Thứ 6, 19/04/2024 17:55:57 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

Xã hội 09:29, 02/09/2014 GMT+7

Tết độc lập, lại nhớ bác tôi

Thứ 3, 02/09/2014 | 09:29:00 257 lượt xem

BP - Bây giờ thì bác đã thành người thiên cổ. Nhưng những câu chuyện về bác thì cha tôi cứ kể đi kể lại nhiều lần, đến nỗi nhiều chuyện chúng tôi thuộc làu, nhất là chuyện bác trốn ông tôi đi kháng chiến.

Dù không được tận mắt nhìn Bác Hồ đọc Tuyên ngôn độc lập, người dân Nam bộ vẫn thực hiện vẹn nguyên lời thề của Bản tuyên ngôn độc lập - Ảnh: Tư liệu

Bác hơn cha tôi 10 tuổi, theo Việt Minh không phải vì được giác ngộ lý tưởng gì gì như một số người cùng thời cứ ra rả nói trên đài, trên báo. Bác đi theo cách mạng bởi không muốn mãi chịu cảnh làm thuê khổ nhục cho nhà lý trưởng mà lúc nào bụng cũng đói meo, nhất là khi chứng kiến o út tôi chết đói ngay trước mặt mà bác chẳng thể làm gì được. Bác bảo hồi ấy theo cách mạng, thi thoảng bà con cho một bữa no vênh bụng và đi đến đâu cũng được bà con chào đón. Nhưng động cơ lớn nhất để bác tôi “lên đường tranh đấu” là bởi những cán bộ Việt Minh thời đó đã hứa với bác và bà con rằng họ sẽ tống cổ bọn thực dân Pháp xâm lược ra khỏi đất nước, đánh đổ bọn nhà giàu bóc lột, giành lại ruộng đất chia cho dân nghèo. Với một người suốt đời ở đợ không ngóc đầu lên được như bác, những lời hứa đó khác nào liều thuốc tiên. Thế là bác tôi đi làm Việt Minh. Chỉ đơn giản thế.

Hòa bình, dù mới hơn hai mươi tuổi, nhưng do nhanh nhẹn, hoạt bát nên bác tôi được giao nhiệm vụ trực ủy ban hành chính xã. Nhiệm vụ chủ yếu của bác là đóng dấu vào các văn bản của ủy ban hành chính, nhưng bác thấy oai lắm. Bác bảo cái con dấu gỗ mà lúc nào bác cũng giữ bên mình là đại diện cho quyền lực của chính quyền cách mạng xã Duy Tân thuở ấy.

Là người cách mạng nhưng bác chẳng biết gì về lịch sử dân tộc. Nếu có người hỏi Nguyễn Huệ là ai, chắc bác sẽ trả lời thằng cha đó hình như ở xóm trên. Đó là sự thật. Chỉ có một điều bác khắc ghi trong lòng là thù Pháp và Mỹ, những kẻ tận đẩu tận đâu đến cướp phá, ném bom tàn sát làng mạc quê hương đến tận xương tủy. Lòng căm thù của bác đối với những kẻ xâm lược như là được truyền lại từ dòng máu tổ tiên ngàn đời. Bởi thế, bác dị ứng với tất cả những gì liên quan đến Pháp, đến Mỹ.

Cho đến một ngày, cháu gái tôi lúc đó là sinh viên đại học ngoại ngữ đưa về nhà một nhóm bạn, trong đó có một cậu người Úc. Đang bữa cơm chiều, thấy bác tôi chắp tay sau lưng lừ lừ đi vào nhà, mắt nhìn chòng chọc vào mái tóc hoe vàng và đôi mắt xanh của cậu sinh viên người Úc, tức thì anh rể tôi vội đứng dậy mời bác ra bàn nước. Dường như cảm nhận được sự thiếu thiện cảm từ “đôi mắt mang hình viên đạn” của ông già nhỏ thó, cậu người Úc hỏi cháu gái tôi bằng tiếng Anh, rằng đó là ai, sao lại nhìn cậu ta như vậy? Cháu tôi hồn nhiên trả lời: ông ấy tưởng mày là thằng Pháp hoặc Mỹ nên biểu lộ lòng căm ghét đấy. Cậu người Úc co rúm người và nhắc cháu tôi “canh chừng” ông già kẻo ông ấy làm bậy! Khi nghe cháu tôi giải thích cậu bạn không phải Mỹ, cũng chẳng phải Pháp và dịch lại nguyên văn lời đề nghị “canh chừng ông già” của cậu ta, bác tôi phá lên cười. Bác rướn người vỗ vai cậu thanh niên và bảo, nếu năm mươi năm trước mà gặp mày, ông sẽ chẳng đủ kiên nhẫn để nghe giải thích gì đâu. Nói rồi, bác làm động tác xắn tay áo, ý nói sẽ cho một trận nên thân. Sau câu nói của bác, không khí cuộc gặp mặt trở nên thân thiện, vui vẻ. Bác cũng không quên “khuyến mãi” cậu thanh niên người Úc một bài thuyết giảng về truyền thống yêu độc lập tự do, thù ngoại xâm của người Việt và mong cậu sẽ lại về chơi khi có thể.

Tết độc lập này là tròn mười năm bác tôi về với tổ tiên.      

L.T

  • Từ khóa
49749

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu