Thứ 7, 20/04/2024 07:01:11 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

HIẾN PHÁP NƯỚC CHXHCN VIỆT NAM 05:59, 06/04/2013 GMT+7

Tăng quyền cho Hội đồng Hiến pháp

Thứ 7, 06/04/2013 | 05:59:00 49 lượt xem

Tại Khoản 3, Điều 9 trong Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992 có ghi: 3. Nhà nước tạo điều kiện để Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các tổ chức thành viên của Mặt trận và các tổ chức xã hội khác hoạt động. Theo ý kiến của cá nhân tôi thì quy định như trên là chưa phù hợp với vai trò, vị trí của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cũng như các tổ chức thành viên và các tổ chức xã hội khác, đồng thời chưa thể hiện rõ được trách nhiệm của Nhà nước. Vì vậy, tôi đề nghị thay từ “tạo” bằng cụm từ “bảo đảm mọi”. Tuy nhiên, mọi hoạt động của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các tổ chức thành viên và các tổ chức xã hội khác phải tuân thủ theo pháp luật. Do đó, ở cuối Khoản 3 cần được bổ sung cụm từ “đúng pháp luật”. Như vậy, Khoản 3, Điều 9 được viết lại như sau: Nhà nước bảo đảm mọi điều kiện để Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các tổ chức thành viên của Mặt trận và các tổ chức xã hội khác hoạt động đúng pháp luật.

Điều 103 (sửa đổi, bổ sung Điều 114) là điều quy định về những nhiệm vụ và quyền hạn của Thủ tướng Chính phủ. Tại Khoản 5 của điều này có quy định như sau: 5. Thực hiện chế độ báo cáo trước nhân dân thông qua các phương tiện thông tin đại chúng về những vấn đề quan trọng mà Chính phủ phải giải quyết. Theo ý kiến của cá nhân tôi thì quy định như trên là chưa đầy đủ, chưa phù hợp với tình hình thực tế của thể chế chính trị ở nước ta hiện nay. Vì ở đây dự thảo mới chỉ quy định nhiệm vụ mà Thủ tướng phải làm, chứ chưa có chế tài ràng buộc giữa nhiệm vụ và trách nhiệm của cá nhân Thủ tướng. Vì vậy, tôi đề xuất trong Khoản 5 này cần thêm dấu chấm phẩy sau cụm từ “phải giải quyết” và tiếp theo đó cần bổ sung quy định như sau: “đồng thời chịu trách nhiệm cá nhân trước Quốc hội và Ủy ban Thường vụ Quốc hội đối với mọi hoạt động của Chính phủ và các thành viên khác của Chính phủ”. Như vậy, Khoản 5, Điều 103 được viết lại như sau: “Thực hiện chế độ báo cáo trước nhân dân thông qua các phương tiện thông tin đại chúng về những vấn đề quan trọng mà Chính phủ phải giải quyết; đồng thời chịu trách nhiệm cá nhân trước Quốc hội và Ủy ban Thường vụ Quốc hội đối với mọi hoạt động của Chính phủ và các thành viên khác của Chính phủ”.

Điều 120 trong Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992 là điều hoàn toàn mới và tại Khoản 2 của điều này có quy định như sau: 2. Hội đồng Hiến pháp kiểm tra tính hợp hiến của các văn bản quy phạm pháp luật do Quốc hội, Chủ tịch nước, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Tòa án Nhân dân tối cao, Viện Kiểm sát Nhân dân tối cao ban hành; kiến nghị Quốc hội xem xét lại văn bản quy phạm pháp luật của mình khi phát hiện có vi phạm Hiến pháp; yêu cầu Chủ tịch nước, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Tòa án Nhân dân tối cao, Viện kiểm sát Nhân dân tối cao sửa đổi, bổ sung văn bản quy phạm pháp luật của mình hoặc đề nghị cơ quan có thẩm quyền hủy bỏ văn bản vi phạm Hiến pháp; kiểm tra tính hợp hiến của điều ước quốc tế được ký kết nhân danh Nhà nước trước khi trình Quốc hội, Chủ tịch nước phê chuẩn.

Theo suy nghĩ của cá nhân tôi, đây là một thiết chế có vai trò cực kỳ quan trọng trong việc bảo vệ Hiến pháp và pháp luật. Thế nhưng, trong Dự thảo sửa đổi Hiến pháp mới chỉ đưa ra những vấn đề cơ bản liên quan đến địa vị pháp lý, chức năng cơ bản của Hội đồng Hiến pháp. Và với những quy định như trên thì Hội đồng Hiến pháp chỉ là một cơ quan tư vấn giúp Quốc hội giám sát việc tuân thủ Hiến pháp hay việc ban hành các văn bản quy phạm pháp luật của các cơ quan nhà nước ở Trung ương, chứ không có chức năng giám sát việc tuân thủ Hiến pháp trong hoạt động của các cơ quan này. Nói đúng hơn là nếu quy định như trong dự thảo thì Hội đồng Hiến pháp mới chỉ có thẩm quyền đề nghị, kiến nghị, yêu cầu các cơ quan có thẩm quyền ban hành xem xét lại, sửa đổi, bổ sung, hoặc hủy bỏ văn bản quy phạm pháp luật khi phát hiện có vi phạm Hiến pháp. Và đây mới chỉ là cơ chế giám sát, phản biện, chưa phải là cơ chế phán quyết.

Vì thế, tôi đề xuất cần bổ sung thêm một số điều hoặc một chương riêng quy định về Hội đồng Hiến pháp. Trong những điều hoặc chương mới này cần thể hiện rõ tầm quan trọng của cơ quan này và xác định những nội dung cơ bản về địa vị pháp lý, chức năng, thẩm quyền, cơ cấu tổ chức, trật tự hình thành... của Hội đồng Hiến pháp một cách cụ thể, rõ ràng. Nói cách khác là Hội đồng Hiến pháp phải có thực quyền hơn. Cụ thể là Hội đồng Hiến pháp phải được trao thẩm quyền kiểm tra, phát hiện và kết luận về những trường hợp trái với Hiến pháp của các văn bản trước khi Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ tịch nước, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Tòa án Nhân dân tối cao, Viện Kiểm sát Nhân dân tối cao ban hành. Có như vậy mới hạn chế được tối đa tình trạng ban hành các văn bản quy phạm pháp luật chồng chéo, mâu thuẫn, trái với Hiến pháp, vi phạm Hiến pháp ở nước ta hiện nay.

Luật gia: Vĩnh Hòa

  • Từ khóa
108197

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu