Thứ 5, 25/04/2024 05:01:23 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

NGHE - THẤY & SUY NGẪM 15:19, 06/02/2017 GMT+7

Tham mưu sai cũng sẽ bị xử lý

Thứ 2, 06/02/2017 | 15:19:00 90 lượt xem
BPO - Trong phần kết luận phiên họp tổng kết năm 2016 của Chính phủ với các địa phương sáng 29-12, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã điểm lại một số hạn chế của kinh tế - xã hội trong năm 2016 và nêu định hướng điều hành năm 2017. Đồng thời, Thủ tướng đã vạch ra 30 công việc, nhiệm vụ yêu cầu các bộ ngành, địa phương phải nỗ lực hết mình mới mong đạt được mục tiêu kinh tế - xã hội mà Quốc hội đã thông qua cho năm tới.

Định hướng về điều hành, chỉ đạo phát triển kinh tế - xã hội 2017, Thủ tướng đề nghị tập trung vào 30 nhiệm vụ, công việc quan trọng, trong đó yêu cầu người đứng đầu phải nỗ lực và thể hiện tinh thần trách nhiệm cao nhất để giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, đảm bảo tăng trưởng kinh tế cao hơn, lạm phát dưới 4%, không để bị động bất ngờ xảy ra… Nói về trách nhiệm của cá nhân phụ trách, người đứng đầu, lãnh đạo các bộ ngành, địa phương, đơn vị, Thủ tướng nhấn mạnh nếu để xảy ra sai sót, thất thoát hay tham ô, tham nhũng thì phải xử lý trách nhiệm người đứng đầu và cả người tham mưu. Và Thủ tướng nhấn mạnh: “Tham mưu sai, tham mưu tiếp tay cho tiêu cực tham nhũng, đưa dự án không đúng để hậu quả lại cho nhà nước thì phải xử lý”.

Chỉ một tháng sau ngày nhậm chức, Chính phủ của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã bày tỏ rõ khát vọng của mình và cũng là mong đợi lớn nhất của người dân, đó là xây dựng một “Chính phủ liêm chính, một Chính phủ hiệu quả, nói không với tham nhũng, tiêu cực, lãng phí; một Chính phủ làm gương cho xã hội về việc nói đi đôi với làm”. Việc xây dựng một Chính phủ liêm chính trước hết, có tính chất quyết định cho sự thành bại của công cuộc phòng chống tham nhũng. Một chính phủ tham nhũng không thể chống được tham nhũng và chắc cũng không “nhiệt tình” chống tham nhũng. Thậm chí, nếu chỉ một thành viên Chính phủ mà tham nhũng cũng ảnh hưởng nghiêm trọng đến sự thành bại của công cuộc này. Người xưa có câu: “Thượng bất chính, hạ tắc loạn”. Một khi mà “thượng” liêm chính thì “hạ” dứt khoát không thể “loạn” và cũng không dám “loạn” dù trong ý nghĩ và ngược lại… Trong một phiên thảo luận tại tổ, đại biểu Quốc hội Nguyễn Bá Thuyền (Lâm Đồng) từng ví von hình ảnh: “Chống tham nhũng phải như quét cầu thang, quét từ trên quét xuống chứ không phải quét từ dưới quét lên”.

Tuy nhiên, để làm được điều này thì trước hết cần phải có một chính phủ chi tiêu minh bạch, công khai. Cụ thể là công quỹ phải được chi tiêu vì công chúng...

Quá trình này càng công khai minh bạch thì càng tạo ít cơ hội cho sai phạm và lạm dụng... Nơi nào công dân có thể giám sát chính quyền, tự do báo chí được tôn trọng và dân trí cao sẽ có cơ hội tạo nền tảng cho cải tổ, cải cách và quan trọng hơn là sẽ không có đất để cho tham nhũng có cơ hội. Đồng thời, phải kiên quyết cắt bỏ những rào cản. Vì tham nhũng có liên hệ trực tiếp đến bộ máy và cơ chế điều hành. Một khi đã cắt giảm tối đa các loại rào cản, cơ chế, quy định… sẽ mở thêm cơ hội cho doanh nghiệp và người dân trong cho việc đăng ký sở hữu, cho hội nhập thương mại quốc tế... Bởi thực tế ở nước ta trong những năm qua đã cho thấy, hệ thống giấy phép không chỉ gây gánh nặng cho Chính phủ mà còn không ngăn được việc kiểm tra vì sao lại cần có chúng? Vì vậy, để ngăn chặn tham nhũng, quan liêu một cách có hiệu quả thì việc bỏ các rào cản từ những quy định, cơ chế mà cụ thể là các loại giấy phép mẹ, giấy phép con và các các văn bản pháp luật đã lỗi thời là gốc rễ của tham nhũng.

Và Chính phủ cùng một số bộ, ngành ở Trung ương và một số tỉnh, thành phố đã và đang từng bước thực hiện nghiêm chủ trương của Chính phủ, sự chỉ đạo của Thủ tướng. Cùng với đó, niềm tin của nhân dân vào một Chính phủ liêm chính, một Chính phủ hiệu quả, nói không với tham nhũng, tiêu cực, lãng phí… đã được nâng cao và ngày càng lan tỏa.

NV

  • Từ khóa
108571

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu