Thứ 5, 25/04/2024 15:06:54 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

Văn hóa 17:50, 24/08/2018 GMT+7

Tết tháng 7 của người Tày, Nùng

Thứ 6, 24/08/2018 | 17:50:00 4,727 lượt xem
BP - Trong số những dân tộc thiểu số sinh sống ở huyện Đồng Phú, người Tày, Nùng đông nhất. Họ di cư từ miền núi phía Bắc vào lập nghiệp từ sau ngày đất nước hoàn toàn giải phóng và cư ngụ chủ yếu tại các xã Tân Hòa, Tân Lợi, Tân Hưng, Tân Phước, Đồng Tiến... đem theo những phong tục tập quán. Rằm tháng 7 là tết lớn thứ 2 sau tết Nguyên đán của người Tày, Nùng với những đặc trưng riêng, mang đậm nét văn hóa truyền thống.

Cứ đến trung tuần tháng 7 âm lịch hằng năm, gia đình chị Dương Thị Tấm,  dân tộc Tày, ngụ ấp 5, xã Tân Hưng và các hộ trong xóm lại tạm gác công việc nương rẫy để chuẩn bị đón rằm. Chị Tấm cho biết: Rằm tháng 7 năm nay gia đình chị chuẩn bị từ ngày 10 âm lịch. Bánh gai - món ngon nổi tiếng của người Tày, Nùng là loại bánh không thể thiếu để dâng lên tổ tiên, được các gia đình làm trước tiên. Để có bánh gai ngon, chị chuẩn bị đầy đủ nguyên liệu: lá chuối, gạo nếp, lá gai, đậu xanh, dừa, đường đỏ. Lá gai phơi khô, loại bỏ xơ, nấu nhừ rồi giã nhuyễn thành bột. Gạo nếp ngâm nước 1 đêm, rồi xay mịn để ráo nước; đậu xanh ngâm bỏ vỏ rồi nấu chín, nghiền mịn thành nhân bánh. Bột bánh chia nhỏ thành các phần đều nhau, cho nhân đậu xanh, dừa vào giữa rồi gói bằng lá chuối, sau đó hấp khoảng 2 giờ là chín. Bánh gai khi chín bóc vỏ có màu đen bóng, vị ngọt đặc trưng của đường đỏ, vị thơm của lá gai hòa quyện nhân đậu xanh, dừa beo béo.

Chị Nông Thị Lê (dân tộc Nùng), ấp Đồng Chắc, xã Tân Hòa (Đồng Phú) làm bánh gai đón rằm tháng 7

Rằm tháng 7 năm nay, người Tày, Nùng ở ấp 5 còn chuẩn bị thịt vịt để cúng ông bà, tổ tiên và đi tết ông bà ngoại. Theo phong tục, người Tày, Nùng cúng tổ tiên vào rằm tháng 7 có trầu cau, rượu, nhang vàng, trái cây, vịt quay, bánh gai, bún măng... Ngoài ra, gia đình nào cũng làm mâm cúng thổ thần, thổ địa và một mâm cúng ngoài hiên... Mâm cúng bày xong, gia chủ thắp hương với tấm lòng thành cầu nguyện ông bà, tổ tiên phù hộ gia đình, con cháu mạnh khỏe, gặp nhiều may mắn. Sau tuần nhang, gia đình xin với tổ tiên hạ lễ, bày mâm để con cháu ăn uống sum vầy.

Rằm tháng 7 cũng là dịp con cháu đoàn tụ, sum vầy cùng gia đình, thăm nom họ hàng. Đặc biệt, với những người con gái Tày, Nùng sau khi lấy chồng, đây còn là dịp trở về chăm sóc, phụng dưỡng cha mẹ sau thời gian dài ở bên nhà chồng. Thế nên, dù bận rộn công việc đến đâu, cứ đến rằm tháng 7, người Tày, Nùng lại tạm gác tất cả công việc để cùng nhau vui tết. Chị Sầm Thị Bày, dân tộc Nùng, ngụ ấp Trảng Tranh, xã Tân Lợi cho biết: Với người Tày, Nùng, rằm tháng 7 là một trong 2 cái tết quan trọng nhất của năm. Dịp này, phụ nữ Tày, Nùng cùng chồng con sửa soạn lễ cúng tạ ơn ông bà, tổ tiên. Gia đình chị còn chuẩn bị 1 con vịt béo, một chục bánh gai, chai rượu đến chúc sức khỏe ông bà ngoại và cùng gia đình ăn bữa cơm thân mật, thưởng thức những món đặc sản của dân tộc. Qua đó thể hiện lòng hiếu thảo, biết ơn cha mẹ, ông bà, tổ tiên. Đây là nét đẹp văn hóa thể hiện bổn phận của phụ nữ Tày, Nùng sau khi lấy chồng.

Tuy di cư vào Đồng Phú khá lâu nhưng đồng bào Tày, Nùng vẫn duy trì nét văn hóa truyền thống. Tục ăn tết rằm tháng 7 của người Tày, Nùng vẫn còn lưu giữ. Dù cách làm, phong tục mỗi nơi mỗi khác nhưng tấm lòng hiếu kính với cha mẹ, tổ tiên dịp rằm tháng 7 đều hàm chứa những giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp. Đây là nét văn hóa đặc sắc, đậm tính nhân văn của người Tày, Nùng cần được gìn giữ, bảo tồn và phát triển.

Khắc Bảy

  • Từ khóa
93699

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu