Thứ 7, 20/04/2024 01:19:16 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

Chính trị 14:28, 09/04/2016 GMT+7

Tôi lo nhất là mất tiếng mẹ đẻ

Thứ 7, 09/04/2016 | 14:28:00 919 lượt xem

BP - Đó là tâm tư của ông Điểu Hơl, Trưởng ban Dân tộc HĐND tỉnh các khóa VII và VIII. Sau 13 năm công tác tại HĐND tỉnh, ông đã dốc hết tâm huyết để góp phần đưa nghị quyết vào thực tiễn đời sống các dân tộc ít người trên địa bàn tỉnh. Kết thúc nhiệm kỳ HĐND khóa VIII cũng là lúc đến tuổi nghỉ hưu, trong ông vẫn đầy ắp trăn trở đối với đời sống của đồng bào các dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh.

13 năm gắn bó với công tác HĐND tỉnh, với ông, cái khó là tham mưu cho Tỉnh ủy, HĐND tỉnh ban hành nghị quyết sát với thực tiễn. Trong nhiệm kỳ qua, Ban Dân tộc HĐND tỉnh do ông làm Trưởng ban đã tham mưu đề xuất thẩm tra một nghị quyết về Đề án “Đẩy mạnh giảm nghèo bền vững cho đồng bào dân tộc thiểu số tỉnh Bình Phước giai đoạn 2014-2015 và định hướng đến năm 2020”, tổ chức 26 đợt giám sát về việc triển khai, thực hiện chính sách dân tộc trên địa bàn tỉnh. Sau các đợt giám sát, Ban Dân tộc đều có công văn kiến nghị các đơn vị chịu sự giám sát thực hiện các kiến nghị đó. Ông chia sẻ mà như tự vấn: Trong nhiệm kỳ, tỉnh đã đầu tư gần 337 tỷ đồng để phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số nhưng tỷ lệ hộ nghèo trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số lại tăng. Điều đó cho thấy, hiệu quả vốn đầu chưa phát huy hết tác dụng. Trong tổng số 570 học sinh, sinh viên là con em đồng bào dân tộc thiểu số được cử tuyển, chỉ có 1 thạc sĩ là người dân tộc S’tiêng. Từ tỉnh đến thôn, ấp có được bác sĩ nào là người S’tiêng đâu, giỏi lắm là y sĩ. Vậy thì làm sao phát triển được!? 

Ông trăn trở: Mấy đứa trẻ đi học về thấy đồng bào mặc khố thì mắc cỡ, phải là quần tây, áo thun cơ. Nói thật, ngày xưa khố chỉ dành cho những người giàu có thôi. Nhìn chiếc khố là người ta phân biệt được người đó giàu hay nghèo. Nhưng tôi lo nhất vẫn là tiếng mẹ đẻ. Nếu mất tiếng mẹ đẻ là mất tất cả. Nhiều đứa trẻ bây giờ không nói được chính tiếng nói của tộc người mình. Vậy làm sao biết hát ru em, làm sao hát kể cả ngày lẫn đêm. Cả tỉnh này hiện chỉ còn 2 người S’tiêng biết sử dụng đàn bầu. Họ cũng gần đất xa trời rồi nhưng có truyền được cho con cháu đâu. Vậy thì trách nhiệm thuộc về ai đây? Trước hết thuộc về chính người S’tiêng. Người cha phải dạy cho con biết nói tiếng tộc người mình, phải dạy cho con biết tự hào cái khố của mình. Người mẹ phải dạy cho con biết hát ngay từ thuở bé. Văn hóa là tinh hoa của dân tộc, nó được hun đúc qua lao động, sản xuất, qua kinh nghiệm sống từ đời này sang đời khác. Nó không phải nhất thành, bất biến mà có sự kế thừa, chọn lọc để phát triển. Chúng ta hòa nhập chứ không phải hòa tan. Do vậy để giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc của mình thì mỗi tộc người phải biết tự học, tự rèn, phấn đấu vươn lên.

Đông Kiểm

  • Từ khóa
15389

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu