Thứ 4, 24/04/2024 08:15:51 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

Chính trị 08:37, 03/12/2016 GMT+7

Tạo sự đồng thuận từ điều tra, nắm bắt và định hướng dư luận xã hội

Thứ 7, 03/12/2016 | 08:37:00 1,670 lượt xem
BP - Công tác điều tra, nắm bắt, nghiên cứu dư luận xã hội rất cần thiết, nhằm phục vụ trực tiếp công tác lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp ủy đảng, chính quyền, góp phần tích cực vào việc thực hiện thắng lợi nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội của địa phương. Liên quan đến vấn đề này, phóng viên Báo Bình Phước phỏng vấn đồng chí Nguyễn Thị Minh Nhâm, Tỉnh ủy viên, Phó trưởng ban thường trực Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy.

34 cộng tác viên dư luận xã hội cấp tỉnh được trao thẻ tại lễ công bố quyết định công nhận tháng 9-2016 - Ảnh: Ngọc Tú34 cộng tác viên dư luận xã hội cấp tỉnh được trao thẻ tại lễ công bố quyết định công nhận tháng 9-2016 - Ảnh: Ngọc Tú

P.V: Trong giai đoạn hiện nay, nắm bắt tư tưởng, tâm trạng của nhân dân hình thành các luồng dư luận tích cực, tạo sự đồng thuận xã hội là vấn đề được Đảng và Nhà nước ta đặc biệt quan tâm, đồng chí cho biết tầm quan trọng của công tác này?

Đồng chí Nguyễn Thị Minh Nhâm: Công tác điều tra, nắm bắt, nghiên cứu dư luận xã hội được các cấp ủy đảng rất quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo. Thời gian gần đây, công tác này được đặc biệt quan tâm hơn bởi 2 lý do chủ yếu.

Thứ nhất: Công tác nghiên cứu, nắm bắt dư luận xã hội trong cả nước nói chung và ở Bình Phước nói riêng đang từng bước có nhiều đổi mới, phục vụ trực tiếp, hiệu quả và thiết thực cho công tác lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp ủy đảng, chính quyền. Công tác này giúp cấp ủy đảng có những thông tin tin cậy về tình hình tư tưởng, tâm trạng xã hội trong cán bộ, đảng viên và nhân dân đối với các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước và những vấn đề chính trị - xã hội, để từ đó có những quyết sách lãnh đạo đúng đắn. Trong những năm gần đây, sau mỗi đợt khảo sát dư luận xã hội, Ban tuyên giáo cấp tỉnh, huyện đều tham mưu cho cấp ủy có văn bản chỉ đạo giải quyết, định hướng tư tưởng.

Năm 2014, Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy đã tổ chức một đợt khảo sát dư luận xã hội ở huyện Đồng Phú về Dự án khu đô thị - dịch vụ - công nghiệp Đồng Phú giữa lúc dư luận đang là “tâm bão”. Sau khảo sát, Tỉnh ủy đã có văn bản chỉ đạo đối với UBND tỉnh và ban đã tham mưu cho đồng chí Phó bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh các văn bản thông báo, nội dung định hướng tư tưởng liên quan đến dự án này. Việc này cũng đã từng được thực hiện với việc triển khai Chỉ thị số 1685/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ về bảo vệ rừng, ngăn chặn tình trạng phá rừng và chống người thi hành công vụ năm 2011, hay gần đây nhất là các thành tựu 20 năm tái lập tỉnh. Tỉnh ủy đã có rất nhiều văn bản chỉ đạo về công tác của HĐND các cấp, văn hóa - xã hội, về các hội nghị đối thoại doanh nghiệp, việc tổ chức đại hội đảng các cấp... sau khảo sát dư luận xã hội của Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy.

Như vậy, công tác nắm bắt, định hướng dư luận xã hội là một khâu quan trọng, cần thiết trong xây dựng, ban hành, tổ chức thực hiện, đánh giá kết quả triển khai các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước. Từ đó, đã có sự chuyển biến rất tích cực trong nhận thức của các cấp ủy đảng về vị trí, vai trò của công tác dư luận xã hội.

Thứ hai: Thực tiễn phát triển kinh tế - xã hội đang nảy sinh nhiều vấn đề về an ninh tư tưởng, bức xúc trong nhân dân cần tập trung lãnh đạo, chỉ đạo giải quyết nhanh. Quá trình dân chủ hóa đời sống xã hội đòi hỏi cấp ủy các cấp cần nắm được dư luận xã hội để lãnh đạo, chỉ đạo cho phù hợp với tâm tư, nguyện vọng của người dân; định hướng tư tưởng, dư luận xã hội để tạo sự đồng thuận với các chủ trương, chính sách của cấp ủy, chính quyền và tổ chức thực hiện có hiệu quả.

P.V: Thưa đồng chí, việc thành lập mạng lưới cộng tác viên dư luận xã hội có phải là điểm mới trong công tác nắm bắt, định hướng dư luận xã hội?

Đồng chí Nguyễn Thị Minh Nhâm: Ban Tuyên giáo Trung ương và một số tỉnh, thành đã triển khai thành lập mạng lưới cộng tác viên dư luận xã hội nhiều năm qua và hoạt động rất hiệu quả.

Riêng tỉnh Bình Phước, việc thành lập đội ngũ cộng tác viên dư luận xã hội là sự quan tâm, trăn trở đã lâu của Ban Thường vụ Tỉnh ủy, kể từ khi Tỉnh ủy ban hành các chỉ thị, quyết định năm 2013 có liên quan đến hoạt động nắm bắt, định hướng dư luận xã hội như Chỉ thị số 19-CT/TU ngày 7-1-2013 “Về việc tăng cường công tác đấu tranh phòng chống suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống trong nội bộ Đảng; chống “diễn biến hòa bình” trên địa bàn tỉnh”. Tuy nhiên, phải đến khi có kết luận của Ban Bí thư và hướng dẫn của Ban Tuyên giáo Trung ương, Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy mới có đủ cơ sở để tham mưu Tỉnh ủy chỉ đạo thành lập cộng tác viên dư luận xã hội ở cấp tỉnh và cấp huyện. Tỉnh ta thành lập muộn hơn nên có cơ hội để học hỏi kinh nghiệm từ các tỉnh đi trước.

P.V: Vậy cộng tác viên là ai, họ phải làm gì để nắm bắt dư luận xã hội, thưa đồng chí?

Đồng chí Nguyễn Thị Minh Nhâm: Ngày 18-8-2016, Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã có quyết định công nhận 34 cộng tác viên dư luận xã hội cấp tỉnh. Các huyện, thị ủy thành lập đội ngũ cộng tác viên dư luận xã hội ở cấp mình. Đây là những cán bộ, đảng viên đang làm việc, sinh hoạt tại các địa phương, tổ chức, cơ quan, đơn vị hoặc cá nhân đại diện cho các giai tầng trong xã hội; có nhiệm vụ kịp thời nắm bắt, tập hợp, phản ánh tâm tư, tình cảm, nguyện vọng của các tầng lớp nhân dân về những vấn đề có tính thời sự trong tỉnh, trong nước, các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước và của tỉnh, đề xuất các giải pháp xử lý và tham gia giải thích, định hướng vấn đề dư luận quan tâm, các vấn đề nổi cộm trong triển khai các dự án phát triển kinh tế - xã hội.

Nhiệm vụ của cộng tác viên dư luận xã hội là phải lắng nghe, nắm bắt dư luận xã hội, phản ánh dư luận khách quan, trung thực, đầy đủ; kiến nghị, đề xuất các giải pháp góp phần định hướng dư luận xã hội.

Với nhiệm vụ và yêu cầu cao như vậy, mỗi cộng tác viên dư luận xã hội phải có nhiều tiêu chuẩn về chính trị, đạo đức, uy tín, tinh thần trách nhiệm, có kỹ năng tiếp xúc, lắng nghe, phản ánh ý kiến của nhân dân; có trình độ chuyên môn; có đủ sức khỏe và tự nguyện tham gia cộng tác viên dư luận xã hội.

P.V: Tại Bình Phước, việc nắm bắt, nghiên cứu xã hội có thuận lợi và khó khăn gì, thưa đồng chí?

Đồng chí Nguyễn Thị Minh Nhâm: Thuận lợi là công tác nắm bắt, nghiên cứu dư luận xã hội trên địa bàn tỉnh được sự quan tâm chỉ đạo sâu sát về mặt chủ trương của Tỉnh ủy trong các văn bản chỉ đạo. Ngành tuyên giáo đã có kinh nghiệm thực hiện rất hiệu quả và chủ động trong công tác tham mưu cấp ủy chỉ đạo giải quyết sau khảo sát dư luận xã hội. Đồng thời có sự ủng hộ, phối hợp của các cơ quan, ban, ngành, đặc biệt là sự ủng hộ, hợp tác và giúp đỡ của nhân dân.

Tuy nhiên, một số cấp ủy, chính quyền, đoàn thể chưa nhận thức đầy đủ về vị trí, vai trò của công tác dư luận xã hội; chưa chủ động nắm bắt tình hình tư tưởng, dư luận xã hội, thông tin và báo cáo lên cấp trên còn chậm, ảnh hưởng đến tình hình an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội. Một số dự án trọng điểm trước khi ban hành hoặc sau một thời gian thực hiện không tiến hành điều tra, nắm bắt dư luận xã hội. Công tác điều tra có lúc, có nơi chưa đảm bảo tính đại diện nên độ tin cậy chưa cao, thiếu tính phát hiện, dự báo.

Để công tác dư luận xã hội trong thời gian tới đạt hiệu quả, Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy xác định cần quản lý, điều hành tốt hoạt động của đội ngũ cộng tác viên dư luận xã hội. Hướng dẫn nghiệp vụ chuyên sâu về nghiên cứu dư luận xã hội. Luôn quán triệt quan điểm: Lắng nghe dư luận xã hội, không bỏ qua bất kỳ thông tin nào, kể cả các luồng dư luận trái chiều, tiêu cực để kịp thời giải quyết, định hướng tư tưởng.

Trân trọng cảm ơn đồng chí!

Hồng Cúc (thực hiện)

  • Từ khóa
1302

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu