Thứ 6, 29/03/2024 14:37:55 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

Kinh tế 08:00, 04/02/2017 GMT+7

Tết vui ở Nông trường cao su Tân Hưng

Thứ 7, 04/02/2017 | 08:00:00 634 lượt xem
BP - “Đầu năm 2016, giá mủ cao su xuống thấp, lương và thu nhập của người lao động chưa cao, lại gặp thời tiết thất thường, vườn cây đồi dốc nhiều gây khó khăn cho chăm sóc, vận chuyển và thu hoạch. Với những giải pháp đồng bộ, kịp thời cùng sự nỗ lực phấn đấu của tập thể cán bộ, công nhân viên, chúng tôi vẫn khai thác đạt năng suất trên 2 tấn/ha và bảo đảm thu nhập ổn định cho người lao động” - ông Nguyễn Hoa Sơn, Chủ tịch Công đoàn Nông trường cao su Tân Hưng, Công ty cổ phần cao su Đồng Phú cho biết.

BẢO ĐẢM ĐỜI SỐNG NGƯỜI LAO ĐỘNG

Nông trường cao su Tân Hưng có diện tích vườn cây kinh doanh 1.350,94 ha đứng chân trên địa bàn 2 xã Tân Hưng và Tân Lợi (Đồng Phú). Năm qua, vườn cây của đơn vị không chỉ bị ảnh hưởng bởi thời tiết và giá mủ giảm sâu mà còn có lượng lớn cây bị gãy đổ phải cưa ngọn từ năm 2015. Vì thế tỷ lệ phục hồi không nhiều, số cây khô miệng cạo tăng, làm ảnh hưởng đến sản lượng. Tuy nhiên, nông trường vẫn khai thác được 2.924 tấn với năng suất bình quân 2,16 tấn/ha, năng suất lao động bình quân đạt gần 8 tấn/người. Thu nhập bình quân người lao động đạt gần 6 triệu đồng/tháng, chưa kể chế độ bồi dưỡng bằng hiện vật, tiền ăn giữa ca... và khen thưởng cuối năm.

Các thí sinh Nông trường cao su Tân Hưng đoạt giải cao tại hội thi bàn tay vàng khai thác mủ năm 2016 của Công ty cổ phần cao su Đồng Phú

Sinh ra và lớn lên ở Nghệ An, năm 2014, anh Lầu Bá Chơ (SN1988), dân tộc Hơmông được nông trường nhận vào đào tạo nghề miễn phí và hiện là công nhân thu hoạch mủ tổ 9, liên tổ 3. Anh cho biết đang phụ trách khai thác 4 phần cây với gần 4 ha. Năm 2016, được nông trường giao chỉ tiêu thu hoạch 7,7 tấn mủ, anh khai thác đạt trên 8 tấn. Những tháng cuối năm, giá mủ có dấu hiệu khởi sắc nên bình quân cả năm lương của anh đạt gần 6 triệu đồng/tháng và thưởng cuối năm hơn 10 triệu đồng. Hiện vợ chồng anh đều làm công nhân của nông trường nên cuộc sống ổn định, có điều kiện lo cho 2 con ăn học.

Còn anh Và Bá Trồng (SN1990) ở xã Nậm Càn, huyện Kỳ Sơn (Nghệ An) được nông trường nhận vào đào tạo nghề năm 2015, hiện là công nhân thu hoạch mủ của tổ 4, liên tổ 2. Năm 2016, anh khai thác được 8,5 tấn mủ, vượt 0,4 tấn so với chỉ tiêu giao. Ngoài mức lương trung bình 6 triệu đồng/tháng, anh còn được thưởng hơn 10 triệu đồng. Anh Trồng cho biết: Tết này gia đình rất vui vì ngoài tiền thưởng hơn 20 triệu đồng, vợ chồng em còn được tặng quà tết với 8 mặt hàng thiết yếu. Hiện chúng em có công việc ổn định với thu nhập khá và được nông trường bố trí nơi ở đầy đủ điện, nước sinh hoạt nên yên tâm lao động và phấn đấu năm 2017 sẽ khai thác đạt sản lượng cao hơn nữa.

GIẢI PHÁP KỊP THỜI VÀ ĐÚNG HƯỚNG

Chủ tịch công đoàn nông trường Nguyễn Hoa Sơn cho biết: Thời điểm giá mủ “lao dốc”, số công nhân xin nghỉ việc nhiều. Nông trường đã ra huyện Kỳ Sơn tuyển gần 200 công nhân người Hơmông. Những công nhân này được nông trường bố trí nơi ăn, ở và đào tạo nghề trước khi giao khoán vườn cây khai thác. Để công nhân yên tâm sản xuất, nông trường đã ứng trước kinh phí để người lao động bảo đảm sinh hoạt hằng ngày, mua sắm phương tiện vận chuyển mủ. Đồng thời tổ chức nuôi giữ trẻ, tặng học bổng cho con em công nhân có thành tích học tập khá, giỏi; định kỳ khám sức khỏe và thăm hỏi khi ốm đau... Hầu hết số công nhân này đều đã ổn định đời sống, yên tâm gắn bó với nông trường.

Hiện nông trường có 446 cán bộ, công nhân lao động, trong đó 85% lao động là đồng bào dân tộc thiểu số nên việc duy trì ổn định lực lượng lao động gặp nhiều khó khăn. Để hoàn thành các chỉ tiêu kế hoạch đề ra và tránh bị ảnh hưởng do thiếu hụt lao động, ngoài thực hiện đầy đủ các chính sách đối với người lao động, nông trường chuyển chế độ cạo D3 sang D4; áp dụng hợp lý chế độ kích thích mủ trên vườn cây kinh doanh; gắn máng che mưa, màng che mặt cạo kịp thời vụ; thực hiện nghiêm quy trình kỹ thuật, xây dựng đội ngũ công nhân lành nghề vững lý thuyết, giỏi thực hành, góp phần thúc đẩy tiềm năng, nâng cao năng suất vườn cây...

Nông trường còn thường xuyên tổ chức các hoạt động văn nghệ, thể thao để động viên, khích lệ tinh thần lao động của công nhân. Hiện các tổ sản xuất đều có đội bóng chuyền nam, nữ; các liên tổ đều có đội bóng đá, bóng chuyền nam, nữ và đội văn nghệ thường xuyên tham gia thi đấu giao hữu, biểu diễn chào mừng các ngày lễ lớn, giao lưu với đơn vị bạn. Ở 2 khu nội trú, nông trường đều thành lập các tổ liên gia tự quản kịp thời động viên, trao đổi, giúp đỡ nhau lúc khó khăn; góp vốn hỗ trợ phát triển kinh tế. Người lao động ổn định cả về đời sống vật chất và tinh thần đã tạo khí thế thi đua sôi nổi trong sản xuất.

“Dịp tết, tại các khu nội trú, ngoài phần quà do công ty trao tặng, nông trường còn hỗ trợ kinh phí để các khu mua sắm tết và tổ chức nhiều hoạt động vui chơi, giải trí trước khi đón giao thừa. Trong ngày ra quân đầu năm, Ban giám đốc nông trường trực tiếp xuống các tổ sản xuất phát động và mừng tuổi cho công nhân. Tết Đinh Dậu này, ngoài chế độ, chính sách theo quy định, 26 trường hợp khó khăn của nông trường còn được công ty hỗ trợ thêm mỗi người 1 triệu đồng và phần quà trị giá 300 ngàn đồng/người” - ông Sơn nói.

Lâm Phương

  • Từ khóa
41067

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu