Thứ 7, 20/04/2024 01:47:06 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

Xã hội 10:55, 10/02/2016 GMT+7

Tết của những bác sĩ tại bệnh viện Đa khoa tỉnh Bình Phước

Thứ 4, 10/02/2016 | 10:55:00 250 lượt xem
BPO - Thay vì quây quần bên mâm cơm gia đình chiều cuối năm, nhiều y, bác sĩ lại tất bật với nhiệm vụ cấp cứu. Đây cũng là thời điểm bệnh nhân nhập viện nhiều nhất vào những ngày đầu năm mới. Thức cùng những bác sĩ Bệnh viện Đa khoa tỉnh Bình Phước đêm ngày mùng 2 tết mới thấy được những vất vả của họ.

Ngày tết cũng như những ngày bình thường, thậm chí khối lượng công việc của các y, bác sĩ tại các bệnh viện lại nhiều hơn mọi khi. Nhớ lại những đêm giao thừa đã từng trải qua trong bệnh viện, bác sĩ Hồ Sên Siêu, Trưởng ca trực cấp cứu ngày mùng 2 tết Bệnh viện Đa khoa tỉnh Bình Phước cho biết: “Đó là những ca nặng vì uống rượu bia, tai nạn giao thông, ở ranh giới giữa sự sống và cái chết. Hơn 20 năm làm việc tại bệnh viện, có không ít lần, mặc dù đã cố gắng hết sức, các y bác sĩ vẫn không thể cứu sống được bệnh nhân. Sau ca cấp cứu căng thẳng, ngẩng mặt lên đã qua thời khắc giao thừa. Năm mới chứng kiến ra đi của một con người, vì vậy tết cũng không còn trọn vẹn”.

Theo tổng hợp tại Phòng cấp cứu Bệnh viện Đa khoa tỉnh, tổng số bệnh nhân cấp cứu từ đêm giao thừa đến hết ngày mùng 2 Tết nguyên đán Bính Thân 2016 là 250 ca. Trong đó, 44 ca cho về, 9 ca chuyển viện và 3 ca tử vong do chấn thương quá nặng. Đặc biệt, trong đêm giao thừa, có 25 ca do tai nạn giao thông, ngày mùng 1 tết là 31 ca. Trong hai đêm giao thừa và ngày mùng 1 có 2 ca ngộ độc; 3 ca cấp cứu do đốt pháo nổ vào đêm giao thừa.

Ngày thường, một người ốm là có một, hai người đi theo vào bệnh viện, nhưng ngày tết còn đông hơn gấp bội. Nhiều người trong số họ đến sau khi đã uống rượu, cùng với tâm lý căng thẳng nên rất dễ bị kích động, không kiểm soát được hành vi. Vì vậy, các bác sĩ cấp cứu phải làm việc trong môi trường rất căng thẳng, đầy sức ép. Tết luôn là nỗi ám ảnh cho tất cả các y, bác sĩ trong bệnh viện.

Nhớ lại trường hợp phải bất lực buông xuôi cách đây mấy năm, bác sĩ Siêu chia sẻ: “Cách đây 3 năm, một nam thanh niên người dân tộc thiểu số té xe ngày 29 tết, bị ghi đông xe đập vào bụng gây chấn thương nặng phần bụng. Bệnh nhân không biết cứ ở nhà và kêu đau bụng tới tận mùng 3 tết mới đưa xuống. Sau khi chẩn đoán, bệnh nhân được đưa vào phòng mổ gấp. Dù đã cố gắng hết sức nhưng chúng tôi không thể làm gì được. Nếu đưa xuống sớm hơn thì đã không dẫn tới cái chết”.

Bác sĩ Hồ Sên Siêu xem phim chụp X’quang chẩn đoán bệnh

1 giờ ngày mồng 2 tết, bác sĩ Hoàng Phi Hải vẫn phải kiểm tra tình hình sức khỏe bệnh nhân

Người nhà bệnh nhân trước cửa phòng cấp cứu

Phút thảnh thơi bên ly trà đã nguội của các y, bác sĩ Bệnh viện Đa khoa tỉnh Bình Phước

Thành Nguyện

  • Từ khóa
53565

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu