Thứ 5, 28/03/2024 22:33:44 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

Pháp luật 15:26, 31/01/2017 GMT+7

Tết muộn của lính trinh sát truy nã tội phạm

Thứ 3, 31/01/2017 | 15:26:00 205 lượt xem
BP - Xuân mới đã cận kề và mọi người đang náo nức chuẩn bị đón tết vui xuân. Phải khó khăn lắm chúng tôi mới hẹn gặp được các anh - những trinh sát truy nã tội phạm, Công an tỉnh. Với các anh, việc đón năm mới xa nhà đã thành quen. Đặc thù công việc khiến các anh thường xuyên phải ăn tết muộn.

Hành trình của lính trinh sát truy nã tội phạm thường bắt đầu với một tờ lệnh được gửi tới và kết thúc khi tờ lệnh được đưa ra trước mặt đối tượng cùng tiếng nói dõng dạc: “Anh/chị đã bị bắt”... Thế nhưng, đằng sau những điều tưởng như đơn giản ấy là biết bao công sức và những hy sinh thầm lặng của người lính trinh sát.

ĐÁNH ÁN QUÊN TẾT 

Hơn 10 năm theo nghiệp điều tra tội phạm truy nã, Đại úy Lê Mai Hệ, Phòng Cảnh sát truy nã tội phạm (PC52) Công an tỉnh đã tham gia hàng chục chuyên án lớn nhỏ. Với anh, mỗi chuyên án là một thử thách, khó khăn. Từ manh mối điều tra có thể là con số không, các anh phải vất vả hóa trang thành những người lao động bình thường hoặc dân chơi có “số má” để tìm ra đối tượng. Đại úy Hệ cho biết, chuyên án truy bắt Thái Ngọc Đông (1962) ở quận Gò Vấp (TP. Hồ Chí Minh) đòi hỏi ban chuyên án phải sử dụng nhiều biện pháp nghiệp vụ và là chuyên án mà thời gian đi về giữa các tỉnh, thành diễn ra nhiều, liên tục. Tổ đánh án phải xoay như chong chóng theo từng bước đi của đối tượng. Đông bị Công an huyện Chơn Thành ra quyết định truy nã ngày 10-5-2015 về tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản.

Phòng PC52, Công an tỉnh họp bàn đánh án

Chuyên án được thành lập, Đại úy Hệ cùng đồng đội tập trung nghiên cứu hồ sơ, xác minh các mối quan hệ. Sau 2 ngày giả làm người chạy xe ôm ở thành phố Hồ Chí Minh, nơi Đông lẩn trốn, Đại úy Hệ nhận được thông tin Đông đã về quê Bình Định ăn tết. Hai ngày rong ruổi ở Bình Định, anh nhận được tin Đông đã vào lại thành phố Hồ Chí Minh nhưng không ở chỗ cũ... Suốt những ngày tết Nguyên đán năm 2016, các anh phải xa nhà, lần theo dấu vết để truy tìm đối tượng.

Khi mọi nhà còn đang đón tết vui xuân, nhận được tin Đông đến xã Vạn Lương, huyện Vạn Ninh (Khánh Hòa) làm nghề nuôi trồng thủy sản, Đại úy Hệ cùng đồng đội tìm đến nhưng ở xã Vạn Lương có rất nhiều người cùng mang họ Thái như Đông. Tuy nhiên, bằng các biện pháp nghiệp vụ và được nhân dân giúp đỡ, cái tên Thái Ngọc Hùng được nhận định giống với đối tượng cần tìm. Ngay lập tức, Hùng được mời về Công an xã Vạn Lương. Sau gần nửa ngày quanh co chối tội, Thái Ngọc Hùng, tức Đông đã cúi đầu nhận tội và bị áp giải về Bình Phước khi không khí xuân vẫn tưng bừng mọi ngõ. 

Với Trung úy Nguyễn Xuân Hòa thời gian công tác chưa nhiều nhưng đặc thù công việc đủ để anh hiểu rằng, trinh sát truy nã tội phạm là nghề không hề phù hợp cho những ai thiếu kiên nhẫn. Tội phạm truy nã thường lẩn trốn ở khắp nơi, dùng mọi thủ đoạn để che giấu thân phận, chúng có thể biến thành những nông dân cần cù lao động, những người tài xế hiền lành hoặc anh viên chức mẫn cán... Nơi trú ẩn của tội phạm cũng trăm nơi ngàn chỗ. Thế nhưng, những thông tin về đối tượng chỉ gói gọn trên tờ lệnh truy nã và qua những tấm ảnh mờ nhạt...               

Các trinh sát Phòng PC52, Công an tỉnh kiểm tra vũ khí chuẩn bị lên đường làm nhiệm vụ

Chuyên án truy bắt Đào Văn Hải (1962) quê Thái Bình những ngày giáp tết Nguyên đán 2014 để lại cho Trung úy Hòa nhiều kinh nghiệm. Hải phạm tội giết người và bị truy nã năm 1992. Suốt 22 năm lẩn trốn, Hải đã tạo cho mình vỏ bọc khá an toàn khi tham gia lực lượng an ninh cơ sở với vai trò Tổ trưởng Tổ an ninh thôn Phước Hưng, xã Long Điền, huyện Long Điền (Bà Rịa - Vũng Tàu). Hải lập gia đình, thay tên, đổi họ cả vợ lẫn chồng, đồng thời cắt đứt mọi mối quan hệ với người thân. Do làm công tác an ninh nên Hải rất hiểu và có nhiều mánh khóe để che mắt lực lượng chức năng và người dân. Bởi vậy, sau nhiều năm truy tìm, đã có những lúc chuyên án tưởng như rơi vào ngõ cụt. Cận tết Nguyên đán 2014, nhận được thông tin về Hải, anh em trinh sát lập tức lên đường. Vì giáp tết nên việc thu thập tài liệu gặp không ít khó khăn. Tuy nhiên, bằng các biện pháp nghiệp vụ và sự giúp đỡ của người dân, Hải đã phải nhanh chóng thừa nhận hành vi phạm tội của mình.

“Mải mê đánh án, mật phục nằm vùng, chuyên án kết thúc, trở về bên gia đình cũng là lúc đã hết tết. Tuy đón tết muộn nhưng chúng tôi luôn cảm thấy vui vì đã thực hiện thắng lợi chuyên án, bắt đối tượng phải chịu hình phạt của pháp luật về những hành vi đã gây ra” - Trung úy Hòa chia sẻ.

...VÀ NHỮNG HY SINH THẦM LẶNG

Bên chén trà ngày xuân trong những giây phút nghỉ ngơi hiếm hoi, Trung tá Nguyễn Phước Chí, Phó trưởng phòng Cảnh sát truy nã tội phạm, Công an tỉnh cho biết: “Trước, trong và sau tết Nguyên đán là thời điểm công việc của lính trinh sát truy nã tội phạm hết sức bận rộn. Bởi theo lẽ tự nhiên, dù là tội phạm và đang lẩn trốn nhưng đã là con người, vẫn có lúc họ chạnh lòng nhớ về gia đình, nhất là trong những ngày tết. Bởi vậy, chỉ cần có thông tin dù nhỏ nhất, các trinh sát cũng phải lên đường, kể cả khi đang ăn dở bữa cơm tất niên hay đang đón giao thừa cùng gia đình”.

2016 tiếp tục được xem là năm thành công của Công an Bình Phước trong công tác truy nã tội phạm. Tính đến ngày 15-11-2016, Công an Bình Phước đã bắt, vận động đầu thú và thanh loại 93 đối tượng truy nã. Hiện nay, trên địa bàn tỉnh còn 81 đối tượng cần truy bắt. Riêng Phòng PC52 bắt, vận động đầu thú trong và ngoài tỉnh 53 đối tượng truy nã. Trong năm, không phát sinh đối tượng truy nã có yếu tố nước ngoài. Phòng PC52 đã triệt phá thành công 6/6 chuyên án, bắt 6 đối tượng, vượt chỉ tiêu 3 chuyên án...  

Đại úy Lê Mai Hệ chia sẻ: Đấu tranh với tội phạm nào cũng nguy hiểm nhưng với tội phạm truy nã thì còn gian nan gấp bội. Bởi những kẻ gây án bỏ trốn bao giờ cũng manh động, liều lĩnh và nhiều thủ đoạn đối phó tinh vi. Chuyên án truy bắt Hoàng Văn Tiến, quê ở huyện Tiên Lập (Phú Thọ) phạm tội giết người tại Bình Phước rồi bỏ trốn là một điển hình. Tiến thay tên đổi họ rồi xin vào làm công nhân cầu đường và sống trong các lán trại ở vùng sâu, vùng xa của bản Căn Co, huyện Sìn Hồ (Lai Châu). Nhận được thông tin về nơi sinh sống của Tiến, anh em trinh sát lập tức lên đường. Đường vào Căn Co nhiều đoạn ôtô không vào được. Chỉ với đoạn đường dài chưa đầy 50km nhưng phải hơn 2 giờ chạy xe máy chúng tôi mới đến được nơi làm việc của Tiến. Nắm bắt, nhận diện đối tượng, các phương án mật phục đón chặn nhanh chóng được triển khai. Một trinh sát lại gần và nói: “Tiến, anh đã bị bắt!”. Tuy nhiên, sau hơn 10 giờ đấu lý, Tiến mới cúi đầu nhận tội.

Với lính trinh sát truy nã tội phạm, những chuyến công tác đột xuất, làm việc bất kể ngày đêm, rồi chuyện “ăn bờ, ngủ bụi” đã trở nên bình thường. Mọi công việc gia đình, các anh đều phải dựa vào sự vun vén, đảm đang chu toàn của người vợ.

Trong lúc mọi người, mọi nhà đang náo nức đón xuân, đâu đó các anh vẫn phải dõi theo từng đường đi nước bước của các đối tượng truy nã. Với các anh, khi danh sách những tên tội phạm truy nã giảm đi một người, thì những âu lo cũng bớt đi một phần. Bởi vậy, dù mùa xuân đến muộn nhưng các anh cũng cảm thấy ấm lòng vì đã góp phần đem lại bình yên cho cuộc sống người dân.

Minh Luận

  • Từ khóa
29252

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu