Thứ 5, 25/04/2024 01:03:01 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

Kinh tế 07:59, 21/12/2019 GMT+7

Sau mùa “cà phê đắng”

Văn Đoàn
Thứ 7, 21/12/2019 | 07:59:00 318 lượt xem
BP - Mọi năm, vào đầu vụ nông dân phấn khởi vì giá cà phê nhân trung bình từ 35-40 ngàn đồng/kg trở lên. Nhưng mùa vụ năm nay, nông dân sống trong cảnh lo lắng vì giá cà phê quá thấp, thậm chí không đủ để chi trả tiền đầu tư và công chăm sóc.

GIAN TRUÂN SAU MÙA VỤ

Ngoài những cây trồng chủ lực như: điều, cao su, tiêu thì cà phê cũng là cây trồng chủ yếu của nông dân. Cà phê được trồng tập trung ở các địa bàn như: Bù Đăng, Bù Gia Mập và Đồng Phú với tổng diện tích khoảng 16 ngàn ha. Nhiều năm qua, vào đầu vụ mùa chưa có năm nào giá cà phê xuống thấp như năm nay. Theo tìm hiểu thị trường từ một số thương lái và nông dân trồng cà phê, hầu hết các vườn cà phê năm nay năng suất cao hơn niên vụ vừa qua. Tuy nhiên giá lại rất thấp, tính đến thời điểm hiện nay cà phê tươi chỉ còn 6.000 đồng/kg, cà phê nhân dao động từ 30-32 ngàn đồng/kg. Đây là giá sàn thấp nhất hơn 10 năm trở lại đây.

Ông Lê Văn Tấn ở thôn Sơn Hòa, xã Thọ Sơn (Bù Đăng) có hơn 13 năm trồng cà phê. Gia đình ông Tấn có 1,7 ha cà phê, niên vụ 2018 gia đình ông thu hơn 5 tấn cà phê nhân, bán giá 37 ngàn đồng/kg. Năm nay ông ước thu trên 7 tấn, thế nhưng giá chỉ còn 32 ngàn đồng/kg cà phê nhân. Ông Tấn cho biết: Từ khi gia đình trồng cà phê đến nay chưa năm nào giá thấp đến vậy. Cà phê là loại cây trồng khó tính, đòi hỏi vốn và công sức đầu tư lớn. Với giá như hiện nay, người trồng cà phê không có lời, từ đây bao gánh nặng, nợ nần sẽ đè lên đôi vai của nông dân.

Năm nay, sản lượng cà phê cao hơn niên vụ trước, nhưng hộ ông Lê Văn Tấn ở thôn Sơn Hòa, xã Thọ Sơn, huyện Bù Đăng vẫn gặp nhiều khó khăn khi giá bán cà phê quá thấp

“Nếu cứ giữ nguyên giá như vậy đến hết mùa, người trồng cà phê sẽ không có lời, không đủ công chăm sóc, công thu hoạch. Đời sống nông dân chỉ trông chờ vào cây trồng trên mảnh vườn của gia đình. Nếu giá cứ bấp bênh thế này, nông dân sẽ đối diện với muôn vàn khó khăn” - ông Tấn nói.

Khu 23, xã Đắk Nhau (Bù Đăng) là một trong những địa bàn vùng sâu, xa, đường đi khó khăn, thương lái thu mua chỉ 31 ngàn đồng/kg cà phê nhân. Giá thấp như vậy buộc nông dân phải dè sẻn, thắt chặt chi tiêu trong cuộc sống hằng ngày. Ngoài ra, để có tiền trang trải cuộc sống, nông dân phải tích cực đi làm thuê để kiếm thêm thu nhập. Với hơn 1,5 ha cà phê trồng xen điều cho thu hoạch năm thứ 4, anh Nông Văn Phương ở khu 23, cho biết: “Mọi năm, dù điều mất mùa, mất giá nhưng cà phê giá khá cao và ổn định nên có thể bù đắp lại. Năm nay cà phê giá thấp buộc gia đình tôi 5 người phải chi tiêu tiết kiệm, đồng thời vợ chồng thay nhau đi làm thuê kiếm thêm tiền lo cho các con ăn học. Không chỉ gia đình tôi, hầu hết những hộ trồng cà phê ở đây cũng sẽ gặp nhiều khó khăn sau mùa vụ này”.

NGUY CƠ GIẢM NĂNG SUẤT

Giá nông sản xuống thấp dẫn đến nguồn thu của nông dân giảm theo. Qua đó ảnh hưởng đến việc tái đầu tư cho cây trồng vụ mùa năm sau, nhất là các hộ dân tộc thiểu số.

Hộ anh Hoàng Văn Pảo là một trong những gia đình thuộc diện kinh tế khá giả ở thôn 2, xã Đức Liễu (Bù Đăng) nhờ chuyên canh với 2 ha cà phê và 2 ha điều. “Vụ năm trước, gia đình tôi thu hơn 10 tấn nhân, việc tái đầu tư để nâng cao năng suất là bình thường. Năm nay ước sản lượng cà phê sẽ cao hơn năm trước khoảng 1-2 tấn. Tuy nhiên, với giá bán thấp như hiện nay gia đình tôi buộc phải giảm chi phí đầu tư cho vườn cây để trang trải cuộc sống” - anh Pảo nói.

Với 2 ha cà phê trồng xen điều, như mọi năm ông Điểu VRên ở thôn Sơn Hòa, xã Thọ Sơn (Bù Đăng) thuê người hái với giá 1.000 đồng/kg cà phê tươi. Với giá bán 6.000 đồng/kg như hiện nay, sau khi trừ công hái thì chỉ còn 5.000 đồng/kg. Vì vậy, mùa vụ năm nay gia đình ông không dám thuê mà chỉ đổi công phụ nhau thu hoạch cà phê. Còn việc tái đầu tư cho vườn cây, ông Điểu VRên cho biết: “Cây cà phê đòi hỏi phải đầu tư nhiều tiền và công sức lao động. Với giá bán như vậy, cuộc sống gia đình sẽ rất khó khăn, vì vậy tôi chỉ đầu tư cầm chừng. Không có tiền thì bón ít phân lại, tưới tiêu, phun thuốc cũng giảm theo. Mong rằng thời gian tới giá cà phê lên cao hơn để chúng tôi có tiền trang trải cuộc sống và tái đầu tư cho niên vụ sau”.

Mặc dù vườn cà phê chưa chín đều nhưng nhiều hộ phải tranh thủ thu hoạch cả trái non lẫn trái già mà không quan tâm đến chất lượng. Có 7 sào cà phê 6 năm tuổi ven quốc lộ 14 thuộc thôn 2, xã Đoàn Kết (Bù Đăng), hiện chị Phạm Thị Lan hối hả thu hoạch những chùm cà phê đang trong quá trình chuyển màu chín đỏ, trong đó vẫn xen lẫn nhiều chùm xanh. Chị Lan cho biết: “Mọi năm tôi chờ cà phê chín đều rồi mới thuê người phụ thu hoạch 1 lần. Nhưng năm nay giá bán thấp, nếu thuê nhân công thì lỗ, vì vậy vợ chồng tôi tranh thủ tự thu hoạch để tiết kiệm chi phí”.

Giá cà phê xuống thấp dẫn đến người trồng dễ bị thua lỗ, không có vốn để tái đầu tư vườn cây. Trong khi nếu không đầu tư đúng mức thì năng suất mùa vụ năm sau sẽ giảm mạnh là điều đương nhiên. Vì vậy, người trồng cà phê mong các ngành chức năng có giải pháp hỗ trợ để có điều kiện tái đầu tư vườn cây trong hoàn cảnh khó khăn hiện nay.

  • Từ khóa
45227

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu