Thứ 3, 23/04/2024 16:20:26 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

Giáo dục 08:45, 16/07/2013 GMT+7

Tạo tiền đề đổi mới, nâng cao chất lượng giáo dục

Thứ 3, 16/07/2013 | 08:45:00 235 lượt xem
Năm học 2012 - 2013 mới là năm đầu toàn ngành giáo dục và đào tạo (GD và ÐT) triển khai thực hiện Kết luận số 51-KL/T.Ư ngày 29-10-2012 của Hội nghị lần thứ 6, Ban Chấp hành T.Ư Ðảng khóa XI về "Ðổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo, đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa trong điều kiện kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế". Ðiều đó đòi hỏi toàn ngành GD và ÐT cũng như mỗi thầy giáo, cô giáo đều phải nỗ lực không ngừng nâng cao chất lượng dạy và học.

Giờ học của học sinh Trường tiểu học Khương Mai (Hà Nội).
Giờ học của học sinh Trường tiểu học Khương Mai (Hà Nội)

Ða dạng đổi mới phương pháp dạy và học

Trong dạy và học, việc đổi mới phương pháp có vai trò quan trọng nâng cao chất lượng giáo dục. Theo Bộ GD và ÐT, năm học vừa qua, công tác đổi mới phương pháp dạy học được triển khai rộng khắp. Việc tăng cường chỉ đạo đổi mới quản lý hoạt động chuyên môn trong nhà trường, nhất là đổi mới sinh hoạt tổ, nhóm chuyên môn trong công tác dự giờ, rút kinh nghiệm và xây dựng kế hoạch dạy học được các trường triển khai rộng rãi. Ngoài ra, ngành GD và ÐT  triển khai thí điểm các mô hình trường học mới, đổi mới đồng bộ phương pháp dạy học và kiểm tra đánh giá kết quả giáo dục, tạo nên những thay đổi chất lượng ở các trường phổ thông. Ðáng chú ý, trong hoạt động quản lý chuyên môn, cơ quan quản lý giáo dục trao quyền cho nhà trường và giáo viên chủ động xây dựng kế hoạch dạy học phù hợp, tạo điều kiện thuận lợi cho việc áp dụng các phương pháp và hình thức tổ chức dạy học tích cực, hiện đại. Triển khai việc giảm tải, đổi mới nội dung dạy học, kiểm tra, đánh giá và thi.

Công tác đổi mới thi, kiểm tra, đánh giá cũng là "điểm nút" quan trọng trong việc nâng cao chất lượng giáo dục. Nhất là việc đổi mới phương pháp ra đề, cách thức đánh giá năng lực, nhận thức, trình độ học sinh có những thay đổi đáng kể. Ðiển hình như  kỳ thi tốt nghiệp THPT, việc đổi mới cách ra đề thi (nhất là các môn tự luận) theo hướng "mở" và gắn với các vấn đề thời sự của đất nước, qua đó giảm bớt yêu cầu học sinh học thuộc lòng, phát huy tính sáng tạo, khả năng tổng hợp kiến thức thực tiễn và khả năng bày tỏ chính kiến của mình. Ðề thi mở của môn Ngữ văn đã đem lại kết quả là nhiều bài làm của học sinh mang đầy cảm xúc, tạo nên sự lay động không chỉ cho học sinh, cho cả các thầy giáo, cô giáo và người lớn. Không còn chỉ là bài thi, đây là một bài học bổ ích. Từ thay đổi trong cách thi dẫn đến thay đổi cách dạy, cách  học trong nhà trường. Các cơ sở giáo dục cũng như mỗi thầy giáo, cô giáo tích hợp các nội dung vào các môn học có hiệu quả. Ngoài ra, việc triển khai thực hiện nội dung giáo dục địa phương giúp cho nội dung học tập của học sinh không bị nặng nề, cứng hóa. Ðáng chú ý, ngoài việc nghiên cứu, áp dụng chọn lọc phương pháp giảng dạy tiên tiến, đổi mới đồng bộ phương pháp dạy học và kiểm tra đánh giá học sinh, để nâng cao chất lượng, trong hoạt động dạy và học còn có những diễn đàn trao đổi, tạo nhiều sân chơi trí tuệ cho học sinh và tăng cường các hoạt động giao lưu giáo viên dạy giỏi, các hình thức, phương pháp giáo dục toàn diện trong và ngoài nhà trường. Ngoài ra, các cơ sở giáo dục vận dụng kiến thức liên môn giải quyết các vấn đề thực tiễn; triển khai các biện pháp tích cực để duy trì và nâng cao tỷ lệ đạt chuẩn phổ cập giáo dục các cấp.

Từng bước nâng cao chất lượng đội ngũ

Cùng với đổi mới phương pháp, việc phát triển số lượng và nâng cao chất lượng đội ngũ cũng là yếu tố quan trọng nâng cao chất lượng giáo dục.  Ở phần lớn các địa phương, việc triển khai thực hiện quy hoạch phát triển nhân lực ngành giáo dục, gắn với xây dựng và triển khai thực hiện đề án quy hoạch đội ngũ giáo viên, cán bộ quản lý cơ sở giáo dục các cấp tạo điều kiện thuận lợi nâng cao chất lượng đội ngũ nhà giáo, cán bộ quản lý giáo dục. Ngoài ra, các cơ sở giáo dục cũng triển khai thực hiện đánh giá giáo viên và cán bộ quản lý giáo dục theo chuẩn nghề nghiệp giáo viên, chuẩn hiệu trưởng các cấp và chuẩn giám đốc trung tâm giáo dục thường xuyên; sử dụng kết quả đánh giá theo chuẩn để sàng lọc, đánh giá lại đội ngũ và xác định nhu cầu bồi dưỡng, nâng cao năng lực cho đội ngũ.

Mặt khác, công tác đánh giá nhu cầu bồi dưỡng và tổ chức bồi dưỡng giáo viên các cấp, góp phần quan trọng trong việc nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ của đội ngũ cũng được chú trọng. Các hoạt động thực hiện chế độ, chính sách cho đội ngũ giáo viên và tuyển chọn giáo viên là người dân tộc thiểu số,  bảo đảm chất lượng đào tạo và chuẩn nghề nghiệp giáo viên mầm non được chú trọng. Ngoài ra, trong hoạt động của các cơ sở giáo dục đã ưu tiên đổi mới việc sinh hoạt tổ chuyên môn theo hướng tăng cường trao đổi, thảo luận về các chủ đề, nội dung giảng dạy, rút kinh nghiệm, tháo gỡ những khó khăn vướng mắc trong giảng dạy. Tổ chức cho giáo viên tham gia nghiên cứu khoa học sư phạm ứng dụng, viết sáng kiến kinh nghiệm phục vụ giảng dạy; quan tâm xây dựng đội ngũ giáo viên cốt cán trong mỗi bộ môn, mỗi cơ sở giáo dục, mỗi cấp học ở địa phương; xây dựng mạng lưới đội ngũ giáo viên cốt cán toàn quốc. Thực hiện đầy đủ và kịp thời các chính sách đối với nhà giáo; nhất là giáo viên mầm non, giáo viên đang công tác tại khu vực miền núi và vùng đặc biệt khó khăn. Ngành GD và ÐT đưa ra các cơ chế, chính sách nhằm tạo động lực phấn đấu cho nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục đang công tác và thu hút người giỏi về quản lý, giảng dạy ở những vùng khó khăn. Nâng cao hiệu quả công tác bồi dưỡng nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ cho đội ngũ giáo viên, cán bộ quản lý và nhân viên; đánh giá giáo viên và cán bộ quản lý theo chuẩn bảo đảm khách quan, công bằng qua kết quả tự bồi dưỡng thường xuyên và đóng góp thực tế với nhà trường ngành GD và ÐT. Vì vậy, đội ngũ giáo viên và cán bộ quản lý giáo dục có ý thức chính trị và phẩm chất đạo đức nghề nghiệp, tích cực học tập, bồi dưỡng nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ, đáp ứng yêu cầu thực tiễn nâng cao chất lượng GD và ÐT phát triển kinh tế - xã hội đất nước.

Ðến tháng 5-2013, cả nước có 28.770 trong tổng số 42.769 trường hoàn thành tự đánh giá; 10.096 cán bộ được tập huấn đánh giá ngoài; xây dựng và đưa vào sử dụng phần mềm kiểm định chất lượng trường mầm non.

Năm học 2012-2013, toàn quốc có 13.741 trường mầm non (tăng 404 trường so với năm học trước); 15.361 trường tiểu học (tăng 24 trường); 10.647 trường THCS (tăng 37 trường) và 2.708 trường THPT (tăng 39 trường); 300 trường PTDTNT.

Tính đến tháng 6-2013, có 61 tỉnh, thành phố đạt chuẩn phổ cập giáo dục tiểu học đúng độ tuổi.

(Theo NDĐT)

  • Từ khóa
83287

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu