Thứ 6, 29/03/2024 15:26:26 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

Giáo dục 15:50, 15/08/2012 GMT+7

Tăng cường giáo viên có chuyên môn giỏi cho các trường phổ thông DTNT

Thứ 4, 15/08/2012 | 15:50:00 120 lượt xem

Bộ Giáo dục - Đào tạo (GD-ĐT) vừa có văn bản số 5212/BGDĐT-GDDT gửi Sở GD-ĐT và các trường phổ thông dân tộc nội trú (DTNT) trực thuộc Bộ hướng dẫn thực hiện nhiệm vụ năm học 2012-2013 đối với giáo dục dân tộc.

Tăng cường giáo viên có chuyên môn giỏi cho các trường phổ thông DTNT
- Ảnh: H.T

Theo đó, Bộ GD-ĐT yêu cầu Sở GD-ĐT các tỉnh, thành phố và các trường DTNT trực thuộc thực hiện nhiệm vụ trọng tâm là tiếp tục quán triệt và triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XI; triển khai thực hiện chiến lược phát triển giáo dục 2011-2020; tiếp tục đẩy mạnh việc học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh, cuộc vận động “Mỗi thầy giáo, cô giáo là một tấm gương đạo đức, tự học và sáng tạo” và phong trào thi đua “Xây dựng trường học thân thiện, học sinh tích cực”.

Về nâng cao chất lượng dạy và học trong trường phổ thông DTNT, Bộ GD-ĐT yêu cầu các sở GD-ĐT chỉ đạo các trường phổ thông DTNT tăng cường vai trò của tổ trưởng chuyên môn trong công tác bồi dưỡng đội ngũ, đổi mới phương pháp dạy học bộ môn; vận dụng linh hoạt, sáng tạo các chuyên đề bồi dưỡng giáo viên phù hợp tình hình thực tế để nâng cao chất lượng học tập của học sinh; tổ chức khảo sát phân loại năng lực học tập của học sinh ngay từ đầu năm học để dạy học, phụ đạo, bồi dưỡng đúng đối tượng học sinh. Thực hiện nghiêm túc quy chế đánh giá xếp loại học sinh do Bộ GD-ĐT ban hành; tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin vào quản lý dạy học, kiểm tra, đánh giá học sinh trong các cơ sở giáo dục phù hợp đối tượng học sinh dân tộc thiểu số; thực hiện tốt việc phân tích kết quả đánh giá, xếp loại các môn học của học sinh năm học 2011-2012, từ đó đề ra các biện pháp cụ thể nhằm nâng cao chất lượng dạy học.

Về bảo đảm chất lượng dạy tiếng Việt và tiếng dân tộc thiểu số, Bộ GD-ĐT yêu cầu các trường triển khai việc chuẩn bị và tăng cường tiếng Việt cho trẻ mầm non và học sinh tiểu học dân tộc thiểu số. Xây dựng môi trường giao tiếp tiếng Việt cho học sinh dân tộc thiểu số qua các hoạt động dạy học tiếng Việt trong các môn học và hoạt động giáo dục; tổ chức có hiệu quả chương trình giao lưu “Tiếng Việt của chúng em” cho học sinh dân tộc thiểu số cấp tiểu học. Tiếp tục triển khai dạy tiếng dân tộc thiểu số cho cán bộ quản lý, giáo viên vùng dân tộc thiểu số theo Chỉ thị số 38/2004/CT-TTg ngày 29-11-2004 của Thủ tướng chính phủ về việc đẩy mạnh đào tạo, bồi dưỡng tiếng dân tộc thiểu số đối với cán bộ, công chức công tác ở vùng dân tộc và miền núi. Tăng cường công tác quản lý, chỉ đạo việc dạy và học tiếng dân tộc thiểu số trong các cơ sở giáo dục.

Các địa phương tổ chức việc dạy và học tiếng dân tộc thiểu số thực hiện nghiêm túc theo quy định tại Nghị định số 82/2010/NĐ-CP của Chính phủ quy định việc dạy và học tiếng nói, chữ viết của dân tộc thiểu số trong các cơ sở giáo dục phổ thông và trung tâm giáo dục thường xuyên. Các sở GD-ĐT xây dựng kế hoạch cụ thể và tổ chức dạy học tiếng dân tộc phù hợp với điều kiện của các địa phương về cơ sở vật chất, đội ngũ giáo viên, khả năng thanh toán chế độ chính sách cho người dạy và người học… Việc mở rộng xây dựng kế hoạch và tổ chức dạy học tiếng dân tộc phải trên cơ sở bảo đảm hoàn thành chương trình quy định, từng bước đưa việc dạy học tiếng dân tộc vào nền nếp và chất lượng ngày càng nâng cao.

Về nâng cao chất lượng đội ngũ nhà giáo, Bộ GD-ĐT yêu cầu các sở GD-ĐT chủ động bố trí, sắp xếp hợp lý đội ngũ nhà giáo, cán bộ quản lý các trường phổ thông DTNT. Bổ sung giáo viên có trình độ chuyên môn giỏi, có tâm huyết với giáo dục dân tộc cho các trường PTDTNT. Các sở GD-ĐT tổ chức bồi dưỡng nâng cao năng lực, nghiệp vụ cho đội ngũ cán bộ quản lý, giáo viên và cán bộ chuyên trách trong các trường phổ thông DTNT, phổ thông DTBT về: tổ chức các hoạt động giáo dục đặc thù; hoạt động ngoài giờ lên lớp; công tác học sinh nội trú, bán trú; đặc điểm tâm lý học sinh dân tộc thiểu số, văn hóa dân tộc; về giáo dục môi trường, phòng chống HIV/AIDS, giáo dục giá trị sống, kỹ năng sống, tâm lý học đường…

Tăng cường vai trò của tổ trưởng chuyên môn trong công tác bồi dưỡng chuyên môn, nghiệp vụ cho giáo viên; chú trọng ý thức tự bồi dưỡng chuyên môn của giáo viên. Tích cực đổi mới phương pháp dạy học phù hợp với học sinh DTTS và dạy học sát với khả năng, trình độ nhận thức của các đối tượng học sinh. Mỗi giáo viên, cán bộ quản lý trường phổ thông DTNT, thực hiện một sáng kiến đổi mới trong phương pháp dạy học và quản lý. Từng trường có kế hoạch cụ thể và tổ chức thực hiện hiệu quả về đổi mới phương pháp dạy học, kiểm tra, đánh giá học sinh…

PV

  • Từ khóa
83024

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu