Thứ 5, 25/04/2024 15:36:20 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

Thời luận 07:31, 29/03/2016 GMT+7

“Thả nổi” quảng cáo

Thứ 3, 29/03/2016 | 07:31:00 116 lượt xem

BP - Tháng Thanh niên năm 2016 này, một trong các hoạt động của tuổi trẻ thị xã Đồng Xoài là ra quân bóc gỡ những tờ rơi, xóa biển quảng cáo trên bức tường, trụ điện trên địa bàn thị xã. Từ lâu, tình trạng người dân dán thông báo lem nhem trên các trụ điện, tường nhà làm mất mỹ quan đô thị đã khiến nhiều người bức xúc.

Trong bài này, người viết chỉ đề cập đến tình trạng “treo đầu dê bán thịt chó”, “một tấc lên giời” của các quảng cáo khiến nhiều người tiền mất tật mang.

Có thể khẳng định, nếu kiểm tra thì hầu như sản phẩm quảng cáo nào cũng mắc các sai phạm như: chưa được cấp phép vẫn quảng cáo, đăng ký một đằng quảng cáo một nẻo, hoặc quảng cáo mập mờ, trong đó thực phẩm chức năng là sản phẩm quảng cáo có nhiều sai phạm nhất. Chúng ta thường hay bắt gặp những bài PR kiểu hỏi đáp, có cả bác sĩ tư vấn trên sóng truyền hình hoặc trên báo hẳn hoi. Cũng có tiêu chuẩn đánh giá chất lượng nhưng chủ yếu do doanh nghiệp tự công bố. Thậm chí, nhiều loại thực phẩm chức năng được quảng cáo như thần dược, chữa được các bệnh nghiêm trọng như tiểu đường, loãng xương, thậm chí cả ung thư, HIV… Còn người tiêu dùng thì không phải ai cũng đủ kiến thức, đủ tỉnh táo để nhận ra quảng cáo chỉ là quảng cáo.

Có lần tôi đến thăm vợ chồng đứa cháu ở khu trọ gần nhà. Vợ công nhân giày da, chồng thì ai kêu gì làm nấy, thu nhập của cả vợ chồng chỉ tròm trèm 8 triệu đồng/tháng. Vậy mà thấy quảng cáo thực phẩm chức năng tốt quá nên cắn răng bỏ ra gần 3 triệu đồng để mua cho con với hy vọng con sẽ thông minh. Khu trọ của cháu tôi hầu hết là công nhân trong các khu công nghiệp, một số bán hàng dạo và làm cửu vạn. Họ thường đi làm từ sáng sớm đến khuya mới về. Không có điều kiện đọc sách báo, chỉ có chiếc tivi để nắm thông tin và giải trí nên những gì “đài nói” họ đều tin. Không thể trách cháu tôi và những người trong xóm trọ sao phận nghèo lại chơi sang, bởi con cái là gia tài lớn nhất của họ. Nghe quảng cáo sữa hay thực phẩm chức năng nào giúp con thông minh, cao lớn là họ mua ngay với hy vọng thế hệ sau sẽ không còn cực khổ như mình. Có người nghe quảng cáo thực phẩm chức năng như thuốc tiên đã vay mượn mấy triệu đồng mua về chữa bệnh. Đa phần người nghèo, thu nhập thấp cả tin và dễ mắc lừa, trong khi các hãng sản xuất luôn nghĩ ra những chiêu quảng cáo rất chuyên nghiệp và hiệu quả. Ngay cả tôi, trước khi nhận ra sữa nào cũng đều làm từ sữa bò cũng từng nghĩ trẻ uống sữa ngoại sẽ thông minh hơn!

Trong lần tiếp xúc cử tri trước kỳ họp thứ 11 HĐND tỉnh, ông Giám đốc Đài Phát thanh - Tuyền hình Bình Phước đã phải trả lời cử tri phường Thác Mơ (Phước Long) về việc có nhiều sản phẩm quảng cáo trên đài rất hay nhưng mua về dùng không đúng như công dụng quảng cáo, yêu cầu nhà đài chấn chỉnh. Dù nội dung trả lời cho thấy Đài Phát thanh - Tuyền hình Bình Phước đã chấp hành đầy đủ các quy định của pháp luật theo Điều 8, Chương I của Luật Quảng cáo nhưng rõ ràng việc quảng cáo trên sóng của đài truyền hình (không riêng gì đài tỉnh) đang có rất nhiều vấn đề. Hầu hết các loại sản phẩm quảng cáo đều đẩy lên đến tận mây xanh về công dụng. Riêng việc công bố thông tin mang tính cảnh báo bắt buộc: “Sản phẩm này không phải là thuốc, đọc kỹ hướng dẫn sử dụng trước khi dùng” lại thường được đọc lướt rất nhanh vào trước hoặc sau nội dung quảng cáo nên nhiều người không để ý.

Từ những thông tin nói trên, câu hỏi đặt ra là làm thế nào và đến bao giờ chấm dứt được tình trạng “thả nổi” quảng cáo như hiện nay!?

Thảo Nguyên

  • Từ khóa

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu