Thứ 6, 29/03/2024 00:50:46 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

Thời luận 09:27, 19/03/2019 GMT+7

Thận trọng hơn, trách nhiệm hơn

Thứ 3, 19/03/2019 | 09:27:00 202 lượt xem

BP - Những ngày này, báo chí, truyền thông trong và ngoài nước đều dành nhiều thời lượng đưa tin đậm nét về dịch tả lợn châu Phi (DTLCP). Theo báo cáo cập nhật của Cục Thú y (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) đến ngày 16-3, bệnh DTLCP đã xảy ra tại 223 xã của 54 huyện thuộc 18 tỉnh, thành phố, cho thấy mức độ lây lan nhanh chóng của dịch bệnh này trên đàn lợn. Chính vì thế, cùng với các biện pháp phòng, chống và dập dịch ở những nơi xảy ra dịch bệnh, công tác tuyên truyền để mọi người dân nắm rõ mối nguy hại từ DTLCP được hệ thống truyền thông, báo chí tăng cường ở mức độ cao nhất.

Thời điểm này, Bình Phước chưa xảy ra DTLCP. Nhưng với đặc thù là địa bàn trung chuyển giữa Nam Tây Nguyên và miền Đông Nam bộ, với 2 tuyến quốc lộ 13, 14 là các tuyến vận chuyển hàng hóa quan trọng từ miền Bắc qua địa bàn tỉnh; vùng biên giới qua, lại có 260,433km đường biên với rất nhiều cửa khẩu, đường mòn, lối mở và các hoạt động của cư dân biên giới nên nguy cơ dịch bệnh xâm nhập, truyền lây trên địa bàn tỉnh là rất cao. Dù đàn heo có khoảng gần 740 ngàn con, nhưng chăn nuôi heo trên địa bàn tỉnh lại chủ yếu là quy mô nhỏ lẻ nên khi xảy ra dịch rất khó kiểm soát. Vì thế, việc tăng cường thông tin, tuyên truyền về dịch và các biện pháp phòng, chống là không cần bàn cãi.

Tuy nhiên, các cơ quan báo chí rất cần điều chỉnh liều lượng thông tin; đồng thời thường xuyên cung cấp những thông tin cần thiết, phù hợp để người dân hiểu rõ về DTLCP; để không ảnh hưởng đến người chăn nuôi vốn đã khốn khổ vì dịch bệnh tai ác này. Bởi thực tế những ngày qua, khi thông tin về DTLCP bùng phát ở một số tỉnh, thành phố miền Bắc, miền Trung đã khiến thị trường thịt lợn bị ảnh hưởng rõ rệt. Tại Lạng Sơn, Hà Nội và một số tỉnh, thành có dịch, mặc dù cơ quan chức năng, chính quyền địa phương đã khẳng định dịch bệnh này không lây sang người và các động vật khác, song sức mua sản phẩm từ thịt lợn vẫn giảm đáng kể.

Thực tế là người chăn nuôi và doanh nghiệp chế biến thực phẩm từ thịt heo đã phải chịu hậu quả xấu do có những tin đồn thất thiệt về DTLCP. Ngày 8-3 vừa qua, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Phùng Đức Tiến đã ký văn bản gửi Bộ Thông tin và Truyền thông kiến nghị xử lý một số cá nhân đã đăng tải thông tin sai sự thật về DTLCP, trong đó có fanpage “Đầm bầu thời trang Mami”. Trang này đã đăng tải thông tin, hình ảnh sai sự thật về việc chế biến, bày bán lợn nhiễm DTLCP tại Hà Nội và kêu gọi tẩy chay thịt lợn vì có thể lây sang người. Nhưng kết quả điều tra, xác minh lại cho thấy những hình ảnh trên fanpage này là lấy lại từ các báo điện tử, cụ thể là hình ảnh về bệnh sán dây ở lợn xảy ra tại Bình Phước vào tháng 11-2018 nhưng lại được gán cho DTLCP, gây hoang mang cho người dân và ảnh hưởng đến sản xuất, kinh doanh của các doanh nghiệp thực phẩm. Cơ quan chức năng đã phạt chủ sở hữu fanpage “Đầm bầu thời trang Mami” 20 triệu đồng.

Câu chuyện nguyên Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lê Huy Ngọ đãi khách toàn thịt gà sau khi người dân quay lưng với thịt gà vì có quá nhiều thông tin cảnh báo về H5N1; hay việc hàng chục cán bộ của TP. Đà Nẵng xuống biển tắm để khẳng định nguồn nước ở Đà Nẵng an toàn sau những thông tin về ô nhiễm sau sự cố môi trường biển đã cho thấy cái giá của việc thông tin quá đà của báo chí. Nhắc lại chuyện cũ để mỗi nhà báo trách nhiệm hơn, thận trọng hơn trong việc thông tin, tuyên truyền về DTLCP. 

Nguyên Thủy

  • Từ khóa

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu