Thứ 4, 24/04/2024 20:17:01 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

Xã hội 13:45, 10/01/2019 GMT+7

Tạo điểm tựa để người mù vươn lên

Thứ 5, 10/01/2019 | 13:45:00 275 lượt xem
BP - Thực hiện tốt công tác bảo trợ xã hội, hỗ trợ dạy nghề, tạo việc làm, điều kiện vay vốn sản xuất - kinh doanh, khám chữa bệnh miễn phí... là những việc làm ý nghĩa thiết thực của cấp ủy, chính quyền và các cấp hội người mù trong tỉnh nhằm tạo điểm tựa giúp người mù vơi bớt khó khăn, vươn lên ổn định cuộc sống.

GIÚP NGƯỜI MÙ HÒA NHẬP

Đến nay, 11/11 huyện, thị xã, thành phố trong tỉnh đã thành lập hội người mù với 1.368 hội viên; trong đó có 591 hội viên nam và 777 hội viên nữ. Thực hiện Chỉ thị số 51-CT/TW của Ban Bí thư Trung ương Đảng khóa VI về giúp đỡ Hội Người mù Việt Nam, Hội Người mù tỉnh đã được cấp ủy đảng, chính quyền, cơ quan, ban, ngành, đoàn thể, tổ chức, cá nhân và các tầng lớp nhân dân tham gia giúp đỡ, cải thiện đời sống cả về vật chất lẫn tinh thần, nâng cao chất lượng cuộc sống của người không may mắn. Sự thay đổi về nhận thức xã hội đã giúp người mù tự tin và chủ động hòa nhập đời sống xã hội ngày càng tốt hơn; đồng thời từng bước giảm dần rào cản, tạo động lực để những người không may mắn phát huy năng lực, vươn lên hòa nhập, đóng góp nhiều hơn cho xã hội và trợ giúp thiết thực người cùng hoàn cảnh.

Những năm qua, công tác bảo trợ xã hội cho người mù trên địa bàn tỉnh được thực hiện đúng quy định của Chính phủ. Từ tháng 5-2018, việc trợ cấp thường xuyên cho người mù tại cộng đồng được thực hiện thông qua hệ thống bưu điện. Đến hết năm 2018, toàn tỉnh có 950 người mù được trợ cấp hằng tháng. Ngoài trợ cấp thường xuyên, từ xác định mức độ khuyết tật nặng và đặc biệt nặng, người mù còn được trợ cấp đột xuất tại cộng đồng khi bị thiếu đói, tai nạn, thương tích bất khả kháng và hỗ trợ 300 ngàn đồng/người vào Ngày người khuyết tật Việt Nam (18-4), hỗ trợ 400 ngàn đồng/người dịp tết Nguyên đán. Từ ngày 1-8-2013, mức hỗ trợ hội người mù trên địa bàn tỉnh cũng được UBND tỉnh điều chỉnh phù hợp với tình hình thực tế. Cụ thể, ở cấp tỉnh: chủ tịch hội điều chỉnh từ 3,0 lên 4,0 lần mức lương tối thiểu chung; phó chủ tịch từ 2,7 lên 3,5 lần; ủy viên thư ký từ 2,5 lên 3,0 lần. Cấp huyện cũng điều chỉnh theo mức: chủ tịch hội từ 2,7 lên 3,4 lần; phó chủ tịch từ 2,5 lên 2,9; cán bộ giúp việc cho hội nhưng không hưởng lương, điều chỉnh từ 2,0 lên 2,3 lần mức lương tối thiểu chung.

Vợ chồng anh La Hiếu Lâm và chị Nguyễn Thị Loan - hội viên Hội Người mù thành phố Đồng Xoài mưu sinh bằng nghề bán chổi - Ảnh: Nhã Trâm

Toàn tỉnh có trên 50 cán bộ, hội viên được học máy vi tính phần mềm hỗ trợ âm thanh và dùng được chữ nổi, sử dụng máy vi tính vào công việc. Phần kinh phí đào tạo này do ngân sách địa phương và ngành GD-ĐT tỉnh cấp gần 300 triệu đồng. Bên cạnh đó, 15 trẻ em bị mù trong độ tuổi đi học được gửi về trường học dành riêng cho người khiếm thị tại TP. Hồ Chí Minh. Hiện đã có em học năm thứ 2 Đại học Khoa học xã hội và nhân văn thuộc Đại học Quốc gia TP. Hồ Chí Minh. Có 5 trẻ bị mù cũng đang được dạy chữ braille tại cơ sở hội.

TẠO SINH KẾ ỔN ĐỊNH CUỘC SỐNG

Từ sự hỗ trợ của Nhà nước và ngân sách tỉnh, Hội Người mù tỉnh đã tổ chức các loại hình sản xuất như làm tăm tre, chổi bông cỏ, tập trung ở các huyện, thị xã, thành phố, thu hút 200 lượt hội viên học nghề. Đồng thời, tổ chức đào tạo cho 26 hội viên học nghề xoa bóp, ấn huyệt, hồi phục sức khỏe, thành lập 4 cơ sở xoa bóp tạo việc làm cho 16 kỹ thuật viên với thu nhập bình quân 3 triệu đồng/người/tháng; doanh thu hằng năm trên 120 triệu đồng.

Hội cũng đã triển khai cho người mù vay vốn Quỹ Quốc gia về giải quyết việc làm, kết hợp cùng gia đình, người thân giải quyết cho 1.472 lượt người vay trên 10 tỷ đồng (tính cả vốn thu hồi quay vòng cho vay lại). Nhờ nguồn vốn vay, nhiều hộ người mù đã thoát nghèo, vươn lên làm chủ cuộc sống. Điển hình như Hội Người mù thành phố Đồng Xoài đến nay, trên 90% hội viên trong độ tuổi lao động có việc làm ổn định; từ 27 hội viên người mù nghèo năm 2017, hội đã giảm được 25 hội viên. Hiện nay, Tỉnh hội người mù đang quản lý số vốn 1.966 triệu đồng, trong đó kênh Trung ương Hội 866 triệu đồng, còn lại là kênh địa phương...

CẦN SỰ CHUNG TAY CỦA TOÀN XÃ HỘI

Dù ngân sách Trung ương đã dành nguồn kinh phí trợ cấp người mù theo quy định nhưng vẫn còn thấp so với điều kiện chung của xã hội. Đây cũng là một trong những kiến nghị của tỉnh đối với Trung ương, từng bước góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống người mù. Bên cạnh đó, việc xây dựng, sửa chữa, cải tạo những công trình công cộng, đường giao thông để người mù dễ tiếp cận, sử dụng còn nhiều hạn chế, nhất là ở khu vực nông thôn trong tỉnh.

Qua tìm hiểu được biết, đến nay, Bình Phước vẫn chưa có trường chuyên biệt công lập dành cho học sinh là người mù. Đặc biệt, hầu hết các trường phổ thông chưa bảo đảm điều kiện cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy - học cho học sinh là trẻ bị mù tham gia giáo dục hòa nhập. Phần lớn cán bộ quản lý, giáo viên dạy học sinh là trẻ em mù chưa được đào tạo, bồi dưỡng kiến thức, kỹ năng, nghiệp vụ chuyên môn về giáo dục hòa nhập đối với học sinh khuyết tật. Mặc dù tỷ lệ hộ nghèo trong hội viên người mù giảm đáng kể nhưng nhìn chung đời sống hội viên người mù so với mặt bằng chung của xã hội còn gặp nhiều khó khăn. Do đó, rất cần sự chung tay của toàn xã hội trong việc tạo điều kiện để đối tượng này có thể sống bằng chính sức lao động của mình, vươn lên ổn định cuộc sống.

Thanh Ngọc

  • Từ khóa
61725

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu