Thứ 5, 25/04/2024 09:22:54 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

Chính trị 09:03, 26/12/2019 GMT+7

Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với quân đội

Nhất Huy (Bộ CHQS tỉnh)
Thứ 5, 26/12/2019 | 09:03:00 810 lượt xem
BP - Sự lãnh đạo của Đảng là một nguyên tắc căn bản, nguồn gốc chủ yếu, quyết định sự trưởng thành, chiến thắng của quân đội trong mọi thời kỳ cách mạng. Ngày nay, tình hình thế giới, trong nước và khu vực có nhiều biến động phức tạp, sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc đòi hỏi Đảng phải giữ vững và tăng cường sự lãnh đạo của mình đối với quân đội, vì:

Thứ nhất, đấu tranh giai cấp thực chất là đấu tranh của những người bị áp bức bóc lột chống giai cấp thống trị bóc lột. Quân đội của giai cấp nào thì mang bản chất giai cấp ấy, để quân đội mang bản chất giai cấp công nhân thì phải đặt dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản - đội tiên phong, lãnh tụ chính trị của giai cấp công nhân. Khi mới thành lập, trong Cương lĩnh chính trị đầu tiên của mình, Đảng ta đã chỉ ra con đường đấu tranh vũ trang giành chính quyền. Trong Chánh cương, Sách lược vắn tắt của Đảng (tháng 2-1930), Chủ tịch Hồ Chí Minh đã viết: “tổ chức ra quân đội công nông” và tiếp sau đó là Luận cương chính trị của Đảng (tháng 10-1930) đã nêu vấn đề “vũ trang cho công nông”, “lập quân đội công nông”, “tổ chức đội tự vệ công nông”. Tại Đại hội I của Đảng (năm 1935), Đảng đã ra Nghị quyết về tổ chức và lãnh đạo tự vệ thường trực. Nghị quyết ghi rõ: công nông cách mạng tự vệ đội đặt dưới quyền chỉ huy thống nhất của Trung ương Quân ủy. 

Thứ hai, mục tiêu chiến đấu của Quân đội nhân dân Việt Nam là mục tiêu, lý tưởng của Đảng, đó là độc lập dân tộc gắn liền với chủ nghĩa xã hội. Chức năng của quân đội ta ngay từ khi mới ra đời đã được Đảng, Bác Hồ chỉ rõ: quân đội không chỉ có chức năng chiến đấu mà còn cả chức năng công tác, trong đó, chức năng chiến đấu là cơ bản nhất. Hiện nay, trước yêu cầu mới, chức năng nhiệm vụ của quân đội là bảo vệ đất nước hòa bình và phát triển, thực hiện thành công sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa, giữ vững ổn định chính trị - xã hội, ngăn ngừa, đẩy lùi nguy cơ chiến tranh xâm lược bằng sức mạnh mới, sẵn sàng đánh thắng mọi loại hình chiến tranh xâm lược của mọi thế lực thù địch; đồng thời phải làm tốt chức năng đội quân công tác, đội quân lao động sản xuất, tham gia xây dựng kinh tế, giúp đỡ nhân dân xóa đói giảm nghèo, phòng chống thiên tai, xây dựng chính trị ở cơ sở, nhất là ở biên giới, hải đảo, vùng sâu, vùng xa, vùng dân tộc ít người, đồng bào có đạo góp phần giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội.

Thứ ba, thực tiễn lịch sử quân đội các nước xã hội chủ nghĩa trong thế kỷ XX và gần đây đều cho thấy: chỉ có đặt dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản, quân đội mới giữ vững được bản chất giai cấp công nhân; mới xác định rõ được mục tiêu, lý tưởng chiến đấu vì chủ nghĩa xã hội, vì hạnh phúc của nhân dân; từ đó mà luôn tuyệt đối trung thành với Đảng, Nhà nước, nhân dân, với chế độ xã hội chủ nghĩa, không ngừng tăng cường sức mạnh chiến đấu của mình. Nhưng một khi Đảng Cộng sản có những sai lầm trong xác định đường lối cách mạng, đường lối xây dựng quân đội, xem nhẹ vai trò của công tác đảng, công tác chính trị, thiếu quan tâm củng cố sự lãnh đạo hoặc từ bỏ sự lãnh đạo của mình đối với quân đội, thì quân đội nhanh chóng biến chất, mất phương hướng chiến đấu, bị kẻ thù vô hiệu hóa để không còn là lực lượng chính trị trung thành, công cụ bạo lực của Đảng, Nhà nước xã hội chủ nghĩa trong bảo vệ thành quả của cách mạng, của chế độ xã hội chủ nghĩa nữa. Chính vì nắm chắc quân đội, lãnh đạo chặt chẽ quân đội mà Đảng đã phát huy được sức mạnh của quân đội, làm cho quân đội luôn mang bản chất giai cấp công nhân, tuyệt đối trung thành với Đảng, với Tổ quốc, với nhân dân, không ngừng lớn mạnh, trưởng thành, đánh thắng 2 đế quốc lớn là Pháp và Mỹ. Hiện nay, quân đội ta đang cùng toàn Đảng, toàn dân tiếp tục công cuộc đổi mới, thực hiện 2 nhiệm vụ chiến lược là xây dựng thành công chủ nghĩa xã hội và bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa.

Thứ tư, nhằm thực hiện tốt phương hướng xây dựng quân đội cách mạng chính quy, tinh nhuệ, từng bước hiện đại, lấy xây dựng chính trị làm cơ sở để nâng cao sức mạnh tổng hợp, sức chiến đấu là đòi hỏi tất yếu khách quan. Đây là vấn đề sống còn của quân đội ta, nó liên quan đến sự tồn vong của độc lập dân tộc và xã hội chủ nghĩa ở nước ta. Hơn nữa, cuộc đấu tranh giai cấp, đấu tranh dân tộc đang diễn ra hết sức phức tạp. Và chúng ta cũng đang đứng trước những khó khăn, thách thức mới, đó là, mặt trái của cơ chế thị trường đang hằng ngày, hằng giờ tác động vào nhận thức, tư tưởng, tình cảm của cán bộ, chiến sĩ. Bên cạnh đó, chủ nghĩa đế quốc và các thế lực thù địch đang ráo riết đẩy mạnh chiến lược “diễn biến hòa bình”, bạo loạn lật đổ để chống phá độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội ở nước ta. Chúng đòi “phi chính trị hóa” quân đội, đòi xóa bỏ vai trò lãnh đạo của Đảng đối với quân đội.

Do đó, chúng ta phải chủ động đấu tranh làm thất bại mọi âm mưu, thủ đoạn của các thế lực thù địch, đồng thời sẵn sàng đối phó với cuộc chiến tranh hiện đại có sử dụng vũ khí công nghệ cao. Từ đó đặt ra vấn đề xây dựng quân đội, muốn xây dựng quân đội thì phải tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với quân đội. Một điểm đáng chú ý, phần lớn cán bộ, chiến sĩ hiện nay sinh ra và lớn lên trong thời bình, dù được đào tạo cơ bản, nhưng ít kinh nghiệm, chưa được rèn luyện, thử thách trong chiến tranh. Cho nên, việc xây dựng quân đội và tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với quân đội là vấn đề có ý nghĩa quan trọng hàng đầu để quân đội trung thành với Đảng, Nhà nước và nhân dân.

Như vậy, từ cơ sở lý luận và thực tiễn nêu trên chúng ta khẳng định rằng, Đảng Cộng sản Việt Nam tổ chức và lãnh đạo Quân đội nhân dân Việt Nam là một tất yếu khách quan. Lịch sử đã chứng minh bản chất chính trị và sức mạnh chiến đấu của quân đội gắn liền với sự vững mạnh của Đảng, người tổ chức và lãnh đạo nó. Chủ tịch Hồ Chí Minh đã khẳng định: “Quân đội ta có sức mạnh vô địch, vì nó là quân đội nhân dân do Đảng ta xây dựng, Đảng ta lãnh đạo và giáo dục”. Chỉ có Đảng Cộng sản Việt Nam là lực lượng duy nhất lãnh đạo Quân đội nhân dân Việt Nam, Đảng không chia quyền lãnh đạo cho ai khác.

  • Từ khóa
2881

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu