Thứ 5, 25/04/2024 11:06:01 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

Văn hóa 06:21, 10/10/2015 GMT+7

Thăm di tích để bồi đắp lòng yêu nước cho thế hệ trẻ

Thứ 7, 10/10/2015 | 06:21:00 389 lượt xem
BP - Nằm trong chuỗi hoạt động liên hoan Thanh niên tiên tiến làm theo lời Bác khối các cơ quan tỉnh, thành phố cụm miền Đông Nam bộ lần thứ VIII năm 2015 vừa diễn ra tại tỉnh Bình Dương, 140 gương mặt ưu tú đến từ 7 tỉnh Bình Dương, Bình Phước, Tây Ninh, Bình Thuận, Đồng Nai, Bà Rịa - Vũng Tàu và thành phố Hồ Chí Minh đã tham quan di tích lịch sử cấp quốc gia nhà tù Phú Lợi ở phường Phú Lợi, thành phố Thủ Dầu Một, tỉnh Bình Dương. Đây là hoạt động mang ý nghĩa giáo dục truyền thống cách mạng và bồi đắp lòng yêu nước cho thế hệ trẻ.


Thanh niên tiên tiến tham quan di tích nhà tù Phú Lợi

“Địa ngục trần gian”

Qua thuyết minh của chị Phan Thị Mến, hướng dẫn viên của Ban quản lý di tích và danh thắng tỉnh Bình Dương, chúng tôi đã hình dung được phần nào về sự thật ở nhà tù Phú Lợi, nơi được mệnh danh là “Địa ngục trần gian” của miền Đông Nam bộ năm xưa. Giữa năm 1957, nhà tù được xây dựng rộng khoảng 12 ha. Lần đầu tiên, chúng đưa 4 tù nhân nữ và 100 tù nhân nam về nhưng đến năm 1958 đã tăng lên 6.000 tù nhân (trong đó có 1.000 tù nhân nữ) là những chiến sĩ cách mạng, người dân yêu nước ở khắp mọi miền Tổ quốc. Mỹ - Diệm chia nhà tù thành các khu hành chính, gia binh và an trí viện. Cái tên mỹ miều “An trí viện” chỉ để mị dân, thực chất đó là khu trại giam được ngăn cách bằng những bức tường dây kẽm gai dày đặc.

Bọn cai ngục ở đây cho tù nhân ăn gạo mục, cá ươn, nước mắm có giòi, thiếu muối và rau xanh. Môi trường sống thiếu vệ sinh, thiếu nước, quần áo, trại giam tăm tối, chật chội cùng với lao động khổ sai và tra tấn dã man đã khiến những chiến sĩ cách mạng thường xuyên bị đau yếu, bệnh tật. Thậm chí, chúng trộn bánh mì cũ (có tẩm thuốc độc) lẫn vào bánh mì mới phát cho tù nhân. Ăn xong, tù nhân bị ngộ độc dẫn đến chết hoặc hôn mê bất tỉnh. Sau đó, số tù nhân này được chuyển đi đâu không ai hay biết. Tội ác đó đã được nhà thơ Tố Hữu tái hiện trong bài thơ “Thù muôn đời muôn kiếp không tan”: “... Trong một ngày mồng một tháng mười hai/ Nào ai ngờ không có nữa ngày mai!/ Chúng tôi chết, trong đêm dài tàn khốc/ Đứt ruột đứt gan, nắm cơm thuốc độc/ Tím xương do nanh nọc lũ đê hèn/ Trái tim hồng chết uất máu bầm đen...”.

Trước chế độ hà khắc, dã man nhưng những chiến sĩ cách mạng vẫn kiên định một lòng với Đảng bằng ý chí kiên cường, bất khuất. Từ tinh thần đoàn kết thống nhất dưới sự lãnh đạo của Đảng đã kết nối được phong trào yêu nước của các tầng lớp nhân dân cùng đấu tranh chống lại áp bức của Mỹ - Diệm.

Hiểu truyền thống dân tộc để rèn luyện bản thân

Nghe kể về những cuộc đấu tranh tại nhà tù, đoàn chúng tôi ai nấy đều rưng rưng nước mắt. Bạn Lê Ngọc Dung, thanh niên ưu tú đến từ Đoàn cơ sở Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Bình Phước xúc động: “Mặc dù không tận mắt chứng kiến nhưng tôi đã hình dung được phần nào tinh thần đấu tranh anh dũng của những chiến sĩ cách mạng trước sự đàn áp dã man của Mỹ - Diệm. Chúng tôi càng trân trọng hơn giá trị của tự do, của hòa bình để phấn đấu, tu dưỡng, rèn luyện bản thân, góp sức xây dựng quê hương, đất nước”. Còn bạn Lê Thị Tuyết Nhung, đoàn tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu nói: “Thăm di tích, tuổi trẻ có cơ hội được tìm hiểu về lịch sử cách mạng của dân tộc, chúng tôi càng thêm tự hào về con người Việt Nam, nguyện sẽ ra sức học tập và cống hiến vì xã hội giàu mạnh”.

Chị Phan Thị Mến nói: Nhà tù do Mỹ - Diệm lập ra để giam cầm, tra tấn chiến sĩ cách mạng và những người yêu nước lúc bấy giờ. Đến năm 1964, nhà tù chuyển thành Tiểu khu quân sự Mỹ - ngụy cho đến ngày miền Nam hoàn toàn giải phóng. Nhà tù đã được xếp hạng Di tích lịch sử cấp quốc gia từ năm 1980. Hằng năm, di tích đón rất nhiều lượt du khách trong, ngoài nước đến tham quan, tìm hiểu lịch sử đấu tranh cách mạng của dân tộc Việt Nam. Đây là điểm đến lý tưởng để giáo dục truyền thống cách mạng, bồi đắp lòng yêu nước cho thế hệ trẻ.

Anh Nguyễn Trọng Lâm, Phó bí thư Đoàn khối Cơ quan dân chính đảng Bình Phước cho biết: Giá trị về truyền thống lịch sử hào hùng của dân tộc là kho báu mà thế hệ trẻ càng phải ra sức tìm hiểu, học tập và trau dồi, từ đó rèn luyện bản thân, tu dưỡng đạo đức, sống có lý tưởng, góp phần cống hiến cho xã hội. Về nguồn, thăm khu di tích lịch sử, địa chỉ đỏ cách mạng là hoạt động thường niên của đoàn khối cơ quan. Để chuyến về nguồn thực sự có ý nghĩa, chúng tôi luôn kết hợp với những hoạt động vì cuộc sống cộng đồng và hướng về cơ sở, tạo cho các bạn trẻ được chung tay góp sức xây dựng quê hương.  

 Hải Châu

  • Từ khóa
91521

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu