Thứ 7, 20/04/2024 10:34:18 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

NGHE - THẤY & SUY NGẪM 09:00, 29/08/2017 GMT+7

Thạc sĩ “chín ép”

Thứ 3, 29/08/2017 | 09:00:00 107 lượt xem
BP - Báo cáo tổng kết năm học 2016-2017, triển khai nhiệm vụ năm học 2017-2018 của Bộ GD-ĐT công bố tại hội nghị trực tuyến toàn quốc ngày 21-8 vừa qua, những ai nghiên cứu kỹ, am hiểu hoặc tâm huyết với ngành giáo dục sẽ thấy không ít vấn đề rất đáng lo ngại hiện nay. Một trong những vấn đề đó là đào tạo thạc sĩ, tiến sĩ.

Theo báo cáo của Bộ GD-ĐT, năm học 2016-2017 cả nước đào tạo 105.801 thạc sĩ, tăng 12,8% so với năm học 2015-2016. Cũng trong báo cáo cho thấy người đủ tiêu chuẩn hướng dẫn thạc sĩ gồm giáo sư, phó giáo sư, tiến sĩ khoa học, tiến sĩ (GS, PGS, TSKH, TS) trong các trường đại học, học viện, viện nghiên cứu là 17.810 người, trong đó có 632 GS, 4.428 PGS và TSKH, 12.750 TS. Theo quy chế đào tạo trình độ thạc sĩ, GS được hướng dẫn tối đa 7 học viên; TSKH và PGS được hướng dẫn tối đa 5 học viên; TS được hướng dẫn tối đa 3 học viên. Như vậy, 17.810 người gồm GS, PGS, TSKH, TS trong cả nước được hướng dẫn tối đa 64.814 học viên.

Từ hai con số “thầy” và “trò” đó cho thấy, các GS, PGS, TSKH, TS đang hướng dẫn “vượt khung” 40.987 thạc sĩ trong tương lai (hiếm có trường hợp không được cấp bằng). Đó là chưa tính đến trong năm học này còn có 15.088 nghiên cứu sinh tiến sĩ tại các trường đại học, học viện, viện nghiên cứu. Nói cách khác, các GS, PGS, TSKH, TS đang hướng dẫn gấp khoảng 2 lần số học viên theo quy định.

Không phải ngẫu nhiên ngành giáo dục Việt Nam cũng như hầu hết nền giáo dục các nước trên thế giới quy định mỗi nhà khoa học chỉ được hướng dẫn tối đa bao nhiêu học viên trong một thời điểm. Bởi đó là điều kiện bảo đảm nhà khoa học tập trung chất xám tối thiểu cho đề tài nghiên cứu của học viên, hoàn thành nhiệm vụ đúng nghĩa “hướng dẫn” học viên nghiên cứu khoa học.

Người thầy thường có nhân cách tốt và được ví như người lái đò đưa học trò đến với tri thức. Các GS, PGS, TSKH, TS ở các cơ sở đào tạo hầu hết là những nhà khoa học uy tín, trong đó cũng có trường hợp năng lực vượt trội, có thể hướng dẫn được nhiều hơn số học viên so với khung tối đa quy định. Tuy nhiên, nếu “con đò” của thầy theo thiết kế chỉ “chở” được 7 học trò, 5 học trò, 3 học trò, mà phải gồng gánh chở lên 14, 10 hay 6 học trò thì thật là nguy hiểm. Điển hình mới nhất là trong tháng 8 này, một PGS, TS, bí thư đảng ủy, trưởng khoa vốn rất uy tín của Trường đại học Sư phạm Hà Nội đã bị dừng bổ nhiệm lại và cho thôi giữ chức trưởng khoa vì trường hợp rất đặc biệt. Cụ thể là trước đó một luận văn thạc sĩ bị phát hiện sao chép gần như toàn bộ từ luận án TS được bảo vệ chỉ ít tháng trước. Đặc biệt, vị PGS, TS, trưởng khoa này là người hướng dẫn người làm luận văn thạc sĩ, đồng thời cũng là thành viên hội đồng bảo vệ luận án TS bị sao chép.

Học cao học để lấy bằng thạc sĩ đang trở thành “phong trào” khi rất nhiều trong số đó mục đích chính đi học chỉ vì chưa xin được việc làm, đi học để hợp thức hóa bằng cấp, học để lấy bằng “cho oách”... Số có mục đích chính học để nâng cao kiến thức, để bảo đảm đủ trình độ và bằng cấp làm nhiệm vụ giảng dạy, nghiên cứu có lẽ không nhiều. Thế nhưng, nếu trường, viện không “nắm bắt thời cơ”, không coi đào tạo thạc sĩ như một “nồi cơm”, còn các GS, TS giữ được phẩm giá khoa học của mình, hẳn sẽ không có hàng chục ngàn thạc sĩ “chín ép” mỗi năm như thế. Hệ lụy của “quá tải” hướng dẫn và thạc sĩ ào ào ra khỏi cổng trường, các nhà quản lý giáo dục và xã hội có nhìn thấy?

Trần Phương

 

  • Từ khóa
108708

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu