Thứ 3, 16/04/2024 22:50:31 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

ÔN CỐ TRI TÂN 13:15, 14/09/2017 GMT+7

Thần đồng Nguyễn Hiền

Thứ 5, 14/09/2017 | 13:15:00 2,591 lượt xem

BP - Theo các tài liệu còn lưu truyền đến ngày nay, trạng nguyên Nguyễn Hiền mồ côi cha từ nhỏ, mẹ đã cho ông theo học sư cụ trụ trì chùa Hà Dương ở làng Dương A. Tương truyền, khi Nguyễn Hiền mới vào học, lúc nhà sư mới viết được 10 trang giấy, Hiền đã đọc ngay được như người từng đi học. Sư cụ lấy làm lạ lắm. Một đêm, sư cụ nằm mộng thấy Phật quở rằng: Trạng nguyên mỗi lần vào chùa thường nghịch ngợm, sao nhà ngươi không răn đe, ngăn chặn?

Minh họa: S.H

Khi nhà sư tỉnh dậy, đốt đuốc đi khắp chùa và thấy sau lưng các pho tượng đều có viết chữ “phạt 30 roi”, riêng 2 pho hộ pháp ghi “phạt 60 roi”. Vị sư nhận ra ngay nét chữ của Nguyễn Hiền. Một hôm, sư lên lớp bèn lấy một câu trong sách “Kính quỷ thần mà phải lánh xa” mà dặn Nguyễn Hiền rằng: Phật tức quỷ thần, trò không được nhạo báng. Nguyễn Hiền liền nhận lỗi và tự lau sạch những chữ mình đã viết. Từ đó, Hiền càng chăm chỉ học tập, học đến đâu nhớ đến đấy, xuất khẩu thành chương.

Năm 11 tuổi, Nguyễn Hiền đã nổi tiếng và được mệnh danh là “thần đồng”. Bấy giờ có người họ Đặng tự cho mình là đã đọc biết hết các sách, nghe tiếng tăm Nguyễn Hiền liền tìm đến nhà để thử tài và ra đầu đề bài phú: “Phượng hoàng sào a, kỳ lân du úc” và ra hạn cho Hiền số câu, mỗi câu phải có tiếng chỉ một loài cầm thú. Hiền liền ứng khẩu: “Phi long kiên chiếu; Mã bất xuất hà; Ý bi Hữu Hùng chi thế; Ấp vu Trác Lộc chi a. Dịch là: Rồng không bay lên nơi ao, hồ; Ngựa không từ sông phi ra; Đẹp thay đời có họ Hữu Hùng; Làm nhà ở nơi Trác Lộc. Nghe xong bài phú, người họ Đặng hết sức thán phục Nguyễn Hiền và tấm tắc khen là “thiên tài”.

Một giai thoại khác kể lại rằng, có lần sứ thần Trung Hoa đem một bài thơ ngụ ngôn sang thử nhân tài nước Nam. Bài thơ như sau: Lưỡng nhật bình đầu nhật; Tứ sơn điên đảo sơn; Lưỡng vương tranh nhất quốc; Tứ khẩu tung hoành gian. Dịch là: Hai mặt trời bằng đầu; Bốn trái núi điên đảo; Hai vua tranh nhau một nước; Bốn miệng ở trong khoảng dọc ngang. Khi ấy, vua và các quan trong triều không ai giải nghĩa được là gì. Một viên quan tâu với vua xin mời trạng nguyên Nguyễn Hiền đến để hỏi nghĩa.

Sau đó, nhà vua sai người về quê mời và gặp lúc Nguyễn Hiền đang mải nô đùa với chúng bạn. Nguyễn Hiền nói với viên quan rằng: Trước đây, vua nói ta chưa biết lễ, thì nay chính vua cũng không biết lễ. Không ai đi mời trạng nguyên về kinh lại không có lễ nghĩa. Viên quan về tâu lại với vua, rồi nhà vua đem đồ lễ và xe ngựa đến đón, Nguyễn Hiền mới chịu về kinh.

Về đến kinh đô, vua đưa bài thơ của sứ Tàu ra, trạng Hiền liền giải thích như sau: Câu thứ nhất nghĩa là hai chữ “nhật” đều bằng đầu nhau. Câu thứ hai “Tứ sơn điên đảo sơn” là 4 chữ “sơn”, ngược xuôi cũng đều là chữ “sơn” cả. Câu thứ ba “Lưỡng vương tranh nhất quốc”, nghĩa là chữ “vương” hai vua tranh một nước. Câu thứ tư “Tứ khẩu tung hoành gian”, có nghĩa là 4 chữ “khẩu” ngang dọc cũng đều thành chữ “khẩu” cả. Tóm lại tất cả 4 câu thơ chỉ nói đến chữ “điền”. Giải xong, trạng Hiền viết thư đưa cho sứ Trung Hoa, ông ta phải chịu là nước Nam có nhân tài.

Khi Nguyễn Hiền vào triều, nhà vua tuyển ông vào học tiếp Tam giáo chủ khoa, tức đạo Lão, đạo Phật, đạo Khổng và bổ nhiệm làm quan đến chức Thượng thư bộ Công. Suốt những năm làm quan trong triều, Nguyễn Hiền có nhiều kế sách hay để phò vua giúp nước. Năm Ất Hợi, nước ta lại bị giặc Chiêm Thành xâm lược, nhà vua rất lo bèn giao cho trạng nguyên Nguyễn Hiền đi đánh giặc giữ nước. Chỉ ít lâu sau, quân giặc thất bại, trạng Hiền thu quân về Vũ Minh Sơn mở tiệc khao quân và tâu lên vua. Nhà vua vô cùng vui mừng và phong cho ông chức “Đệ nhất hiển quý quan”.

Về nông nghiệp, ông cho đắp đê quai vạc sông Hồng, phát triển sản xuất mùa màng thắng lợi. Về quân sự, ông cho mở mang võ đường để rèn quân luyện sĩ. Ngày 14 tháng 8 năm Bính Tý - 1256, trạng nguyên Nguyễn Hiền lâm bệnh nặng và qua đời, thọ 21 tuổi. Nhà vua thương tiếc truy phong ông là “Đại vương thành hoàng” và tôn làm thần ở 32 nơi, trong đó có đình Lại Đà ở xã Đông Hội,  huyện Đông Anh, TP. Hà Nội.

Lời bàn:

Từ ngàn đời nay, hiếu học đã trở thành một truyền thống tốt đẹp của dân tộc Việt Nam. Vì thế, ông cha ta từ ngày xưa dù có nghèo đến mấy cũng cố gắng cho con đi học lấy cái chữ để thành người và cũng có biết bao tấm gương vượt nghèo khó vươn lên trong học tập để trở thành những vị trạng nguyên xuất sắc nhất trong lịch sử Việt Nam. Và trạng nguyên Nguyễn Hiền là một minh chứng. Ông là một nhân vật quá đặc biệt, một tài năng siêu Việt trong lịch sử khoa cử nói riêng và trong lịch sử văn học Việt Nam nói chung. Ở bất cứ thời đại nào tên tuổi của các danh nhân cũng luôn gắn bó với di sản văn hóa bất hủ của dân tộc.

Nhưng cũng thật đáng buồn, vì bên cạnh những người con ưu tú làm rạng danh đất nước thì ngày nay ở đâu đó, chúng ta vẫn thấy không ít học sinh, sinh viên, thanh thiếu niên lười học, ham chơi, sống không ước mơ, không lý tưởng, sống đua đòi, hưởng thụ... Thậm chí, có nhiều thanh thiếu niên vì được nuông chiều, có lối sống tầm thường, ích kỷ mà phạm tội, làm hại người khác, làm đau lòng người thân, bạn bè và bản thân đánh mất tuổi trẻ, tương lai, rơi vào vòng lao lý...

N.D

  • Từ khóa
109958

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu