Thứ 7, 20/04/2024 05:02:23 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

NGHE - THẤY & SUY NGẪM 08:15, 17/09/2017 GMT+7

Tạo bước chuyển mới trên lĩnh vực thú y

Chủ nhật, 17/09/2017 | 08:15:00 151 lượt xem

BP - Hôm nay 15-9, Nghị định số 90/2017/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực thú y có hiệu lực thi hành. Đây là một trong những văn bản pháp luật liên quan nhiều đến đời sống hằng ngày, thu hút sự quan tâm của người dân. Theo nghị định này, mỗi hành vi vi phạm hành chính trong lĩnh vực thú y, tổ chức, cá nhân phải chịu một trong các hình thức xử phạt là cảnh cáo hoặc phạt tiền. Mức phạt tiền tối đa đối với cá nhân trong mỗi hành vi vi phạm là 50 triệu đồng và đối với tổ chức là 100 triệu đồng.

Nghị định số 90/2017/NĐ-CP quy định nếu không đeo rọ mõm hoặc không xích giữ chó, không có người dắt khi đưa chó ra nơi công cộng; không tiêm vắc-xin phòng bệnh dại cho động vật bắt buộc phải tiêm phòng... thì bị phạt tiền và mức phạt tăng cao hơn so với trước đây. Ngoài ra, hành vi giết mổ, mua bán động vật mắc bệnh, có dấu hiệu mắc bệnh, động vật chết, sản phẩm động vật mang mầm bệnh thuộc danh mục bệnh động vật phải công bố dịch; chăn nuôi gia súc, gia cầm tập trung... cũng sẽ bị phạt nặng. Trước tình hình chó thả rông gây tai nạn giao thông, chó dại cắn người,... và đặc biệt là vấn đề mất vệ sinh an toàn thực phẩm diễn ra phức tạp thì việc xử phạt trên lĩnh vực thú y theo nghị định này là rất cần thiết.

Phạm vi điều chỉnh của nghị định bao gồm các hành vi vi phạm hành chính, hình thức xử phạt, mức xử phạt, biện pháp khắc phục hậu quả đối với hành vi vi phạm, thẩm quyền xử phạt và thẩm quyền lập biên bản vi phạm hành chính trong lĩnh vực thú y. Đối tượng áp dụng là với tổ chức, cá nhân có hành vi vi phạm liên quan đến lĩnh vực thú y trên lãnh thổ Việt Nam. Phạm vi điều chỉnh và đối tượng áp dụng của nghị định là rất rộng. Vì vậy để quy định của pháp luật đi vào cuộc sống, trước hết phải tuyên truyền cho người dân hiểu rõ những nội dung của nghị định, từ đó giúp họ nâng cao ý thức, tự giác chấp hành. Bên cạnh đó, các cơ quan có thẩm quyền xử phạt phải nâng cao trách nhiệm hơn nữa. Nếu lực lượng chức năng thường xuyên kiểm tra, kiểm soát và kiên quyết xử phạt một cách nghiêm minh thì những quy định của pháp luật sẽ đi vào cuộc sống. Ngược lại, khi lực lượng chức năng xem nhẹ hoặc buông lỏng quản lý thì khó nâng cao ý thức chấp hành pháp luật của người dân. Tuy nhiên, để thực hiện Nghị định số 90 cần phải có lực lượng chuyên trách, mà hiện chỉ có ở cấp tỉnh (Chi cục Chăn nuôi - Thú y) và cấp huyện (trạm thú y). Trong khi đó, theo Nghị định số 90, cấp xã được giao quyền xử phạt một số hành vi vi phạm là rất khó thực hiện. Hằng ngày, cấp xã vốn đã có rất nhiều việc cần phải giải quyết, các quy định pháp luật ra đời đều giao về xã. Vì vậy, chỉ có cơ quan chuyên trách làm nhiệm vụ thú y mới có thể thực hiện tốt các chế tài xử phạt của nghị định này. 

Trước đây cũng có những quy định trong lĩnh vực thú y về vấn đề này nhưng cơ quan chức năng không đủ lực lượng để kiểm soát việc chấp hành của người dân. Với các mức xử phạt theo Nghị định số 90 tăng rất cao, cùng với sự vào cuộc đồng bộ của cơ quan chức năng và ý thức tự giác chấp hành của người dân, hy vọng sẽ tạo một bước chuyển mới trong lĩnh vực quản lý thú y.

Thanh Hà

  • Từ khóa
108720

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu