Thứ 6, 29/03/2024 17:23:35 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

Giáo dục 08:52, 02/10/2019 GMT+7

Thẩm định sách giáo khoa: Những kinh nghiệm từ Nhật Bản

Nguồn TTXVN
Thứ 4, 02/10/2019 | 08:52:00 525 lượt xem
BPO - Nhật Bản đã thực hiện một chương trình, nhiều sách giáo khoa từ thế kỷ 19. Vậy đâu là kinh nghiệm từ đất nước Mặt trời mọc mà Việt Nam có thể học hỏi?

Sách giáo khoa công nghệ giáo dục. (Ảnh: PV/Vietnam+)Sách giáo khoa công nghệ giáo dục

Ý kiến của các chuyên gia, đại diện hội đồng thẩm định, Bộ Giáo dục và Đào tạo và đơn vị có sách được thẩm định là Trung tâm Công nghệ Giáo dục đều thống nhất việc thẩm định sách cần dựa trên tiêu chuẩn của chương trình giáo dục phổ thông mới. Tuy nhiên, trên cùng một tiêu chuẩn này, kết luận không đạt của hội đồng thẩm định vẫn gây rất nhiều tranh cãi trái chiều.

Trong khi đó, dù bộ sách đã được thẩm định xong, hội đồng thẩm định vẫn không công khai biên chi tiết kết quả thẩm định.

Để có kênh tham chiếu, phóng viên Báo Điện tử VietnamPlus đã có cuộc trao đổi với thạc sỹ Nguyễn Quốc Vương, giảng viên Trường Đại học Sư phạm Hà Nội, người từng có nhiều năm du học và tìm hiểu rất sâu giáo dục tại Nhật Bản về vấn đề thẩm định sách giáo khoa ở đất nước Mặt trời mọc.

Ngay lần đần tiên thẩm định sách cho chương trình mới, việc sách công nghệ giáo dục của giáo sư Hồ Ngọc Đại bị loại đang khiến dư luận xôn xao với nhiều ý kiến trái chiều. Là một người quan tâm đến lĩnh vực giáo dục, quan điểm của ông như thế nào về sự việc trên?

Thạc sỹ Nguyễn Quốc Vương: Thực ra đối với tôi, chuyện này không có gì bất ngờ. Có thể thấy trước kết quả nếu như theo dõi sát tình hình giáo dục. Đây là lần đầu tiên cơ chế một chương trình-nhiều sách giáo khoa với công đoạn quan trọng là thẩm định sách giáo khoa được thực thi nên đương nhiên dư luận sẽ chú ý và quan tâm. Tôi nghĩ câu chuyện xoay quanh việc thẩm định, lựa chọn sách giáo khoa mới chỉ bắt đầu. Những việc quan trọng nhất sẽ là từ giờ trở đi.

Tham dinh sach giao khoa: Nhung kinh nghiem tu Nhat Ban hinh anh 1Thạc sỹ Nguyễn Quốc Vương. (Ảnh: NVCC)

Là người có nhiều năm nghiên cứu về giáo dục Nhật Bản, quốc gia đã thực hiện một chương trình, nhiều sách giáo khoa từ rất lâu, ông có thể chia sẻ việc lập hội đồng thẩm định ở Nhật được thực hiện như thế nào?

Thạc sỹ Nguyễn Quốc Vương: Nhật Bản thực hiện kiểm định sách giáo khoa rất sớm, từ thế kỷ 19. Ưu điểm của thực hiện nhiều bộ sách là tận dụng được trí tuệ trong dân, những người nghiên cứu độc lập, những người nằm ngoài các cơ quan, các nhà xuất bản. Tuy nhiên, nhược điểm là nếu không có cơ chế kiểm soát chéo, sự thanh tra giám sát chặt chẽ của ngành, sự giám sát của công luận thì sẽ dẫn đến tình trạng đi đêm giữa đơn vị xuất bản và đơn vị thẩm định, đơn vị tuyển chọn, dẫn đến học sinh không được học bộ sách tốt nhất.

Ở Nhật đã từng xảy ra vụ án sách giáo khoa vào thời Minh Trị, thế kỷ 19. Chính Thiên Hoàng Minh Trị đã phải chỉ đạo vụ án này và bắt hàng trăm người, trong đó có cả thứ trưởng Bộ Giáo dục.

Để tránh tình trạng này, sau 1945 hội đồng thẩm định phải có vị trí độc lập nhất định. Thành viên hội đồng thẩm định không có quyền lợi trực tiếp liên quan đến sách giáo khoa, nhà xuất bản. Hội đồng này cũng phải đặt dưới sự giám sát của bên thứ 3. Bên thứ 3 này cũng không có quyền lợi trực tiếp đến sách giáo khoa.

Thành phần hội đồng kiểm định của Nhật cũng rất đa dạng, không phải chỉ có viên chức nhà nước chịu trách nhiệm về mặt hành chính, vai trò nhà khoa học, mà còn phải có giáo viên, người dân thường và đại diện truyền thông là các nhà báo uy tín, hiểu biết về giáo dục, giám sát và đưa tin. Hội đồng tuyển chọn ở các địa phương cũng có thành phần phong phú, có quy chế hoạt động vừa đảm bảo dân chủ, kiểm soát lẫn nhau để tránh quyết định dựa trên cảm tính hay lợi ích. Thành viên hội đồng cũng phải là những người thực sự cởi mở, có tư tưởng cải cách.

Tham dinh sach giao khoa: Nhung kinh nghiem tu Nhat Ban hinh anh 2Từ năm học 2020-2021, học sinh lớp 1 sẽ học theo chương trình giáo dục phổ thông mới, với sách giáo khoa mới

Nhật Bản đặt ra quy trình, tiêu chí thẩm định như thế nào, thưa ông?

Thạc sỹ Nguyễn Quốc Vương: Ở Nhật, trong quy chế thẩm định sách giáo khoa ban hành năm 1989 nêu rõ ở điều 1 là quy chế này được xây dựng dựa trên Luật giáo dục trường học. Các tiêu chuẩn cụ thể cho sách giáo khoa nói chung và từng loại sách sẽ do Bộ trưởng Bộ Giáo dục quy định.

Về quy trình thẩm định, họ quy định rất nghiêm ngặt. Tác giả hay nhà phát hành có thể đăng ký thẩm định với Bộ trưởng Bộ Giáo dục. Danh mục sách có thể đăng ký, thời hạn đăng ký do Bộ trưởng Bộ Giáo dục chịu trách nhiệm thông báo.

Bộ nhận sách giáo khoa và tiến hành thẩm định. Bộ trưởng Bộ Giáo dục là người chịu trách nhiệm đánh giá đạt hay không đạt, có yêu cầu sửa chữa hay không và thông báo tới người đăng ký. Trong thời hạn 20 ngày kể từ khi bộ trưởng đưa ra thông báo sách không đạt thì người đăng ký phải có văn bản phản biện, nếu quá thời hạn thì Bộ trưởng sẽ quyết định sách đó không đạt yêu cầu.

Sau khi tác giả, nhà phát hành chấp nhận sửa chữa theo yêu cầu, sách sẽ được thẩm định lại. Các sách giáo khoa không đạt có thể tái đăng ký thẩm định.

Quy trình này thực hiện rất nghiêm ngặt và họ công bố công khai, cập nhật thường xuyên các sách đăng ký thẩm định, kết quả thẩm định…

Với một chương trình, nhiều sách giáo khoa, ông có thể cho biết sự đa dạng của các sách giáo khoa của Nhật Bản được thể hiện như thế nào?

Thạc sỹ Nguyễn Quốc Vương: Ở Nhật, nhà nước hoàn toàn không làm sách giáo khoa. Các sách giáo khoa là do các nhà xuất bản tư nhân làm như là sản phẩm thương mại. Sau khi các bản thảo do nhà xuất bản đăng ký thẩm định đạt yêu cầu và được công nhận là sách giáo khoa thì các nhà xuất bản đó được bán ra thị trường.

Đối với cấp tiểu học và trung học cơ sở thì do nhà nước bao cấp sách giáo khoa (phát miễn phí) nên sau khi các địa phương, các trường (trường tư thì hiệu trưởng và hội đồng trường chọn sách, trường công thì ủy ban giáo dục - cơ quan hành chính giáo dục như sở giáo dục và đào tạo ở Việt Nam chọn) báo cáo danh sách lên nhà nước sẽ chi kinh phí để mua.

Vì vậy sách ở Nhật rất phong phú. Ví dụ, riêng môn Xã hội ở tiểu học có đến 8 nhà xuất bản cùng phát hành. Hình thức, nội dung của sách rất đa dạng. Tất nhiên, thị phần của từng nhà xuất bản sẽ khác nhau tùy thuộc vào mặt mạnh của nhà xuất bản đó. Cùng là viết về chiến tranh thế giới thứ hai nhưng mỗi bộ sách của các nhà xuất bản lại có cách thể hiện khác nhau vì mỗi nhà xuất bản sẽ nhấn mạnh vào các điểm khác nhau.

Từ việc thẩm định sách giáo khoa ở Nhật, soi chiếu lại với Việt Nam, ông thấy có điểm khác nào?

Thạc sỹ Nguyễn Quốc Vương: Việc thẩm định sách giáo khoa ở Việt Nam hiện nay tôi thấy một cái dở là không được minh bạch, rõ ràng lắm. Bản thân là một người nghiên cứu về giáo dục, tôi cũng cảm thấy rất rối rắm, không hình dung được dòng chảy thẩm định sách giáo khoa như thế nào, bước một, bước hai, bước ba đến đâu, cơ quan nào phụ trách. Quy trình đó lẽ ra phải có một trang web riêng, bộ phận truyền thông riêng cập nhật cho người dân biết, dòng chảy kết quả kiểm định chưa công khai, vì vậy tạo ra rất nhiều hệ lụy.

Theo ông, trong kiểm định sách giáo khoa, những điểm gì Việt Nam có thể học hỏi từ Nhật Bản? Đâu là nguyên nhân và giải pháp nào để có thể hạn chế được những tranh cãi như việc thẩm định sách công nghệ giáo dục vừa qua?

Thạc sỹ Nguyễn Quốc Vương: Việt Nam thực hiện cơ chế một chương trình một sách giáo khoa quá lâu tạo ra tư duy coi sách giáo khoa là ‘thánh thư,’ tập hợp chân lý rất lớn ở người quản lý, giáo viên, học sinh, phụ huynh. Việt Nam không có truyền thống rộng mở với sách giáo khoa nên khi thực hiện cơ chế này sẽ lúng túng ít nhiều. Một nhược điểm nữa là cơ chế hành chính chồng chéo, tập trung quyền lực lớn vào Bộ giáo dục như hiện tại sẽ gây khó khăn cho kiểm soát và minh bạch thông tin.

Việt Nam cần phải học hỏi nước ngoài và thực hiện tốt những điều sau:

Bộ Giáo dục và Đào tạo chỉ tập trung xây dựng quy chế thẩm định, lựa chọn và giám sát, áp dụng triệt để cơ chế một chương trình-nhiều sách giáo khoa.

Xây dựng quy chế thẩm định, lựa chọn chặt chẽ, khoa học, hợp lý, tránh các khe hở để tạo ra lợi ích nhóm hay tiêu cực (rất dễ xảy ra).

Hội đồng thẩm định phải có thành phần đa dạng, có tính chất kiểm soát lẫn nhau như nhà báo, nhà nghiên cứu độc lập, giáo sư đại học, giáo viên phổ thông, thanh tra giáo dục, viên chức của bộ giáo dục.

Minh bạch hóa thông tin có liên quan đến việc thẩm định lựa chọn sách giáo khoa và cập nhật thường xuyên (trên một trang web hoặc cổng điện tử riêng để nhân dân, truyền thông và giới có chuyên môn theo dõi, giám sát).

Quan trọng nhất là quy chế phải làm sao thu hút được nhân tài làm sách và ngăn chặn được sự móc ngoặc giữa người viết, người thẩm định cũng như là các nhà xuất bản với những người có trách nhiệm thẩm định sau này. Đây là những rủi ro cần phải tính toán thật kỹ.

Xin cảm ơn ông!

  • Từ khóa
88981

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu