Thứ 4, 17/04/2024 02:05:32 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

Chính trị 07:50, 02/09/2019 GMT+7

Tết Độc lập: Khát vọng từ "Ba Đình nắng"

Thứ 2, 02/09/2019 | 07:50:00 345 lượt xem
BPO - “Gió vút lên ngọn cờ trên kỳ đài phấp phới/ Gió vút lên đây bao nguồn sống mới dạt dào (…) Ba mươi sáu phố ngày hôm ấy là những ngành sông đỏ sóng cờ/ Chói lọi sao vàng hoa vĩ đại, năm cánh xòe trên năm cửa ô...” (lời bài hát “Ba Đình nắng” - nhạc sỹ Bùi Công Kỳ phổ thơ Vũ Hoàng Địch).

Mỗi khi nghe những lời ca hào hùng ấy, người dân đất Việt dẫu ở đâu trên dải đất hình chữ S hay tha hương đất khách lại lặng đi, rưng rưng nhớ về mùa Thu cách mạng. Hơn bảy thập kỷ đã trôi qua, cả dân tộc đã đi qua một chặng đường nhiều đau thương, mất mát nhưng cũng không ít vinh quang, kiêu hãnh.

Hòa bình hôm nay được đánh đổi bằng tuổi trẻ, máu xương và hạnh phúc của thế hệ cha anh. Cùng với niềm tự hào dân tộc và khát vọng hòa bình, Tết Độc lập cũng là lúc chúng ta phải tiếp tục tìm lời giải cho câu hỏi về sự đổi thay, “vươn mình” của đất nước.

Thu sang mang theo sự ngưỡng vọng về giá trị thiêng liêng của những năm tháng cả dân tộc trải qua cuộc trường chinh “sáng chắn bão giông, chiều che nắng lửa” - một miền ký ức không được phép lãng quên.

Đông đảo nhân dân tập trung tại quảng trường Ba Đình nghe Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc Tuyên ngôn Độc lập ngày 2-9-1945.

Điểm tựa cho hành trình tiếp bước

Nghệ sỹ nhiếp ảnh Hứa Kiểm vốn là giáo viên văn hóa của Tổng cục Chính trị Quân đội. Năm 1965, ông được cử đi học lớp đào tạo phóng viên tin, ảnh cho chiến trường miền Nam của Việt Nam Thông tấn xã. Sau đó, ông trở thành tay máy nòng cốt của Tổ ảnh Quân sự (đặt tại Phân xã Nhiếp ảnh - Việt Nam Thông tấn xã).

Cảm giác khi được nghe lại ca khúc “Ba Đình nắng” và lời Bác đọc Tuyên ngôn Độc lập rất khó tả: vừa xúc động nghẹn ngào vừa hừng hực khí thế đấu tranh. Đó là điểm tựa tinh thần để chúng tôi đứng vững trong cuộc chiến khốc liệt .

Trong khói lửa chiến tranh, ông không chỉ là một phóng viên chiến trường mà đã sống, chiến đấu như những người lính. Số phận của nghệ sỹ nhiếp ảnh Hứa Kiểm và thế hệ ông gắn với vận mệnh dân tộc từ những ngày lập quốc - mùa Thu cách mạng 1945.

Suốt những năm tháng ấy, ông đã vào Nam, ra Bắc, lên rừng rồi xuống biển, bám trụ tại những điểm nóng như “tuyến lửa” Vĩnh Linh, cung “đường lửa” - Đường 20 (con đường huyết mạch nối Đông Trường Sơn với Tây Trường Sơn, đầu mối quan trọng trong chiến lược vận tải của đường mòn Hồ Chí Minh lịch sử, chi viện cho chiến trường miền Nam)… Trở về từ cuộc chiến, ông mang trong mình sự tự hào và cả những niềm đau.

Phóng viên Hứa Kiểm của TTXVN gặp gỡ người dân Sài Gòn để đưa tin, ảnh về thắng lợi của Chiến dịch Hồ Chí Minh 1975.

“Trong thời kỳ ấy, mỗi khi lao mình ra trận địa, tôi không nghĩ đến những khái niệm như ‘lòng yêu nước’ hay ‘niềm tự hào dân tộc.’ Tôi chỉ có một suy nghĩ và quyết tâm duy nhất là phải hoàn thành nhiệm vụ, chụp được những bức ảnh tốt nhất. Tôi có trách nhiệm phải nói rõ, kể rõ cho hậu phương và thế giới biết tinh thần đấu tranh quật cường của bộ đội ta, tính chất chính nghĩa của cuộc đấu tranh của quân dân ta” ông Hứa Kiểm nhớ lại.

Ký ức ùa về như thước phim quay chậm mở ra trước mắt người phóng viên chiến trường năm xưa. Giữa khói lửa đạn bom, ngày nào cũng có người bị thương, ngã xuống. Những ý niệm về ngày giỗ, tết và thậm chí là Quốc khánh cũng nhòa đi trong bom đạn, đau thương. Mọi buồn, vui đều ào đến như một cơn lốc rồi qua đi rất nhanh; hoăc chỉ kịp nhói lên, buốt giá rồi lại nhanh chóng lặn sâu, in hằn trong tim những vết xước.

“Trong chiến tranh mịt mù, tất cả đều phải gắng gượng! Thế nhưng, cứ vào dịp Quốc khánh, chúng tôi đều được nghe lại ‘Ba Đình nắng,’ lời Bác đọc ‘Tuyên ngôn độc lập’… trên sóng phát thanh. Cảm giác khi đó thật khó tả: vừa xúc động nghẹn ngào vừa hừng hực khí thế đấu tranh. Đó là điểm tựa tinh thần để chúng tôi đứng vững trong cuộc chiến khốc liệt với những diễn biến bất ngờ, dồn dập,” cựu phóng viên chiến trường của Thông tấn xã Việt Nam hồi tưởng.

Ngày 2-9-1945, tại quảng trường Ba Đình lịch sử, Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc Tuyên ngôn Độc lập, khai sinh nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa

“Gió vút lên ngọn cờ trên kỳ đài phấp phới- Gió vút lên đây bao nguồn sống mới dạt dào…” người phóng viên chiến trường năm xưa run run hát “Ba Đình nắng.”

Đó là một trong số ít ca khúc hiếm hoi tái hiện lại khung cảnh quảng trường Ba Đình lịch sử ngày 2-9-1945. Phần ca từ có trích dẫn câu nói gần gũi, thân thương của Bác trước lúc Người đọc bản “Tuyên ngôn độc lập,” khai sinh ra nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa: “Tôi nói, đồng bào nghe rõ không?”

“Ba Đình nắng” với tiết tấu lúc nhanh lúc chậm đã gói trọn niềm xúc động dâng trào trước giờ phút thiêng liêng của lịch sử dân tộc. Cảm xúc có lúc nghẹn lại, có lúc lại như vỡ òa. Khung cảnh chiến tranh và hòa bình, niềm vui chiến thắng và niềm đau chôn giấu về sự mất mát, hy sinh cùng lắng đọng trong “Ba Đình nắng.”

Từ việc khắc họa khung cảnh quảng trường Ba Đình trong ngày 2-9-1945, “Ba Đình nắng” ngược thời gian, tái hiện những ngày tháng hào hùng cả dân tộc vùng lên, giành độc lập. Trên phông nền ấy, hình ảnh Bác Hồ (với “Bộ kaki đã bạc với gió sương- Người hiện thân sức mạnh của hòa bình”) cùng âm vang bản “Tuyên ngôn độc lập” giữa rừng cờ hoa (thể hiện hào khí của “nguồn sống mới dạt dào”…) đã làm xúc động hàng triệu trái tim Việt Nam.

Những trải nghiệm không quên

74 năm đã trôi qua nhưng lớp người may mắn đồng hành cùng lịch sử dân tộc từ những mùa Tết Độc lập đầu tiên vẫn vẹn nguyên cảm xúc run run. Lật giở từng bức ảnh đen trắng đã ố màu thời gian, nghệ sỹ nhân dân Chu Thúy Quỳnh vẫn không sao giữ được cho đôi bàn tay thôi run rẩy.

Người nghệ sỹ đã đi một chặng đường dài, trải nghiệm và thấm thía nhiều biến động của đời sống, nghệ thuật mang trong mình những ẩn ức riêng. Cảm giác mới mẻ, hân hoan của những lần đầu hòa mình vào không khí cả nước kỷ niệm ngày Quốc khánh đã dần qua đi theo thời gian. Cảm thức về Tết độc lập không còn nằm ở phần nổi với sự háo hức, hồ hởi mà dần lắng sâu, chuyển thành những trăn trở, suy tư.

Cảm thức về Tết Độc lập của nghệ sỹ nhân dân Chu Thúy Quỳnh không còn nằm ở phần nổi với sự háo hức, hồ hởi mà dần lắng sâu, chuyển thành những trăn trở, suy tư

“Khi còn là một cô bé, trước mỗi dịp Tết Độc lập, tôi đều cảm thấy rất hồi hộp, háo hức. Người lớn ôn chuyện quá khứ, cùng dọn dẹp nhà cửa, kể cho nhau nghe những về những mong ước sẽ thành hiện thực khi đất nước hòa bình… Để rồi, đến ngày 2-9, gia đình tôi thường ra phố, hòa vào bầu không khí chung. Dường như, ai cũng chọn cho mình một bộ quần áo tươm tất nhất,” nghệ sỹ nhân dân Chu Thúy Quỳnh kể.

Ngày ấy, những nụ cười rạng rỡ thường trực trên môi người trẻ. Xen lẫn vào đó, thấp thoáng bóng hình những người mẹ già với đôi mắt ưu tư, nhớ đến những đứa con vẫn ở nơi tiền tuyến. “Dường như, trong Tết Độc lập, mọi người gần gũi nhau hơn. Những người vốn không quen biết cũng niềm nở, vẫy tay chào nhau,” người nghệ sỹ già bồi hồi nhớ lại.

“Với tôi, mỗi dịp kỷ niệm ngày Quốc khánh là một lần nhắc nhở về trách nhiệm công dân, thái độ làm nghề.”

Sau này, khi trúng tuyển vào Đoàn Ca múa Nhân dân Trung ương, qua quá trình đào tạo bài bản, trở thành nghệ sỹ múa chuyên nghiệp, nghệ sỹ nhân dân Chu Thúy Quỳnh từng có nhiều dịp biểu diễn phục vụ chiến sỹ, đồng bào trong những dịp kỷ niệm ngày Quốc khánh.

“Sàn diễn có khi là sân khấu lộng lẫy của Nhà hát Lớn, có lần là sân đình gần gũi, có lúc lại là vườn hoa, vỉa hè thân quen… Dẫu vậy, ở không gian nào, tôi cũng cảm thấy rất hạnh phúc khi khán giả hào hứng, vỗ tay nồng nhiệt. Những em nhỏ thích thú, hái tặng chúng tôi những bông hoa dại ven đường,” nghệ sỹ từng được mệnh danh là “ngôi sao múa đến từ phương Đông” nhớ lại.

Mạch chuyện nối dài, nghệ sỹ gạo cội của làng múa bảo: “Giờ đây, với tôi, mỗi dịp kỷ niệm ngày Quốc khánh là một lần nhắc nhở về trách nhiệm công dân, thái độ làm nghề.”

Theo thời gian, cùng với sự phát triển của đất nước, đời sống văn hóa, nghệ thuật cũng có nhiều đổi thay. Trong xu thế hội nhập, trước những làn sóng văn hóa du nhập từ bên ngoài, làm sao để giữ được bản sắc dân tộc là điều khiến nghệ sỹ nhân dân Chu Thúy Quỳnh trăn trở nhất. Bởi vậy, trong những tác phẩm của mình, biên đạo múa Chu Thúy Quỳnh thường chú ý khai thác chất liệu dân gian, những câu chuyện lịch sử của dân tộc.

Chủ tịch Hội Nghệ sỹ Múa Việt Nam cho biết, lĩnh vực nghệ thuật này vẫn luôn coi đề tài lịch sử là một trong những đề tài trung tâm, quan trọng hàng đầu trong việc sáng tạo tác phẩm.

Ngày 19-8-1945, sau cuộc mít tinh tại quảng trường Nhà hát Lớn, quần chúng nhân dân Thủ đô đã đánh chiếm Bắc Bộ phủ, cơ quan đầu não của chính quyền tay sai Pháp ở Bắc Bộ. Cách mạng tháng Tám thắng lợi mở ra một thời đại mới ở Việt Nam - thời đại nhân dân Việt Nam làm chủ đất nước, làm chủ vận mệnh của chính mình

“Lịch sử đấu tranh cách mạng hào hùng của dân tộc đã tạo điều kiện cho nhiều tác phẩm lớn ra đời. Có rất nhiều sáng tác được dàn dựng và biểu diễn ngay tại chính chiến trường mà không cần sân khấu cầu kỳ. Ví dụ, điệu múa ‘Gặp gỡ bên mâm pháo’ ra đời năm 1965 ngay tại chiến trường Khu 4 khi chúng tôi được nghe những câu chuyện về ba lực lượng (chàng pháo thủ, cô dân quân và anh hải quân) cùng nhau bắn rơi máy bay,” nghệ sỹ nhân dân Chu Thúy Quỳnh nhớ lại những năm tháng tuổi trẻ hòa mình cùng khí thế đấu tranh sục sôi của cả dân tộc.

Lặng đi chừng vài phút, bà bảo, hiện nay, vốn kiến thức và hiểu biết về lịch sử xã hội của một số biên đạo, nghệ sỹ trẻ còn hạn chế. Do đó, “khi bắt tay vào làm một tác phẩm múa về đề tài lịch sử thì họ mới bắt đầu sưu tập, tìm kiếm tư liệu. Xuất phát từ việc nghệ sỹ chưa có thời gian nghiền ngẫm sâu sắc tư liệu, một số tác phẩm mới chỉ dừng lại ở mức gợi mở chung chung, chưa đi được vào chiều sâu của vấn đề, sự kiện và nhân vật lịch sử,” nghệ sỹ nhân dân Chu Thúy Quỳnh trăn trở.

Nói rồi, đôi vai bà bỗng rung lên, giọng bà nghẹn lại...

Nguồn TTXVN
  • Từ khóa
29862

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu