Thứ 6, 29/03/2024 05:39:26 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

Chính trị 02:01, 20/07/2018 GMT+7

HƯỚNG TỚI KỶ NIỆM 71 NĂM NGÀY THƯƠNG BINH - LIỆT SĨ (27-7-1947 - 27-7-2018)

Thăm Tượng đài Mẹ Việt Nam, nghĩ về đất Quảng Nam anh hùng 

Thứ 6, 20/07/2018 | 02:01:00 3,390 lượt xem

BP - Năm 1982, chúng tôi, những sinh viên năm thứ 2 Khoa Ngữ văn, Trường đại học Tổng hợp - Huế khi về Đại Lộc (Quảng Nam) để sưu tầm văn học dân gian đã nghiêng mình cảm phục khi nơi đây nhà nhà đều có 3 đến 6 liệt sĩ hy sinh trong 2 cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ. Cuối tháng 5-2017, chúng tôi lại được các anh, chị đồng nghiệp ở Báo Quảng Nam dẫn đường về tham quan quần thể văn hóa cấp quốc gia Tượng đài Mẹ Việt Nam anh hùng trên núi Cấm, thành phố Tam Kỳ. Lấy nguyên mẫu Mẹ Việt Nam anh hùng Nguyễn Thị Thứ, tượng đài Mẹ Việt Nam anh hùng xứng tầm với sự hy sinh cao cả vô bờ bến của phụ nữ Việt Nam: “Suốt đời  hy sinh vì độc lập, tự do của dân tộc”.

QUẢNG NAM ANH HÙNG

7 năm sau Ngày giải phóng hoàn toàn miền Nam (30-4-1975), chúng tôi ở lứa tuổi đôi mươi hạnh phúc được ngồi trên ghế trường đại học nhưng đã có trong ký ức đau thương mất mát của chiến tranh ở mảnh đất miền Trung gian lao.

Những năm đó, các trường đại học quy mô vẫn còn rất nhỏ. Lớp Ngữ văn, khóa 4 của chúng tôi vỏn vẹn 27 sinh viên của cả miền Trung và khu vực Tây Nguyên. Năm thứ 2, chúng tôi được về Đại Lộc để sưu tầm văn học dân gian, rải đều từ thị trấn Ái Nghĩa đến xã Đại Đồng (xã cuối cùng của huyện Đại Lộc) mỗi xã 3 sinh viên. Đại Lộc vinh dự được Nhà nước phong tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang. Tôi không còn nhớ huyện có bao nhiêu xã nhưng dấu ấn đầu tiên ghi lại trong tôi là cây cối ở đây như mới được hồi sinh sau nhiều năm bị bom cày đạn xới. Từ Ái Nghĩa lên đến Đại Đồng nhà nào cũng từ 3-8 liệt sĩ. Nhiều hộ chỉ còn lại mẹ già sống nương nhờ vào tình thương của lối xóm. Kinh tế ở đây chủ yếu là nông nghiệp trồng lúa, sản xuất đường bánh, dưa gang. Theo lời kể của người dân địa phương, trong chiến tranh hằng ngày Đại Lộc không ngớt tiếng bom đạn, địch vây ấp chiến lược nên đến cây cỏ cũng khó lên nổi.

Tượng đài Mẹ Việt Nam anh hùng đứng chân trên mảnh đất Quảng Nam

Đó cũng là những năm cả nước đang trong thời kỳ bao cấp khó khăn nhất, nhưng về với Đại Lộc anh hùng, chúng tôi vẫn nhận được tình thương yêu đùm bọc, giúp đỡ của chính quyền địa phương và các gia đình nhận cưu mang. Được biết, hiện Đại Lộc có 1.080 mẹ được phong tặng và truy tặng danh hiệu Bà mẹ Việt Nam anh hùng. Điều này là minh chứng rõ ràng nhất cho sự vượt khó, gian khổ, tích cực tham gia lao động, sản xuất, chiến đấu, âm thầm hy sinh cho Tổ quốc của những người dân nơi đây, đặc biệt là các mẹ, các chị.

Quảng Nam có số đối tượng chính sách, người có công với cách mạng lớn nhất cả nước, chiếm hơn 23% số dân toàn tỉnh. Cả tỉnh có khoảng 65.400 liệt sĩ, 135 ngàn thân nhân; trên 30.500 thương binh, bệnh binh; khoảng  45.300 người có công với cách mạng... Đặc biệt, Quảng Nam có 14.795 Bà mẹ Việt Nam anh hùng (13.881 mẹ đã mất); hiện các mẹ đều được cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp phụng dưỡng, chiếm 1/5 tổng số Mẹ Việt Nam anh hùng của cả nước.

MẸ THứ - NGUYÊN TÁC TƯỢNG ĐÀI MẸ VIỆT NAM ANH HÙNG

Quần thể Tượng đài Mẹ Việt Nam anh hùng với diện tích 15,3 ha tọa lạc tại khu vực núi Cấm, thôn Phú Thạnh, xã Tam Phú, thành phố Tam Kỳ, tỉnh Quảng Nam. Đây là công trình văn hóa cấp quốc gia, nhằm tri ân, tưởng nhớ trên 100 ngàn Mẹ Việt Nam anh hùng khắp cả nước - những người mẹ đã âm thầm nuốt nước mắt để tiễn đưa chồng con ra trận và khi Tổ quốc cần các mẹ lại sẵn sàng trở thành những người lính mưu trí, không ngại gian nguy, trước nhục hình tra tấn vẫn giữ vững khí tiết, không khuất phục kẻ thù.

Mẹ Việt Nam anh hùng Nguyễn Thị Thứ quê xã Điện Thắng, huyện Điện Bàn, tỉnh Quảng Nam. Mẹ có chồng, 9 người con trai, 1 con rể và 2 cháu ngoại là liệt sĩ, hy sinh trong 2 cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ của dân tộc. Mẹ Thứ không phải huyền thoại mà là người mẹ Việt Nam bằng xương, bằng thịt trung kiên, bất khuất. Mẹ Thứ xứng đáng làm nguyên tác cho Tượng đài Mẹ Việt Nam anh hùng. Chiến tranh đau thương gây ra biết bao cuộc chia ly, đau đớn nhất vẫn là cuộc chia ly tình mẫu tử. Khi còn sống, các anh không được bên mẹ trọn vẹn, nay nằm xuống Tổ quốc đã đưa các anh về với mẹ hiền. Đây là lý do tượng đài được xây dựng cạnh nghĩa trang liệt sĩ.

Quần thể tượng đài có tổng diện tích 15,3 ha. Toàn bộ khối tượng đài được làm bằng đá hoa cương với chiều cao khoảng 18,5m, chiều rộng tính theo đường cong 120m. Tượng đài gắn kết với một hồ nước lớn (1.000m2) hình bán nguyệt, tạo nên hình ảnh hòa quyện của sơn thủy. Những làn nước chảy từ thân mẹ xuống tầng hồ thể hiện sự hiến dâng âm thầm của mẹ đối với các con, với đất nước.

Hai bên vách đá thể hiện gương mặt những người con thấp thoáng theo phương pháp nghệ thuật gợi tả gợi mở cho người xem hình ảnh về một đất nước hòa bình thống nhất, các con cháu mọi miền Bắc - Trung - Nam sum vầy quanh mẹ hiền Tổ quốc, luôn hướng về mẹ với tình cảm trìu mến, thương yêu nhất.

Trước tượng đài là quảng trường tiền môn đón tiếp du khách trong dịp lễ, hội hay thường niên đến tham quan. Bên cạnh là khu nhà đón tiếp với diện tích 800m2 thực hiện các chức năng như đón tiếp khách, chiếu phim tư liệu hay trưng bày triển lãm. Tiếp theo quảng trường là 8 trụ biểu chia làm hai bên, mỗi trụ cao 11,2m, đường kính 1,65m. Trên các trụ biểu này có khắc chạm các huyền thoại về mẹ anh hùng, những hình ảnh về các bà mẹ Bắc bộ hiền lành nhân hậu, bà mẹ Trung bộ nắng mưa can trường, bà mẹ Nam bộ kiên trung, bất khuất, bà mẹ Tây Nguyên dù cái bụng không no vẫn dành từng hạt bắp, hạt gạo nuôi bộ đội. Huyền thoại về những cô gái thanh niên xung phong trên tuyến đường Trường Sơn, người đã hiến dâng cả tuổi thanh xuân cho Tổ quốc. Đan xen với những biểu tượng đó là các chạm khắc huyền thoại về suối nguồn, huyền thoại về lời ru của mẹ phảng phất câu dân ca Bắc bộ, điệu hò Trung bộ, điệu lý Nam bộ cùng những nét văn hóa đặc trưng của vùng miền.

Tượng đài Mẹ Việt Nam anh hùng được xây dựng trên đất Quảng Nam, tương xứng với địa phương có đóng góp công lao lớn cho sự nghiệp giải phóng dân tộc.

Phương Hà

  • Từ khóa
21561

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu