Thứ 6, 29/03/2024 08:52:54 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

Chính trị 08:31, 28/06/2015 GMT+7

“THÁCH THỨC THI ĐUA”

Chủ nhật, 28/06/2015 | 08:31:00 1,655 lượt xem
BPO - Cụm từ “thách thức thi đua” nghe có vẻ lạ trong giai đoạn hiện nay nhưng đã từng là cụm từ rất quen thuộc trong văn kiện thi đua của các cơ quan, đơn vị thời kỳ kháng chiến chống Mỹ cũng như thời kỳ đầu đất nước có hòa bình, thống nhất.

Các Anh hùng LLVT nhân dân, Anh hùng Lao động thời kỳ trước, trong ký ức của mình vẫn vẹn nguyên khí thế về những buổi phát động thi đua. Sau khi đại diện lãnh đạo, chỉ huy đơn vị lên phát động, một số điển hình tiên tiến được lựa chọn sẽ lên “thách thức thi đua”. Họ tự đặt ra mục tiêu phấn đấu cao hơn chỉ tiêu được giao, để rồi các cá nhân, đơn vị khác sau buổi phát động thi đua sẽ lên kế hoạch hành động, âm thầm “đua, đuổi, vượt” các chỉ tiêu mà các điển hình đã “thách thức”.


Chủ tịch Hồ Chí Minh thăm Xưởng may 10, Người góp ý kiến về cách cắt may sao cho nhanh, tiết kiệm và đảm bảo chất lượng. Ảnh tư liệu

Chuyện kể rằng, năm 1959, Bác Hồ đến thăm Xưởng May 10 (nay là Tổng công ty May 10). Sau chuyến thăm của Bác, lãnh đạo Xưởng phát động một phong trào “làm theo lời Bác” với phần “thách thức thi đua” của một công nhân có tay nghề cao. Kể từ hôm ấy, một phong trào thi đua sôi nổi chưa từng thấy được tự giác thực hiện trong toàn Xưởng. Người người thi đua, từng tổ, ban thi đua với nhau. Thi đua quên ăn, quên ngủ; làm không tính giờ giấc. Ai cũng muốn phấn đấu lập nhiều thành tích để vượt qua chỉ tiêu mà người công nhân lành nghề đã “thách thức”. Nhiều người hàng đêm đã trèo tường, vượt rào vào Xưởng, âm thầm làm thêm giờ, cốt để “đua” cho bằng được… Ông Nguyễn Mộng Giao, một công nhân của Xưởng 10 đã từng “trèo tường” ban đêm, vào xưởng để làm thêm ngày ấy kể rằng: Cái hay của “thách thức thi đua” hồi ấy là lãnh đạo khéo động viên tinh thần tự giác của công nhân, lại giỏi khích lệ theo kiểu “con gà tức nhau tiếng gáy” nên người lao động tham gia phong trào thi đua vô cùng sôi nổi, nhiệt tình; thi đua thực sự là hành động yêu nước cũng từ lẽ ấy.

Từ khi đất nước đổi mới, phong trào thi đua yêu nước trên toàn quốc và phong trào thi đua quyết thắng trong toàn quân đặt ra những yêu cầu mới. Cách tổ chức phát động và triển khai thi đua cũng dần thay đổi, nên cụm từ “thách thức thi đua” thưa dần và gần như “biến mất” trong hệ thống các khái niệm, thuật ngữ thi đua hiện nay. Thay vào đó, cụm từ “đăng ký thi đua” dần trở nên phổ biến.

Mấy ngày qua, Thủ đô Hà Nội rất sôi động với các hoạt động trước thềm Đại hội Thi đua Quyết thắng toàn quân lần thứ IX. Hàng trăm, hàng nghìn điển hình của toàn quân đã hội tụ về Thủ đô nghìn năm văn hiến, làm nên một “vườn hoa đẹp”. Trong câu chuyện của các đại biểu điển hình, thấy ai cũng trăn trở vấn đề “nhân rộng điển hình”. Làm sao để những hành động đẹp, việc làm tốt của các điển hình được lan tỏa, thăng hoa trong cuộc sống muôn màu, muôn vẻ của toàn quân, toàn dân vẫn đang là vấn đề thời sự nóng hổi. Sở dĩ người viết nhắc lại câu chuyện “thách thức thi đua” một thời cũng vì muốn xem đây như một gợi ý trong tổ chức xây dựng và nhân rộng điển hình hiện nay. Thực tế vẫn còn không ít cơ quan, đơn vị xây dựng điển hình theo kiểu “gà nòi” nên không thể nào nhân rộng được. Nhiều đồng chí lãnh đạo, chỉ huy thừa nhận rằng phong trào thi đua của đơn vị mình nặng tính hình thức, không phân biệt được đâu là hành động làm nhiệm vụ bình thường với hành động thi đua… Phải chăng, những vẫn đề còn tồn tại đó là vì chúng ta chưa khéo khuyến khích, động viên, cổ vũ tinh thần phấn đấu trong cán bộ, nhân viên; chưa biết tạo ra thách thức khiến cho phong trào thi đua rơi vào trung bình chủ nghĩa, rơi vào trạng thái bão hòa, cào bằng… Rõ ràng, phải biết đặt ra những “thách thức”, thì mới hy vọng phong trào thi đua tìm ra những “nguồn động lực chưa ai khơi và sáng tạo ra những gì trước đây chưa từng có”; thúc đẩy mọi người cùng “đua, đuổi, vượt” trong công việc hằng ngày.

Nguồn QĐND

  • Từ khóa
13347

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu