Thứ 6, 19/04/2024 05:29:59 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

Xã hội 15:08, 12/04/2013 GMT+7

Nghề đốt than ở Bàu Nghé sẽ đi đâu, về đâu?

Thứ 6, 12/04/2013 | 15:08:00 921 lượt xem

Người chọn nghề nhưng cũng có nghề chọn người và không ít người phải gắn chặt đời mình với cái nghề mà mình chẳng hề yêu thích chỉ vì kế sinh nhai! Những người đốt than ở thôn Bàu Nghé, xã Phước Tín (TX. Phước Long) đã nói về công việc của mình như vậy.

ĐỎ, ĐEN VỚI THAN

Chán với những tháng ngày lênh đênh trên sông nước, năm 2007 gia đình bà Bùi Thị Nhàn chọn thôn Bàu Nghé làm nơi dừng chân để lập nghiệp. Không biết chữ, không nghề nghiệp và “rỗng” túi nên họ bắt đầu theo một số người dân tại đây đi vớt củi dưới lòng hồ Thác Mơ để làm nghề đốt than. Giã từ nghề đánh cá, họ học nghề mới và chẳng bao lâu thôn Bàu Nghé đã có hơn 10 lò than đỏ lửa, cung cấp các loại than đốt cho toàn huyện Phước Long lúc bấy giờ.

Bà Nhàn nhớ lại: “Lúc đó cây dưới lòng hồ nhiều vô kể, những thợ lặn siêng năng có thu nhập rất cao nhờ có ngày may mắn tìm được gỗ quý, còn các loại gỗ tạp chưa mục thì bán cho người đốt than”.


Bà Nguyễn Thị Kim Phụng đóng than thuê ở thôn Bàu Nghé với thu nhập 150 ngàn đồng/ngày

Thời gian qua đi cũng là lúc nguồn tài nguyên ở lòng hồ Thác Mơ bị khai thác cạn kiệt. Tôm cá, củi gỗ giờ không còn nhiều. Người dân Bàu Nghé phải vất vả hơn khi kiếm kế sinh nhai cho mình. Những người đánh bắt cá đi xa hơn, thoát ra khỏi 13 ngàn ha mặt nước lòng hồ, còn nghề đốt than thì bắt đầu tìm hiểu “công việc kinh doanh”, khi phải tìm nguồn nguyên liệu thay thế, tìm đầu ra cho sản phẩm...

Làm nghề đốt than có tiếng ở thôn Bàu Nghé phải kể đến gia đình ông Phan Văn Hơn - bà Huỳnh Thị Bích. Vậy nhưng hơn 10 năm đốt than, gia đình họ cũng chỉ ở mức đủ sống.

Bà Bích nói: Đã có lúc tôi muốn bỏ nghề, nhưng không biết làm gì để sống nên đành gắn bó với nó. Có hôm con trai tôi chui từ lò than ra mà tôi không thể nhận ra đâu là thợ, đâu là con mình. Bụi bặm, cực dữ lắm!

Bà Bích trước đây có 8 lò than, nhưng hiện chỉ còn 4 lò đỏ lửa liên tục. Một mẻ than được đốt khoảng 1,5-2 tháng là ra lò, trừ chi phí, lãi khoảng 1 triệu đồng/mẻ và nếu bị lò “phản” (than cháy thành tro) thì coi như mất vốn.

VẪN PHẢI GIỮ NGHỀ

Muốn đốt than, mỗi nhà phải tự đào lò. Mỗi lò trung bình có đường kính 3m, chiều cao phần nổi trên mặt đất khoảng 7-8 tấc, nóc lò hình nón, xung quanh khoét 3 ống thông hơi, 1 lỗ chụm và 1 lỗ để ra than. Một lò than mỗi lần đốt khoảng 1,5 xe máy cày là cây cà phê, nhánh xà cừ, chôm chôm, điều... được xếp thành hàng ngang, dọc nằm gọn trong lòng lò. Khi đốt cần duy trì ngọn lửa liên tục, khoảng 20 ngày thì bắt đầu theo dõi các ống khói. Tùy thời tiết, củi khô hay ướt đốt khoảng 1,5-2 tháng thì khói chuyển từ màu trắng sang nâu, rồi xanh và không còn khói, ngửi thấy mùi là biết than đã chín.

nghe than bau nghe binh phuoc
Cho cây vào lò để đốt than

Lúc này các chủ lò bít kín tất cả các lỗ lại, 12 giờ sau thì tắm than. Ở công đoạn tắm than, người có kinh nghiệm thường quậy sình cho thật nhuyễn, tưới từ từ trên nóc xuống cho đều khắp lò. Tắm càng kỹ, càng nhiều lần thì kiểm soát được việc lò xì hơi (dẫn đến than hóa tro), lò lạnh càng nhanh than càng có chất lượng. Tắm xong, 15 ngày sau than ra lò.

Anh Võ Văn Mận, một chủ lò than ở thôn Bàu Nghé chia sẻ: Khi đốt than mà cây càng tươi thì than càng chắc, mỗi lò phải có từ 3-4 công lao động, trong đó một công ở nhà theo dõi lò, những người còn lại đi mua và thu gom cây. Anh Mận cho biết thêm: Vì các con không chịu học hành nên anh muốn giữ lại cái nghề này cho con, chứ không ai muốn gắn bó vì vất vả lắm.

MONG CHÍNH SÁCH CHO 13 NGÀN HA MẶT NƯỚC

Ông Phạm Đức Thọ, Trưởng thôn Bàu Nghé tâm sự: 18 năm “vác tù và hàng tổng” ở xứ nghèo này, ông chưa thấy nhà nào làm giàu từ nghề đốt than. Đó chỉ là công việc để kiếm sống qua ngày và cũng bởi tự phát nên không ai có kỹ thuật, chẳng có bảo hộ lao động, đầu ra đầu vào.

Hiện nay nguồn nguyên liệu không còn nhiều, nên nghề đốt than rồi sẽ mai một dần. Nhưng ông trưởng thôn lo nhất là lớp thanh niên của thôn Bàu Nghé chẳng ai chịu học hành đến nơi đến chốn để kiếm lấy nghề khác mà cứ mãi theo cha mẹ lặn ngụp trong cái lòng hồ Thác Mơ kiếm sống với suy nghĩ tới đâu hay tới đó, không cần biết ngày mai...

“Bàu Nghé có 160 hộ, 786 người thì 30% số dân ở đây vẫn còn nghĩ đến cuộc sống lang bạt trên sông nước, chỉ có 2 đứa con tôi là được học đại học. Cái khó của chúng tôi là 90% hộ không có đất sản xuất, không có vốn nên không thể định hướng phát triển gì được”,  ông Thọ bùi ngùi nói.

Hơn 13 ngàn ha mặt nước với các nguồn lợi thủy hải sản và kinh nghiệm sông nước sẵn có, người dân Bàu Nghé đang rất cần sự hỗ trợ về mặt chính sách của các cấp chính quyền để gắn bó lâu dài tại đây.

Phương Dung

  • Từ khóa
44596

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu