Thứ 7, 20/04/2024 12:47:24 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

Thời luận 08:19, 18/08/2017 GMT+7

Tăng thu phải đi kèm với giám sát chi

Thứ 6, 18/08/2017 | 08:19:00 87 lượt xem

BP - Tại kỳ họp thứ 4 tổ chức trong tháng 7 vừa qua, HĐND tỉnh khóa IX đã thống nhất điều chỉnh tăng thu ngân sách năm 2017. Cụ thể là từ 4.566 tỷ đồng lên 5.200 tỷ đồng, tăng 634 tỷ đồng so với dự toán đầu năm, trong đó thu nội địa tăng 564 tỷ đồng. Trong bối cảnh tình hình kinh tế - xã hội có nhiều khó khăn hiện nay như giá nhiều mặt hàng nông sản giảm mạnh, thời tiết diễn biến phức tạp, mưa trái mùa, dịch bệnh trên cây trồng phát triển... thì việc quyết định tăng thêm 564 tỷ đồng thu nội địa đã thể hiện sự nỗ lực, tích cực trong xây dựng dự toán và quyết tâm chính trị cao của UBND tỉnh.

Theo đà quyết tâm đó, hàng loạt huyện, thị xã cũng đã quyết định điều chỉnh tăng thu ngân sách trong năm 2017. Thị xã Đồng Xoài điều chỉnh thu ngân sách năm 2017 là 864,7 tỷ đồng, trong đó thu phát sinh trên địa bàn 403,49 tỷ đồng, tăng thêm 47,49 tỷ đồng so với chỉ tiêu tỉnh giao đầu năm. Thị xã Phước Long phấn đấu thu 671,258 tỷ đồng, trong đó thu mới phát sinh 422 tỷ đồng, tăng 51,948 tỷ đồng so với dự toán HĐND thị xã thông qua đầu năm. Huyện Bù Đăng dù 6 tháng đầu năm chỉ thu được 50,693 tỷ đồng, đạt 47% so với dự toán tỉnh giao và đạt 44% so với dự toán HĐND huyện thông qua nhưng vẫn quyết tâm điều chỉnh thu ngân sách năm 2017 lên 118,6 tỷ đồng, tăng 3 tỷ đồng so với dự toán HĐND thông qua đầu năm, tăng 23 tỷ đồng so với dự toán điều chỉnh tỉnh giao...

Từ xưa đến nay, nói đến ngân sách là nói đến việc thu chi. Cái lẽ thông thường là mỗi địa phương, mỗi ngành đều phấn đấu tăng thu, giảm chi để Nhà nước có điều kiện đầu tư phát triển và tăng phúc lợi xã hội. Nhưng ở nước ta, do hoàn cảnh lịch sử và điều kiện tự nhiên ở các vùng miền khác nhau nên nguồn thu không đồng đều, không bảo đảm cân đối nên nhiều địa phương phải dựa vào nguồn ngân sách của nhà nước cung cấp. Ngân sách nhà nước là do công sức của dân làm ra, nhưng khi “chia bánh” lại do một số cơ quan chức năng đảm trách. Cũng vì thế mà sinh ra chuyện “đi đêm”. Đến mùa giao ngân sách, các bộ, ngành, địa phương ùn ùn kéo đến các cơ quan được giao nhiệm vụ phân bổ ngân sách ở Trung ương để “trình bày hoàn cảnh”. Có địa phương phần lớn nguồn chi phải nhờ Trung ương hỗ trợ nhưng lại muốn xin được nhiều để mua ôtô, xây trụ sở, tổ chức hội hè... gây thất thoát, lãng phí ghê gớm. Và đây chính là điều kiện, là cơ hội nảy sinh nạn nhũng nhiễu trong bộ máy quản lý của nhà nước.

Từ khi Luật Ngân sách đi vào đời sống thì việc chia “chiếc bánh ngân sách” đã rạch ròi, dân chủ hơn rất nhiều. Ở cấp địa phương thì HĐND và ở cấp Trung ương thì Quốc hội đã có luật để giám sát việc phân chia ngân sách cũng như chi ngân sách nhà nước. Tuy nhiên, tình trạng lạm dụng, lãng phí ngân sách vẫn còn khá phổ biến. Năm 2016, Thanh tra Bộ Tài chính đã thực hiện 47 cuộc thanh tra, kiểm tra và kiến nghị xử lý tài chính 16.742,5 tỷ đồng, trong đó phát hiện 28.800 khoản chi chưa chấp hành đúng quy định. Có những địa phương tổ chức lễ kỷ niệm thành lập tỉnh gây lãng phí và tốn kém, như tỉnh Vĩnh Phúc chi 65 tỷ đồng mua quà tặng dịp kỷ niệm 20 năm tái lập tỉnh; Tập đoàn Than - Khoáng sản Việt Nam bỏ ra hàng chục tỷ đồng mua kỷ niệm chương 80 năm ngày truyền thống...

Tăng thu ngân sách là việc làm không dễ và thể hiện quyết tâm chính trị cao của cấp ủy, chính quyền các cấp. Nhưng để nâng cao hiệu quả quản lý, sử dụng ngân sách, bên cạnh việc nỗ lực tăng thu thì Quốc hội, HĐND các cấp cần nâng cao hơn nữa hiệu lực, hiệu quả hoạt động giám sát, đặc biệt là trong lĩnh vực đầu tư xây dựng, quản lý, sử dụng đất đai, tài nguyên, mua sắm và sử dụng tài sản công.

Nguyên Thủy

  • Từ khóa

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu