Thứ 4, 24/04/2024 14:10:08 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

Kinh tế 14:06, 12/12/2017 GMT+7

Tạo cơ hội từ vốn ngân hàng chính sách

Thứ 3, 12/12/2017 | 14:06:00 73 lượt xem
BP - Những năm qua, từ sự hỗ trợ của Nhà nước qua chương trình vốn vay ưu đãi, nhiều học sinh, sinh viên (HSSV) hoàn cảnh khó khăn đã thực hiện được ước mơ vào đại học và có việc làm ổn định; nhiều gia đình, thanh niên thoát nghèo, ổn định cuộc sống.

“Phao cứu sinh” cho ước mơ đến trường

Gia đình bà Nguyễn Thị Cam, ngụ ấp 4, xã Tân Thành (Đồng Xoài) là hộ nghèo, đất sản xuất ít. Từ nhỏ các con bà là Trần Thúy Hằng, Trần Thiếu Hùng, Trần Thu Hường có cuộc sống rất khó khăn, thiếu thốn. Với ý chí và nghị lực vươn lên, vợ chồng bà quyết tâm thay đổi cuộc sống các con bằng cách tạo điều kiện thật tốt để con học cao hơn, sau này tìm được việc làm ổn định, lo cho bản thân và gia đình. Ngày Hằng nhận giấy báo đậu đại học, bà Cam vừa mừng vừa lo. Mừng vì con đã cố gắng học tập và có kết quả tốt; lo vì cha mẹ quá vất vả bươn chải cuộc sống hằng ngày còn phải kiếm tiền nuôi 3 con ăn học. Trong lúc túng thiếu, chưa biết bấu víu vào đâu thì nguồn vốn vay tín dụng ưu đãi dành cho HSSV đã đến với gia đình bà Cam như một chiếc phao cứu sinh. Sau 4 năm theo học trường y, Hằng đã tốt nghiệp ngành Y sĩ đa khoa. Em đang làm việc tại Cơ sở nha khoa Việt Mỹ (Đồng Xoài) và đã trả hết nợ ngân hàng. 2 người em của Hằng cũng được ngân hàng chính sách xã hội cho vay vốn để thực hiện ước mơ vào đại học. 2 em đang học tại Trường đại học Lạc Hồng và Đại học Tôn Đức Thắng, TP. Hồ Chí Minh.

Cơ sở trồng nấm của anh Đặng Quang Trung được hỗ trợ từ nguồn vốn chương trình nước sạch và vệ sinh môi trường và Quỹ quốc gia về việc làm

Vẫn không thể quên được thời gian khó khăn và vất vả mà gia đình đã trải qua, bà Cam cho biết: “Tôi mừng đến phát khóc khi cầm giấy báo cháu Hằng đậu trường y. Trước đây, gia đình tôi thuộc hộ nghèo của xã, kinh tế khó khăn, ăn chẳng đủ đâu dám mơ ước con cái học đại học. Không ngờ, được bà con lối xóm quan tâm đề cử, hội phụ nữ và ban điều hành ấp hướng dẫn, tôi được vay vốn ưu đãi tín dụng HSSV để cho 3 cháu theo học đại học. Gia đình tôi còn được ngân hàng chính sách hỗ trợ vay vốn giải quyết việc làm phát triển kinh tế. Từ đồng vốn ấy, tôi mua bò về chăn nuôi, đến nay gia đình đã thoát nghèo”.

Cũng nhờ có vốn vay hỗ trợ HSSV học tập mà các con của bà Nguyễn Thị Thắm (1959) ở ấp 4, xã Tân Thành đã thành đạt. Từ huyện Kiến Xương, tỉnh Thái Bình vào Bình Phước xây dựng kinh tế mới, năm 2003 chồng mất, để lại cho bà 6 người con nhỏ. Do hoàn cảnh quá khó khăn, người con trai đầu của bà Thắm phải nghỉ học phụ giúp mẹ nuôi các em ăn học. Đang lúc túng bấn nhất, bà Thắm được ngân hàng chính sách xã hội cho vay vốn, đã giúp người phụ nữ nghèo thực hiện được ước nguyện cho 5 người con vào đại học. Hiện 4 người đã ra trường và có việc làm, thu nhập ổn định. Gia đình bà Thắm đã thoát nghèo vươn lên khá giả.

Hộ ông Dương Văn Tiến (1954) và bà Hoàng Thị Văn ở xóm Bàu Sông, xã Tân Thành  là người dân tộc thiểu số. Vào Bình Phước năm 1986, không có đất sản xuất, ông bà phải đi làm thuê và khai hoang rìa các con suối để lấy đất canh tác. Cuộc sống càng khó khăn hơn khi người con trai út của ông, bà mắc bệnh tim. Năm 2005, vì cần tiền phẫu thuật tim cho con nên vợ chồng ông phải bán đất sản xuất dẫn đến kinh tế gia đình kiệt quệ. Nhờ được ngân hàng chính sách xã hội hỗ trợ cho vay vốn HSSV, 3 người con của ông bà thực hiện được mơ ước vào đại học và hiện gia đình đã thoát nghèo.

đổi đời làm chủ trang trại

Từ một thanh niên lái xe thuê, anh Đặng Quang Trung đã vươn lên đổi đời thành chủ cơ sở trồng nấm có thu nhập cao ở ấp 6, xã Tân Thành. Ngày đầu gây dựng trại nấm chỉ với 2 sào đất, anh Trung gặp không ít khó khăn. Được vay vốn từ chương trình nước sạch và vệ sinh môi trường và Quỹ quốc gia về việc làm, anh Trung đã đầu tư khoan giếng, dựng trại, cộng thêm sự giúp đỡ của người thân, trang trại nấm của anh đã phát triển. Anh Trung cho biết: “Mỗi ngày trại xuất bán từ 70-85kg nấm bào ngư, thu về khoảng 2 triệu đồng”. Để tăng thêm giá trị kinh tế, cùng với nấm bào ngư anh Trung còn mở rộng diện tích trồng nấm mèo và tự sản xuất bịch phôi giống các loại. Hiện bình quân cơ sở của anh Trung sản xuất khoảng 2.000 bịch phôi giống/ngày; tạo việc làm cho 6 lao động thường xuyên và nhiều lao động thời vụ với thu nhập khoảng 5 triệu đồng/người/tháng. “Tôi cần thêm vốn xây dựng trang trại, mở rộng sản xuất, rất mong Nhà nước có chính sách hỗ trợ thanh niên khởi nghiệp” - anh Trung nói.

Chủ tịch HĐND xã Tân Thành Bùi Xuân Lợi cho biết: Nhờ các chính sách tín dụng ưu đãi mà nhiều hộ nghèo, sinh viên hoàn cảnh khó khăn ở xã Tân Thành đã cải thiện cuộc sống, vươn lên thoát nghèo, có điều kiện đến trường. Họ đã sử dụng đồng vốn rất hiệu quả trong học tập, phát triển kinh tế. Xã Tân Thành đã tặng giấy khen “gia đình hiếu học” cho hộ bà Cam, bà Thắm. Đặc biệt, anh Đặng Quang Trung là gương điển hình về vượt khó, vươn lên làm giàu cho bản thân, gia đình và xã hội.

Sỹ Hòa

  • Từ khóa
42320

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu