Thứ 7, 20/04/2024 05:56:14 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

Xã hội 07:23, 04/06/2019 GMT+7

Giải pháp cấp bách phòng, chống dịch tả lợn châu Phi ở Bù Gia Mập

Thứ 3, 04/06/2019 | 07:23:00 240 lượt xem
BP - Đến nay, trên địa bàn tỉnh đã phát hiện 10 ổ dịch tả lợn châu Phi (DTLCP) với 13 hộ/7 phường, xã/4 huyện, thị xã, thành phố. Tổng số lợn tiêu hủy 276 con, trọng lượng 12,738 tấn. Dịch bệnh đang diễn biến phức tạp, nguy cơ lây lan toàn tỉnh. Mặc dù trên địa bàn chưa xuất hiện dịch nhưng huyện Bù Gia Mập đã đề ra nhiều giải pháp cấp bách nhằm ngăn chặn dịch bệnh xâm nhập.

>> Chủ động khoanh vùng dập dịch tả lợn châu Phi
>> Khẩn cấp ứng phó với bệnh dịch tả lợn châu Phi
>> Bình Long dồn sức ngăn chặn dịch tả lợn châu Phi
>> Phú Riềng gồng mình chống dịch tả lợn châu Phi
>> Hớn Quản khẩn trương chống dịch tả heo châu Phi xâm nhập
>> Đồng Xoài khẩn trương dập dịch tả lợn châu Phi
>> Phước Long phát hiện 5 ổ dịch tả lợn châu Phi

Người dân lo lắng

Nguồn thu nhập chính của gia đình ông Trần Văn Tuyến, ngụ thôn Khắc Khoan, xã Phú Nghĩa hơn 20 năm qua là từ nuôi lợn. Vì vậy, ông Tuyến lo lắng DTLCP có thể xâm nhập bất cứ lúc nào. Ông Tuyến cho biết: Trong trại nuôi của gia đình có hơn 100 con, gồm lợn mẹ, lợn con và lợn thịt. Do ở sát đường ĐT741 và khu đông dân cư nên gia đình không bán sỉ mà mỗi ngày mổ 1 con lợn thịt hơn 1 tạ bán cho người dân trong vùng. Thịt lợn có nguồn gốc, bán tại nhà nên luôn hết hàng. Nhằm hạn chế tối đa dịch bệnh xâm nhập, ngoài cho ăn cám của công ty có thương hiệu, vệ sinh chuồng trại sạch sẽ, cứ 2 ngày gia đình xịt thuốc tiêu độc, khử trùng 1 lần. Khi xuất lợn, chuồng trại được rắc vôi bột và cách ly 15 ngày mới tái đàn. Đó là giải pháp phòng ngừa của gia đình, còn việc phòng chống DTLCP trên địa bàn, huyện cần khẩn trương lập các chốt chặn ngăn không cho vận chuyển lợn từ ngoài vào, vì thị xã Phước Long đã có dịch.

Trại nuôi lợn của gia đình ông Trần Văn Tuyến, thôn Khắc Khoan,  xã Phú Nghĩa luôn được vệ sinh sạch, tiêu độc, khử trùng phòng chống DTLCP

Trang trại nuôi lợn của gia đình ông Hà Văn Hùng ở thôn Khắc Khoan, xã Phú Nghĩa cũng thực hiện phòng ngừa rất nghiêm ngặt. Ông Hùng cho biết, trang trại lợn của gia đình có hơn 100 con. Do tách biệt với khu dân cư nên hàng chục năm nay không xuất hiện dịch bệnh nào. Tuy nhiên không vì thế mà người nuôi lơ là, mất cảnh giác. Cứ 2 ngày ông xịt thuốc tiêu độc, khử trùng 1 lần với liều lượng đậm đặc gấp đôi, đồng thời cho lơn ăn thêm vi chất nhằm tăng cường sức khỏe để đàn lợn kháng bệnh tốt. Ngoài ra, trang trại cách ly người lạ, không đem thực phẩm không có nguồn gốc về nhà. Ông Hùng chia sẻ, qua quan sát hằng ngày có nhiều phương tiện chở lợn từ Phước Long vào khu vực các xã Đắk Ơ, Bù Gia Mập tiêu thụ, thế nhưng đến nay trên địa bàn vẫn chưa có chốt kiểm dịch. Trên thị trường thịt lợn bày bán rất nhiều nhưng không biết đâu là thịt lợn sạch, đâu là lợn bệnh, vì thế DTLCP có thể xâm nhập vào địa bàn bất kỳ lúc nào. Để ngăn chặn DTLCP, ông Hùng kiến nghị lập chốt kiểm dịch đầu vào tại 3 điểm, 1 chốt trên đường ĐT741 khu vực cổng chào xã Đức Hạnh, 1 chốt trên đường ĐT760 đoạn từ xã Đường 10 (Bù Đăng) qua xã Phú Văn, 1 chốt trên đường ĐT759 để ngăn chặn vận chuyển lợn từ Bù Đốp qua.

Cần sự phối hợp của các địa phương

Theo thống kê, toàn huyện Bù Gia Mập hiện có 32 ngàn con lợn, trong đó 2.372 hộ nuôi 24.700 con và 3 trang trại lớn tại các xã Phước Minh, Đức Hạnh, Bình Thắng với quy mô 7.300 con. Phó chủ tịch UBND huyện Bù Gia Mập Nguyễn Xuân Hoan cho biết: Thực hiện chỉ đạo của UBND tỉnh, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, huyện Bù Gia Mập đã và đang khẩn trương triển khai các biện pháp ngăn chặn, kịp thời phát hiện và xử lý nghiêm trường hợp vận chuyển trái phép động vật, sản phẩm động vật từ khu vực biên giới giáp Campuchia, từ các huyện, thị đang có dịch bệnh vào địa bàn. Đến nay, Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện đã cấp 240 lít thuốc và hoàn thành việc phun thuốc từng hộ chăn nuôi, thực hiện vệ sinh, tiêu độc, khử trùng môi trường chăn nuôi trên địa bàn 8 xã; xây dựng kế hoạch tiêm phòng 4.800 liều DTLCP cho các hộ chăn nuôi lợn; tổ chức 42 lớp tập huấn, trung bình mỗi lớp 45-50 học viên là người chăn nuôi, cán bộ hội nông dân.

Ông Hoan cho biết thêm, để hạn chế tối đa DTLCP xâm nhập vào địa bàn, huyện cần thành lập 5 chốt kiểm dịch động vật liên ngành. Cụ thể, 1 chốt trên quốc lộ 14C, ngăn chặn dịch từ huyện Tuy Đức, tỉnh Đắk Nông qua; 1 chốt ở cổng chào xã Đức Hạnh và 1 chốt ở cầu Phú Nghĩa, xã Phú Nghĩa ngăn chặn dịch từ thị xã Phước Long; 1 chốt trên đường ĐT760 ranh giới giữa xã Đường 10 và xã Phú Văn; 1 chốt trên đường ĐT759, đoạn qua cầu Sông Bé giáp ranh huyện Bù Đốp. Tuy nhiên, việc thành lập chốt kiểm dịch gặp nhiều khó khăn về nhân lực, bởi 1 đội liên ngành cần có ít nhất 5 người, gồm 1 cán bộ thú y, 1 công an, 1 quản lý thị trường và các lực lượng hỗ trợ khác. Chốt kiểm dịch được thực hiện 24/24 giờ, tức phải có 3 ca trực thay nhau, vì thế cần 15 người/chốt và nếu thực hiện 5 chốt thì tổng là 75 người. Với số lượng này, Bù Gia Mập rất khó khăn. Để thực hiện hiệu quả, quản lý chặt chẽ cả đầu vào và đầu ra cần có sự phối hợp lực lượng liên ngành của các huyện Tuy Đức, Bù Đăng, Bù Đốp và thị xã Phước Long. Nếu phối hợp tốt chỉ cần 4 chốt là đảm bảo. Bởi trên đường ĐT741 chỉ cần 1 chốt đặt tại khu vực gần cổng chào xã Đức Hạnh, thay vì phải đặt thêm 1 chốt nữa ở cầu Phú Nghĩa (đoạn từ cổng chào xã Đức Hạnh vào cầu Phú Nghĩa dài 1km thuộc thị xã Phước Long).

Vũ Thuyên

  • Từ khóa
62316

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu