Thứ 6, 19/04/2024 05:42:17 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

Pháp luật 15:03, 10/07/2019 GMT+7

Tạo cơ hội tái hòa nhập cho người chấp hành xong án phạt tù

Thứ 4, 10/07/2019 | 15:03:00 1,897 lượt xem
BP - Tái hòa nhập cộng đồng đối với người chấp hành xong án phạt tù là quá trình khó khăn không chỉ bản thân người được tha tù mà cả gia đình họ, nếu vẫn còn những định kiến, kỳ thị, phân biệt đối xử và một số chính sách khác chưa được thực thi đến nơi, đến chốn. Công tác này không thuộc trách nhiệm của riêng một cơ quan, đơn vị nào mà đòi hỏi sự chung tay, vào cuộc quyết liệt, mạnh mẽ của toàn xã hội mới đem lại kết quả thiết thực.

Phối hợp thiếu chặt chẽ

Theo số liệu của UBND tỉnh, toàn tỉnh hiện có 1.925 người chấp hành xong án phạt tù trở về địa phương sinh sống, gồm cả người được tha tù trước thời hạn có điều kiện đã hết thời gian thử thách và người chấp hành xong quyết định đưa vào trường giáo dưỡng, cơ sở giáo dục bắt buộc. Trong đó, 1.516 người đã có việc làm.

Hiện nay, nhiều văn bản pháp luật mới có hiệu lực thể hiện chính sách hình sự khoan hồng, nhân đạo của Đảng, Nhà nước đối với người đang chấp hành án phạt tù tại các cơ sở giam giữ. Do vậy, dự báo số đối tượng được tha tù trở về địa bàn Bình Phước sinh sống sẽ gia tăng trong thời gian tới, tiềm ẩn nguy cơ các đối tượng này tái phạm tội, gây phức tạp an ninh trật tự trên địa bàn nếu không có giải pháp cụ thể, không có sự vào cuộc quyết liệt của các cấp, ngành, đoàn thể chung tay, phối hợp giúp đỡ họ tái hòa nhập cộng đồng.

Nữ phạm nhân Trại giam An Phước (Tổng cục VIII, Bộ Công an) tham gia lao động, chuẩn bị tái hòa nhập cộng đồng - Ảnh: Hoàng Thu

Bên cạnh đó, quá trình thực hiện công tác tái hòa nhập cộng đồng trên địa bàn tỉnh trong thời gian qua còn bộc lộ những tồn tại, hạn chế như: Sự phối hợp của các sở, ban, ngành, UBND các cấp trong chỉ đạo, hướng dẫn thực hiện thiếu chặt chẽ, có dấu hiệu bỏ ngỏ không thực hiện hoặc chỉ thực hiện trên văn bản; một số sở, ngành chức năng chậm triển khai thực hiện nhiệm vụ được phân công tại Kế hoạch số 14/KH-UBND ngày 21-1-2019 của UBND tỉnh về triển khai thực hiện các biện pháp bảo đảm tái hòa nhập cộng đồng đối với người chấp hành xong án phạt tù; thiếu cơ chế, chính sách khuyến khích, huy động các nguồn lực từ cộng đồng xã hội tham gia hỗ trợ, giúp đỡ người chấp hành xong án phạt tù; nguồn kinh phí để thực hiện các biện pháp bảo đảm tái hòa nhập cộng đồng đối với người chấp hành xong án phạt tù chưa được quan tâm, đầu tư đúng mức. Ngoài việc những người chấp hành xong án phạt tù về địa phương còn tâm lý mặc cảm, tự ti thì trong xã hội vẫn còn nhiều người có thái độ định kiến, kỳ thị đối với họ...

Phân thành 4 nhóm để hỗ trợ, giúp đỡ

Trước tình hình thực tế, ngày 2-7-2019, Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Văn Trăm đã ký Công văn số 1850/UBND-NC yêu cầu các sở, ban, ngành, đoàn thể, UBND huyện, thị xã, thành phố triển khai ngay các biện pháp để công tác tái hòa nhập cộng đồng đem lại hiệu quả thiết thực.

Theo đó, Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu Công an tỉnh chỉ đạo công an cấp huyện tổ chức thực hiện và hướng dẫn công an xã tham mưu UBND cùng cấp tiếp nhận, theo dõi, quản lý chặt chẽ số người chấp hành xong án phạt tù về địa phương sinh sống. Định kỳ 6 tháng, 1 năm tổ chức khảo sát, đánh giá toàn bộ các mặt công tác tái hòa nhập cộng đồng trên địa bàn tỉnh, trong đó thống kê, lập danh sách số đối tượng thuộc diện tái hòa nhập cộng đồng tại địa phương, phân loại thành 4 nhóm. Đó là: số đối tượng đã có việc làm ổn định, chấp hành tốt pháp luật tại địa phương; số đối tượng chưa có việc làm hoặc có việc làm nhưng không ổn định, gặp nhiều khó khăn; số đối tượng sống trong môi trường phức tạp, dễ bị lôi kéo vi phạm pháp luật; số đối tượng lười lao động không chịu sự quản lý của địa phương có nguy cơ tái phạm cao. Trên cơ sở kết quả rà soát, tham mưu UBND tỉnh có văn bản chỉ đạo các ban, ngành, đoàn thể liên quan tập trung các nguồn lực tổ chức giúp đỡ đối tượng thuộc nhóm 2, 3 tái hòa nhập cộng đồng; đưa vào quản lý nghiệp vụ đối với số đối tượng thuộc nhóm 4 và số đối tượng khác có đủ điều kiện, để kịp thời phát hiện, ngăn chặn, xóa bỏ các điều kiện, nguy cơ có thể khiến họ tái phạm tội... Phối hợp rà soát, đánh giá hiệu quả hoạt động của các mô hình tái hòa nhập cộng đồng tại địa phương để nhân rộng những mô hình hoạt động hiệu quả, loại bỏ ngay mô hình hoạt động yếu kém hoặc không hoạt động. Đồng thời, chỉ đạo công an cấp huyện phối hợp các sở, ban, ngành, đoàn thể và chính quyền địa phương phấn đấu xây dựng 1 mô hình điểm về tái hòa nhập cộng đồng tại đơn vị cấp xã được lựa chọn để thực hiện tái hòa nhập cộng đồng trong năm 2019.

Nhiệm vụ quan trọng, bắt buộc thực hiện

Chủ tịch UBND tỉnh cũng yêu cầu Sở Lao động, Thương binh và Xã hội chỉ đạo Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh tăng cường phối hợp và trên cơ sở rà soát, đề xuất của Công an tỉnh định kỳ mở các buổi tư vấn học nghề, nâng cao kỹ năng tìm kiếm việc làm, lựa chọn công việc phù hợp với khả năng, nguyện vọng và tạo cầu nối giới thiệu việc làm cho người thuộc diện cần phải giúp đỡ tái hòa nhập cộng đồng với nhà tuyển dụng lao động. Phấn đấu tổ chức ít nhất 2 đợt tư vấn/năm; giới thiệu việc làm cho ít nhất 5% trên tổng số đối tượng cần tái hòa nhập cộng đồng đang sinh sống trên địa bàn. Phối hợp chặt chẽ Công an tỉnh, Sở Tài chính để tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc trong thực hiện công tác tái hòa nhập cộng đồng tại địa phương, nhất là về nguồn vốn cho vay, việc hỗ trợ dạy nghề, tạo việc làm cho người thuộc diện cần tái hòa nhập cộng đồng trên địa bàn.

UBND các huyện, thị xã, thành phố chỉ đạo lực lượng công an các huyện, thị xã, thành phố chủ trì, phối hợp ban, ngành, đoàn thể, chính quyền địa phương nghiên cứu, lựa chọn ít nhất 1 địa bàn cấp xã để tổ chức thí điểm công tác tái hòa nhập cộng đồng cho người chấp hành xong án phạt tù trở về địa phương sinh sống, phấn đấu giúp đỡ ít nhất 3 người/năm có việc làm ổn định, chấp hành tốt chính sách pháp luật tại địa phương, ưu tiên thực hiện tại các địa bàn trọng điểm, phức tạp về trật tự an toàn xã hội được UBND tỉnh lựa chọn chuyển hóa hằng năm. Chỉ đạo UBND cấp xã phân công tổ chức, cá nhân chịu trách nhiệm quản lý, giáo dục, giúp đỡ người chấp hành xong án phạt tù tích cực lao động, học tập và tham gia các hoạt động xã hội, ổn định cuộc sống; phối hợp lực lượng công an xây dựng và thực hiện hiệu quả các mô hình tái hòa nhập cộng đồng tại địa phương...

Bên cạnh những nhiệm vụ trọng tâm nêu trên, Công văn số 1850/UBND-NC nêu rõ: Xác định việc thực hiện công tác tái hòa nhập cộng đồng đối với người chấp hành xong án phạt tù tại cơ sở là nhiệm vụ quan trọng, bắt buộc thực hiện, đảm bảo phải có sự tham gia của tất cả ban, ngành, đoàn thể và UBND các cấp theo hướng phân công nhiệm vụ cụ thể cho từng sở, ban, ngành, UBND các cấp và cá nhân có liên quan, trong đó lực lượng công an, lao động, thương binh và xã hội đối với vai trò nòng cốt.

B.T

  • Từ khóa
32136

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu