chơi/Tháng hai cờ bạc, tháng ba rượu chè/Tháng tư là tháng lè phè/Tháng năm, tháng sáu hội hè vui chơi/Tháng bảy là tháng nghỉ ngơi/Tháng tám, tháng chín xả hơi bạn bè/Tháng mười, mười một xôi chè/Tháng chạp cá chép, cá mè vớt lên/Ông Táo dìa trển mình ên/Ra giêng ta lại dập dềnh vui chơi...”.

Ông cha ta thường nói: “Dân giàu thì nước mạnh”. Từ đó suy ra, nước ta chưa mạnh là bởi dân chưa giàu. Và thật đáng buồn rằng, đã nghèo mà còn chơi cả tháng thì biết bao giờ nước Việt Nam sánh vai cùng các cường quốc năm châu?  

Trần Phương

  • Từ khóa
108472

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu