Thứ 5, 28/03/2024 19:05:22 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

NGHE - THẤY & SUY NGẪM 09:00, 16/01/2019 GMT+7

Tham gia CPTPP - thời cơ và thách thức

Thứ 4, 16/01/2019 | 09:00:00 147 lượt xem
BP - Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) chính thức có hiệu lực đối với Việt Nam từ ngày 14-1-2019. Với những cam kết mang tính toàn diện, tiêu chuẩn cao và cân bằng, hiệp định giúp tăng cường mối liên kết cùng có lợi giữa các nền kinh tế thành viên, thúc đẩy thương mại, đầu tư và tăng trưởng kinh tế trong khu vực châu Á - Thái Bình Dương, trong đó có Việt Nam. Hiệp định có hiệu lực sẽ mở ra nhiều cơ hội cho doanh nghiệp (DN) Việt Nam, nhưng cũng kéo theo không ít thách thức.

Gia nhập CPTPP, thị trường kinh doanh được mở rộng với mức độ ưu đãi cao do phần lớn các hàng rào thuế quan được dỡ bỏ, DN Việt Nam có điều kiện đẩy mạnh xuất khẩu sang các nước thành viên, nhất là với các ngành hàng có lợi thế như dệt may, da giày, điện tử, thủy sản, nông sản... DN nước ta cũng có cơ hội nhiều hơn trong việc đa dạng hóa đối tác, huy động các nguồn lực phát triển, thu hút vốn đầu tư, nhập khẩu thiết bị công nghệ cao và tham gia sâu hơn vào chuỗi giá trị toàn cầu. Theo đó, chất lượng việc làm cũng tăng lên, giúp người lao động có cơ hội phát triển do được làm việc trong môi trường hiện đại ở những DN có tiêu chuẩn lao động quốc tế, được tiếp cận khoa học - công nghệ tiên tiến với kỹ năng, phương thức quản lý và ý thức làm việc công nghiệp. Đặc biệt, những cam kết trong CPTPP còn là động lực thúc đẩy cải cách thể chế kinh tế trong nước theo hướng minh bạch, cạnh tranh cao hơn.

Tuy nhiên, DN Việt Nam cũng sẽ đương đầu với sự cạnh tranh gay gắt ngay trên sân nhà với hàng hóa, dịch vụ đến từ các nền kinh tế thành viên CPTPP. Nhất là với những hàng hóa, dịch vụ có lợi thế cạnh tranh thấp do quy mô sản xuất nhỏ lẻ, phân tán, công nghệ lạc hậu, như sản phẩm chăn nuôi, bảo hiểm, logistic, dịch vụ tài chính, ngân hàng... Cùng với đó là các rào cản về quy tắc xuất xứ, tiêu chuẩn lao động, môi trường, vệ sinh an toàn thực phẩm... cũng tạo ra những thách thức không nhỏ đối với DN Việt Nam khi xuất khẩu hàng hóa. Đáng báo động là hầu hết những DN chế biến thủy hải sản, thực phẩm, lắp ráp điện tử, may mặc... có lợi thế khi tham gia CPTPP lại đang sử dụng nhiều lao động giá rẻ, trình độ thấp. Trong khi để đáp ứng yêu cầu khách hàng, các DN này phải ứng dụng công nghệ hiện đại vào sản xuất sẽ kéo theo lượng lớn lao động bị cắt giảm... Những yếu tố nêu trên đã và đang là những yêu cầu cấp bách, đòi hỏi Việt Nam phải có chiến lược đào tạo lao động theo hướng chuyên sâu, có trình độ và tay nghề cao.

Để tận dụng tốt cơ hội do CPTPP mang lại, ưu tiên hàng đầu là phải thúc đẩy cải cách thể chế, cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia, làm nền tảng, tạo sức bật nâng cao năng lực cạnh tranh của DN. Đồng thời, các cấp và ngành chức năng cần có chính sách thay đổi tích cực trong việc giữ chân người lao động, đào tạo lại người lao động tại DN; xây dựng hệ thống thông tin việc làm gắn với thị trường lao động và DN; đào tạo theo yêu cầu DN và gắn kế hoạch sử dụng lao động với đào tạo, tuyển dụng, sử dụng công nghệ... Song song đó, DN Việt Nam cũng cần tổ chức lại sản xuất, đổi mới công nghệ, quy trình sản xuất, kinh doanh; tăng cường liên kết với các DN khác trong chuỗi giá trị để bảo đảm nguyên tắc xuất xứ, hạ giá thành... Trong đó, nâng cao chất lượng sản phẩm, nhưng phải đáp ứng được các tiêu chuẩn quốc tế về lao động, môi trường, trách nhiệm xã hội và phát triển bền vững của thị trường.

Lâm Phương

  • Từ khóa
109032

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu