Thứ 6, 29/03/2024 12:45:20 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

ÔN CỐ TRI TÂN 09:06, 25/09/2018 GMT+7

Thà chết không làm vợ vua

Thứ 3, 25/09/2018 | 09:06:00 203 lượt xem
BP - Theo sách “Đại Việt sử ký toàn thư”, Đinh Tiên Hoàng tên húy là Đinh Bộ Lĩnh hoặc có sách gọi là Đinh Hoàn, là vị hoàng đế sáng lập triều đại nhà Đinh. Ông là người có công dẹp loạn 12 sứ quân, thống nhất giang sơn và trở thành hoàng đế đầu tiên của Việt Nam sau thời Bắc thuộc. Đại Cồ Việt là Nhà nước mở đầu cho thời đại độc lập, tự chủ, xây dựng chế độ quân chủ tập quyền ở Việt Nam.

Minh họa: S.H

 Đinh Bộ Lĩnh mở nước, lập đô, lấy niên hiệu với tư cách người đứng đầu một vương triều bề thế: Thời kỳ phục quốc của Việt Nam, từ họ Khúc chỉ xưng làm Tiết độ sứ, tới Ngô Quyền xưng vương và tới vua Đinh xưng làm hoàng đế. Sau một số vị vua xưng đế từ trước và giữa thời Bắc thuộc rồi bị thất bại trước họa ngoại xâm, đến thời nhà Đinh, người cầm quyền nước Việt Nam mới thực sự vươn tới đỉnh cao ngôi vị và danh hiệu, khẳng định vị thế vững chắc của quốc gia độc lập, thống nhất qua các triều đại Đinh - Lê - Lý - Trần và buộc các điển lễ, sách phong của cường quyền phương Bắc phải công nhận là một nước độc lập. Từ Đinh Bộ Lĩnh trở về sau, các vua không xưng vương hay Tiết độ sứ nữa mà đều xưng hoàng đế như một dòng chính thống.

Đinh Tiên Hoàng là vị hoàng đế đặt nền móng sáng lập nhà nước phong kiến Trung ương tập quyền đầu tiên ở Việt Nam. Vì thế ông còn được gọi là người mở nền chính thống cho các triều đại phong kiến trong lịch sử. Hầu hết các chính sử như: “An Nam chí lược”; “Việt sử lược”, “Đại Việt sử ký toàn thư”, “Việt sử tiêu án”,... đều viết Đinh Tiên Hoàng vốn họ Đinh tên Bộ Lĩnh. Trong sách “Việt Nam sử lược” cho biết “có sách” nói Đinh Tiên Hoàng tên thật là Đinh Hoàn, “Bộ Lĩnh” là tước quan Trần Lãm phong cho Đinh Hoàn, nhưng sách “Khâm định Việt sử thông giám cương mục” và các sách khác đều nói Đinh Tiên Hoàng tên thật là Đinh Bộ Lĩnh nên người đời sau không dùng tên Đinh Hoàn để gọi Đinh Tiên Hoàng.

Tên gọi “Đinh Tiên Hoàng” có nghĩa là vị vua đã khuất mang họ Đinh, đây không phải tên thật hay thụy hiệu, miếu hiệu của Đinh Tiên Hoàng. Trong “Việt sử lược”, Đinh Tiên Hoàng được gọi là “Đinh Tiên Vương”, trong sách “Đại Việt sử ký toàn thư” ông được gọi là “Tiên Hoàng Đế”, là tên gọi tôn kính dùng để chỉ một vị vua đã khuất. Và tuy là một anh hùng đánh đâu thắng đấy trong cuộc chiến dẹp loạn 12 sứ quân nhưng khi trở thành hoàng đế, ông đã “thua trắng” khi muốn đánh chiếm trái tim một cô thôn nữ tên là Nguyễn Thị Hoa Nương. Hoa Nương quê ở Ái Châu (nay là huyện Thọ Xuân, tỉnh Thanh Hóa). Tương truyền, cha mẹ cô ăn ở thiện lành, cuộc sống ấm no, hạnh phúc. Chỉ có một ước nguyện họ không đạt được là có một đứa con.

Thế rồi vào một ngày mùa hè oi bức, mẹ Hoa Nương đang ngồi hóng mát trên một gò đất nhỏ, được gọi là gò Kim Quy thì bỗng thấy trong người choáng váng, bụng đau âm ỉ. Đủ 9 tháng 10 ngày, sau đó bà sinh hạ một nữ nhi. Lúc đứa bé ra đời hương thơm lan tỏa khắp nhà như một điềm lành. Hai vợ chồng rất vui mừng và đặt tên con là Hoa Nương. Càng lớn, Hoa Nương càng xinh đẹp lạ thường. Đến năm 18 tuổi, cô đã nổi tiếng khắp gần xa. Biết bao chàng trai tài giỏi đã tìm đến cầu hôn nhưng đều bị Hoa Nương chối từ.

Danh tiếng của Hoa Nương đã lan đến tận kinh đô Hoa Lư. Vua Đinh Tiên Hoàng lúc này dù đã lập 5 hoàng hậu và có nhiều phi tần nhưng vẫn bị nhan sắc của thôn nữ chinh phục. Nhà vua cho người mang lễ vật mời cha mẹ Hoa Nương về triều và tỏ ý muốn tuyển con gái họ vào làm vương phi. Hai vợ chồng vui mừng về nhà nói lại với Hoa Nương, nhưng lạ thay cô gái đã kiên quyết từ chối lời mời của vua. Theo lời Hoa Nương, cô muốn sống trong cảnh thôn quê, phụng dưỡng cha mẹ chứ không muốn sống cảnh gò bó lễ nghi trong cung đình. Không thuyết phục được con, cha mẹ Hoa Nương đành viết thư gửi về triều đình xin nhận tội. Nhưng có lẽ hiểu được tâm tư của Hoa Nương nên vua không đoái hoài gì nữa. Về phần Hoa Nương, sợ rằng vì mình mà cha mẹ sẽ bị vua trừng phạt nên đã tìm đến cái chết ở sau nhà để chuộc lỗi...

Lời bàn:

Từ xa xưa trong dân gian đã có câu “Anh hùng khó qua ải mỹ nhân” hay câu “Sắc bất ba đào dị nịch nhân” (sắc không nổi sóng mà dễ nhấn chìm người). Chỉ với hai câu này đã đủ để thấy được cạm bẫy của nữ sắc với nam nhân là như thế nào. Bởi thế, từ cổ chí kim đã có biết bao bậc anh hùng cái thế, tài năng trác việt đã thân bại danh liệt, nước mất thân tàn vì nữ sắc. Ví như Trụ vương ngày xưa có sức mạnh địch vạn người, giết gấu đánh hổ, hùng tài cái thế. Nhưng chỉ vì mê đắm nữ sắc nên đã buông thả sắc dục, phỉ báng thần linh, đặt hình phạt nướng chết để chặn lời can gián, giết vợ, giết con, diệt nhân luân tông miếu, đặt các bồn bò cạp ăn thịt người trong cung, giết chư hầu, thất tín với thiên hạ nên đã bị diệt vong.

Thế nhưng sống ở trên đời dù là ngàn xưa hay ngày nay, không phải người phụ nữ đẹp nào cũng giống Đắc Kỷ, Điêu Thuyền, Chiêu Quân hay Thúy Kiều..., mà thời nào cũng có người không đoái hoài đến vinh hoa, phú quý, quyền thế và nàng Hoa Nương trong giai thoại nêu trên là một minh chứng. Thế mới hay, trong mỗi con người thì chữ hiếu không thể thiếu. Tiếc rằng chữ hiếu thời nay mấy ai hiểu và làm được như người xưa. Bởi thế cho nên ở đâu đó mới có chuyện con kiện cha chỉ vì chia tài sản không đều. Lại có người sẵn sàng vứt bỏ “cái ngàn vàng” để lấy 25 ngàn USD. Báo hiếu kiểu này quả thật là đáng buồn! 

N.D

  • Từ khóa
110095

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu